Thanh toán viện phí không tiền mặt vẫn gặp nhiều rào cản

VOV.VN -Người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế chưa mặn mà dùng thẻ thanh toán nên các bệnh viện cũng dè dặt triển khai thanh toán không
  dùng tiền mặt

Việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế hướng đến mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh đang được thúc đẩy thực hiện. Thế nhưng, hiện nay có đến hơn 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử. Bản thân người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế chưa mặn mà với việc dùng thẻ thanh toán viện phí nên các bệnh viện cũng đang dè dặt trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Bệnh nhân làm thẻ để thanh toán tại Khoa Khám và điều trị - BV Từ Dũ.

Chị Dương Ngọc Quỳnh Như, 32 tuổi, ngụ quận 7 TP HCM đang mang bầu, khi đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, chị không cần xếp hàng trả tiền mặt như những lần trước vì chị trả tiền qua thẻ ATM. Chị Như nộp sẵn tiền vào thẻ, có mã số khám bệnh lưu trữ trong hệ thống bệnh viện: “Đi khám lần đầu thì người ta sẽ hướng dẫn làm thẻ ATM của bệnh viện Từ Dũ. Đã có thẻ rồi bác sĩ chẩn đoán sẽ trừ tiền thẳng vào thẻ luôn, không cần phải đi qua thu ngân để đóng tiền. Có thể nạp nhiều tiền một lần cho những lần sau đến khám”.

Những tiện ích mà các thai phụ như chị Như được hưởng lợi chính là nhờ bệnh viện triển khai thanh toán bằng thẻ ATM từ tháng 8/2018.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã triển khai ứng dụng đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động thông minh, đa dạng hóa phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như bằng máy quẹt thẻ thanh toán hóa đơn (còn gọi là máy POS), thu viện phí thông qua internet banking và quét QR code, và mới đây nhất là thanh toán bằng ví điện tử Momo.

Tiến sĩ Thái Hoài Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết: Đến nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 35% tổng số viện phí thanh toán của bệnh viện: “Chỉ cần vài thao tác đơn giản là người bệnh thực hiện ngay việc thanh toán viện phí mà không phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và đồng thời giúp bệnh viện giảm được chi phí nhân lực và quản trị hiệu quả hơn”.

Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM chỉ là số ít những bệnh viện ứng dụng ban đầu việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, tại BV Từ Dũ thì cũng chỉ mới triển khai được tại Khoa Khám và điều trị theo yêu cầu. Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, hơn 60% bệnh nhân đến khám tại bệnh viện là phụ nữ và ở tỉnh xa, ở các vùng nông thôn, ít tương tác với công nghệ, điện tử, thẻ ATM, cho nên để tư vấn cho các bệnh nhân hiểu và thực hiện gặp khá nhiều khó khăn: “Chúng ta phải bỏ công sức rất nhiều cho bộ phận hướng dẫn cho người bệnh, tư vấn tại chỗ để người ta chấp nhận sử dụng thẻ. Cũng như có bộ phận hướng dẫn để người ta rút phần tiền còn lại trong thẻ điện tử trong tích hợp thẻ khám chữa bệnh của bệnh viện Từ Dũ khi bệnh nhân có nhu cầu rút ra ngoài chi tiêu”.

Tại TP HCM, mới chỉ có gần 10 bệnh viện thu viện phí không tiền mặt. Ngay cả tại các bệnh viện có số lượng bệnh nhân khám đông với trên 5000 lượt bệnh nhân mỗi ngày, như Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện quận Thủ Đức, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đã được triển khai từ nhiều năm qua, nhưng người dân vẫn chưa mặn mà.

Ông Nguyễn Lê Nhật Khánh, Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán, BV quận Thủ Đức cho biết: Bệnh viện đã đưa vào sử dụng máy POS để thanh toán viện phí từ giữa năm 2016, song đến nay chỉ mới có gần 10% người bệnh sử dụng, chủ yếu là bệnh nhân điều trị nội trú: “Trước đó sử dụng những máy POS nhưng bệnh nhân không chịu xài, họ phải cầm thẻ đi ra ATM để rút tiền, xong mới đem vô đây thanh toán bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, chứ người ta sợ quẹt thẻ mất thông tin hay là gì đó, đôi khi người ta cầm tiền cảm thấy an tâm hơn là cầm thẻ mà không biết nó có sử dụng được hay không”.

Người dân vẫn có thói quen thanh toán viện phí bằng tiền mặt.

Nguyên nhân của việc áp dụng thanh toán điện tử còn khó khăn được cho là đến từ 3 bên: người bệnh, bệnh viện và cả ngân hàng. Một số bệnh viện cho rằng, việc kết nối phần mềm thanh toán với hệ thống chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết sự cố nạp tiền, rút tiền và hoàn tiền vào thẻ chưa nhanh chóng kịp thời, mâu thuẫn với mục tiêu giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Đặc biệt, mức phí giao dịch của ngân hàng còn cao, có những bệnh viện phải chi phí cả 1 tỷ đồng trong 1 năm cho việc này. Do không thu phí từ bệnh nhân, bệnh viện chưa có cơ chế và nguồn để chi trả cho vấn đề này.

Hiện nay các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cũng đang tích cực triển khai nâng cấp và đồng bộ công nghệ thông tin, nhất là các bệnh viện có đông bệnh nhân, nhằm đưa vào thanh toán sử dụng thành toán bằng mã QR code song song với thanh toán tiền mặt, kết hợp thẻ khám bệnh điện tử, tạo điều kiện cho người dân khám chữa bệnh một cách dễ dàng. Điển hình như Bệnh viện Quận 2.

Bà Hoàng Thị Thanh Kiều, Trưởng phòng Tài chính kế toán  Bệnh viện Quận 2 cho biết: “Sự kết nối giữa công nghệ thông tin của bệnh viện và một đối tác thì cần phải có thời gian để có một cổng kết nối chung. Hiện nay bệnh viện đang kết hợp với ngân hàng để triển khai thanh toán qua QR code, thứ 2 nữa là thẻ thanh toán kết hợp với thẻ khám bệnh thông minh”.

Để đẩy nhanh lộ trình thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, các bệnh viện phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa phòng, bộ phận liên quan trong đơn vị. Từ việc thực hiện thí điểm, sẽ nhân rộng quy mô toàn bệnh viện, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bằng cách xây dựng các tài liệu hướng dẫn thanh toán viện phí.

Bệnh viện cũng cần kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan truyền thông để tích cực tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được lợi ích cũng như thuần thục các thao tác thanh toán viện phí. Đặc biệt, cần tìm kiếm nhiều đối tác để đa dạng thêm nhiều kênh thanh toán, vừa giảm chi phí giao dịch, vừa giúp người dân thuận tiện lựa chọn phương thức phù hợp với nhu cầu của mình./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phục hồi chức năng sẽ được quỹ BHYT thanh toán thế nào?
Phục hồi chức năng sẽ được quỹ BHYT thanh toán thế nào?

VOV.VN - Dự thảo Thông tư mở rộng quyền lợi của bệnh, người khuyết tật khi phải thực hiện dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng.

Phục hồi chức năng sẽ được quỹ BHYT thanh toán thế nào?

Phục hồi chức năng sẽ được quỹ BHYT thanh toán thế nào?

VOV.VN - Dự thảo Thông tư mở rộng quyền lợi của bệnh, người khuyết tật khi phải thực hiện dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng.

Thống đốc: Gian lận thanh toán thẻ gia tăng do lỗ hổng bảo mật từ ngân hàng
Thống đốc: Gian lận thanh toán thẻ gia tăng do lỗ hổng bảo mật từ ngân hàng

VOV.VN - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết nguyên nhân gia tăng tình trạng gian lận trong thanh toán thẻ được xác định từ phía các ngân hàng.

Thống đốc: Gian lận thanh toán thẻ gia tăng do lỗ hổng bảo mật từ ngân hàng

Thống đốc: Gian lận thanh toán thẻ gia tăng do lỗ hổng bảo mật từ ngân hàng

VOV.VN - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết nguyên nhân gia tăng tình trạng gian lận trong thanh toán thẻ được xác định từ phía các ngân hàng.

Hà Nội: Lắp đặt thiết bị thanh toán thẻ tại trường học
Hà Nội: Lắp đặt thiết bị thanh toán thẻ tại trường học

VOV.VN - Trường học tại Hà Nội sẽ lắp đặt các thiết bị thanh toán thẻ, mã thanh toán QR Code… để cha mẹ học sinh có thể dễ dàng thanh toán học phí.

Hà Nội: Lắp đặt thiết bị thanh toán thẻ tại trường học

Hà Nội: Lắp đặt thiết bị thanh toán thẻ tại trường học

VOV.VN - Trường học tại Hà Nội sẽ lắp đặt các thiết bị thanh toán thẻ, mã thanh toán QR Code… để cha mẹ học sinh có thể dễ dàng thanh toán học phí.