Thanh niên cần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” trên mạng xã hội
VOV.VN - Tại diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” diễn ra chiều nay (17/3), nhiều đoàn viên cho rằng, internet, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích, nhưng cũng có những mặt tiêu cực ảnh hưởng tới tâm sinh lý và hành vi của thanh thiếu nhi, đặc biệt là các thông tin sai sự thật rất khó phân biệt, khó nhận diện.
Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” do Trung ương Đoàn tổ chức là dịp để Ban Bí thư Trung ương Đoàn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong và ngoài nước; đồng thời trao đổi về những giải pháp của Đoàn, Hội, Đội để thực hiện những vấn đề mà các bạn trẻ đang quan tâm, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Đặt câu hỏi tại diễn đàn, bạn Cao Trang Nhung (Tuyên Quang) và một số đoàn viên khác cho rằng, internet, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích, nhưng cũng có những mặt tiêu cực ảnh hưởng tới tâm sinh lý và hành vi của thanh thiếu nhi, đặc biệt là các thông tin sai sự thật rất khó phân biệt, nhận diện được.
“Chúng em rất mong các anh, chị có thể chia sẻ giải pháp nào để giúp thanh niên tăng cường "sức đề kháng" trước các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội”, bạn Trang Nhung đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho biết đây là câu hỏi thú vị, mang tính thời sự; hay được đặt ra tại nhiều diễn đàn, tọa đàm. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng lối sống văn hóa trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030, trên cơ sở đề xuất của Trung ương Đoàn. Trung ương Đoàn cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, nội dung để thực hiện các nội dung công việc.
Theo anh Nguyễn Ngọc Lương, để phát huy tốt lợi ích, giá trị của mạng xã hội, đồng thời khắc phục những mặt tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội, trước tiên, mỗi bạn trẻ cần hình thành ý thức, thái độ và văn hóa sử dụng mạng xã hội tích cực. Chúng ta đã có Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua năm 2019, bên cạnh đó, Trung ương Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Nhiều tài liệu giấy, điện tử và hệ thống báo chí của Đoàn giúp đoàn viên thanh niên sử dụng mạng xã hội an toàn.
Ngoài ra, anh Nguyễn Ngọc Lương cũng nhấn mạnh, đoàn viên thanh niên cũng cần tự trang bị kho tàng tri thức, kiến thức và cập nhật thông tin, từ chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch của Trung ương Đoàn, tích cực tham gia hoạt động xã hội, của Đoàn, Hội. Qua đó có lý luận và thực tiễn để nhận diện vấn đề.
“Thực tế, khi có nhiều thông tin cần kiểm chứng thì nên tìm thông tin chính thống. Đối với Đoàn, với thanh niên, các bạn trẻ có thể tìm đến báo chính thống, website của Trung ương Đoàn, hệ thống fanpage của tổ chức Đoàn. Các bạn hoàn toàn có thể trao đổi với cán bộ Đoàn các cấp, với Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Để các thông tin tiêu cực bớt đi thì cần sự chung tay của cộng đồng, các bạn trẻ. Chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lan tỏa nhiều câu chuyện, hành động đẹp, nghĩa cử nhân ái...
Mỗi bạn trẻ ngoài kiến thức, cần bản lĩnh để đấu tranh, phê bình, phản biện những thông tin xấu độc, hành vi chưa tốt, lệch chuẩn trên mạng xã hội.
Với những điều như vậy, tôi tin các bạn sẽ có lá chắn vững chắc, lăng kính sàng lọc thông tin”, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nói.
Nhiều nguy hiểm rình rập trẻ em trên không gian mạng
Cùng quan tâm đến vấn đề an toàn trên không gian mạng, bạn Nguyễn Như Quỳnh - sáng lập và là Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực an toàn trên không gian mạng và phát triển năng lực số cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đặt vấn đề, trong kỷ nguyên số ngày nay, công nghệ nói chung và internet nói riêng đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của trẻ em, thanh thiếu niên. Internet không chỉ mở ra những cơ hội học tập, phát triển bản thân và giải trí trực tuyến tích cực và tiện lợi cho trẻ em, mà ẩn sâu trong đó cũng đồng thời tồn tại những hạn chế, rủi ro có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên sự phát triển và sức khoẻ tâm thần, tâm lý và thể chất của các em, như lừa đảo mạng, xâm hại, quấy rối tình dục trực tuyến, tin giả, bắt nạt mạng…
Từ thực tế này, bạn Nguyễn Như Quỳnh kiến nghị tổ chức Đoàn cần nghiên cứu, lên kế hoạch, triển khai các chương trình dành cho thiếu nhi, thanh thiếu niên Việt Nam, tương tác với công nghệ số nói chung và internet nói riêng. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nhận diện rủi ro về an toàn trên không gian mạng, như tin giả và tin xấu độc, bạo lực mạng, bắt nạt mạng, quấy rối tình dục mạng... Đặc biệt rất cần giải pháp nâng cao năng lực số cho bạn trẻ…
Trước chia sẻ của Nguyễn Như Quỳnh, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng, có thể nói, công tác bảo vệ trẻ em và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng hiện nay đang là một trong những vấn đề hết sức cấp thiết, không chỉ tổ chức Đoàn mà cần được toàn xã hội quan tâm, để giúp các em thiếu nhi có lá chắn bảo vệ mình trên không gian mạng.
Tiếp thu những ý kiến góp ý, chia sẻ, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các giải pháp về vấn đề này trong thời gian tới.
Về góc độ Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương, liên quan đến việc hỗ trợ trẻ em tương tác, lành mạnh trên môi trường mạng ngoài thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức Đoàn, Đội các cấp triển khai nhiều chương trình, mô hình giải pháp để trang bị kiến thức, kỹ năng, định hướng thẩm mỹ cho các em thiếu nhi.
Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn, Đội đã triển khai rất nhiều hoạt động, sân chơi lành mạnh, bổ ích, sáng tạo trên không gian mạng cho các em thiếu nhi, như: Cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi, thiếu nhi với Bác Hồ, Liên hoan tuyên truyền măng non, thi tìm hiểu Luật Trẻ em, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em bằng hình thức trực tuyến; tổ chức các Ngày hội sắc màu, cuộc thi vẽ tranh trực tuyến dành cho thiếu nhi; tổ chức các sân chơi tìm hiểu về Bác Hồ, lịch sử dân tộc trên mạng internet… Bên cạnh đó là các clip, tiểu phẩm về phòng chống xâm hại trẻ em, trang bị kỹ năng cho trẻ em gửi tới cơ sở làm tư liệu sinh hoạt chi Đội, sinh hoạt Liên đội dưới cờ.
Cũng theo chị Phạm Nguyễn Duy Trang, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động sinh hoạt, rèn luyện của các em thiếu nhi tốt hơn. Đơn cử như chương trình "Thiếu nhi Việt Nam, học tập tốt, rèn luyện chăm" gắn với ứng dụng "Em làm việc tốt" cho đội viên khối tiểu học, kênh ý nghĩa kết nối tổ chức Đoàn, Đội với các em thiếu nhi, nhà trường và gia đình trong việc định hướng, giáo dục các em làm việc tốt.
Tới thời điểm này đã có 1,5 triệu em đăng ký tham gia với 36 triệu việc làm tốt xoay quanh các hoạt động hằng ngày của các em, như học tập, đọc sách, rèn luyện kỹ năng, bảo vệ môi trường, tập luyện thể dục thể thao, chia sẻ giúp đỡ bạn bè và người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là kênh tiếp cận và giải pháp bước đầu đạt được hiệu quả để kết nối giữa tổ chức Đội và các bậc phụ huynh trong quá trình theo dõi, định hướng cho các em thiếu nhi, đặc biệt trên không gian mạng./.