"Thanh tra Chính phủ không ngại va chạm"

“Tuy kết quả thanh tra có phần chậm nhưng Thanh tra Chính phủ không ngại va chạm hoặc chọn hệ số an toàn cao”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói.

Một trong hai nội dung chính của phiên chất vấn tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22/8 là việc thực hiện phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.

Theo báo cáo vừa qua của Chính phủ trình Quốc hội, trong 5 năm qua, toàn ngành đã thực hiện triển khai Luật Phòng chống tham nhũng, đã thanh tra gần 63.000 cuộc, kết thúc gần 53.000, chuyển đến cơ quan điều tra 464 cuộc, còn lại chủ yếu là xử lý hành chính. Báo cáo cũng thừa nhận, tham nhũng được phát hiện và kiến nghị xử lý với hàng ngàn ha đất và hàng chục ngàn tỉ đồng.

Trên cơ sở báo cáo này, đại biểu Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc chuyển những vụ tham nhũng lên cơ quan điều tra chỉ đạt 464 cuộc, chưa bằng 1% số vụ việc được nêu, như vậy phải chăng là việc xử lý các vụ việc tham nhũng đang có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự trong các cơ quan bảo vệ pháp luật?

Có nhiều vụ việc tham nhũng kéo dài hàng năm hoặc nhiều năm, có khi lên đến hàng chục năm, có trường hợp cơ quan tố tụng chờ đợi kết quả của thanh tra xử lý nhưng mãi chưa có kết luận của thanh tra, đại biểu Lê Như Tiến e ngại, phải chăng có sự ngại ngùng, nể nang, né tránh, e dè sợ va chạm hoặc lựa chọn hệ số an toàn cao trong thanh tra các vụ việc liên quan đến tham nhũng.

Trả lời vấn đề này ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, mục đích thanh tra chủ yếu là tìm ra mặt tích cực và tiêu cực của đối tượng thanh tra nhằm chấn chính sai phạm, thiếu sót và đặc biệt là thực hiện kết luận sau thanh tra để làm sao hoạt động cho tốt hơn.

Quá trình thanh tra, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm soát và tòa án để thống nhất dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trong thời gian vừa qua số liệu sai phạm nhiều nhưng chủ yếu xử lý hành chính, chuyển cơ quan điều tra ít là do thanh tra có khuyết điểm là thanh tra phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn, do chất lượng cán bộ thanh tra chưa cao.

Bên cạnh đó, quá trình thanh tra phải tuân thủ theo quy định của pháp luật là phải thanh tra các nội dung mà các quyết định thanh tra đã ghi. Ông Tranh nêu ví dụ: Một đơn vị thanh tra sẽ tập trung và đi thẳng vào vấn đề đó. Sau khi thanh tra trực tiếp, cơ quan thanh tra sẽ phải chờ thời gian để có sự đồng thuận của cơ quan chức năng, tiến hành lấy ý kiến trao đổi nhằm chính xác thông tin, trung thực, khách quan.

“Tuy kết quả thanh tra có phần chậm nhưng Thanh tra Chính phủ không ngại va chạm hoặc chọn hệ số an toàn cao”, ông Tranh nói.

Bổ sung cho ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ nói rằng, các vụ việc tham nhũng ít chuyển sang cơ quan điều tra có nhiều nguyên nhân, trong đó ông Ngọ cho rằng, đây là loại tội phạm rất ẩn, đa số có chức có quyền. Bởi vậy khi phạm tội, đối tượng sẽ có các hình thức che dấu vi phạm. Ngoài ra, để phát hiện loại tội phạm này rất khó khăn, việc chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xem xét truy tố vẫn còn hạn chế.

Ông Ngọ cũng đề nghị, việc chuyển hồ sơ từ cơ quan thanh tra sang cơ quan điều tra nên thực hiện sớm, không nên quá cầu toàn chờ kết luận thanh tra dẫn tới việc tạo nên dư luận không tốt.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Việc thanh tra nhũng nhiễu tại cơ sở là có và Thanh tra Chính phủ đã xử lý những trường hợp này.

Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường giáo dục, quản lý, cán bộ thanh tra để thực hiện văn hóa thanh tra, học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác

Đại biểu Ngô Văn Minh – Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mang tính chung chung, thiếu cụ thể.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định, Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý Nhà nước về phòng chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi quản lý Nhà nước về phòng chống tham nhũng, đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng chống tham nhũng và đặc biệt là xây dựng thể chế trong việc phòng chống tham nhũng. Do vậy trong báo cáo cũng mang tính tổng thể, còn các biện pháp toàn diện cụ thể, đã được nêu chi tiết và đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng đưa ra kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 5.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu, trong báo cáo, việc phát hiện và xử lý tham nhũng năm sau thấp hơn năm trước. Vậy báo cáo có sát với thực tế hay không?.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh lý giải, việc phát hiện phòng chống tham nhũng trong một thời gian dài chúng ta chưa có thống kê số vụ tham nhũng nên những năm đầu thường cao hơn, nhất là những vụ việc còn tồn đọng. Năm sau thường ít hơn vì tồn đọng không còn.

Bên cạnh đó, tham nhũng là hành vi tinh vi, khó phát hiện, càng về sau người tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn, nên việc phát hiện rất khó khăn. Ngoài ra, các giải pháp phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ngày càng mạnh mẽ nên hành vi tham nhũng cũng được xử lý một cách kịp thời, kiên quyết. Trong quá trình kiểm soát tham nhũng do cơ quan chức năng phát hiện chưa đầy đủ cho nên có thể có những vụ việc tham nhũng mà chúng ta chưa được phát hiện.

Dần xóa bỏ cơ chế xin-cho

Đại biểu Trương Minh Hoàng – Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau cho rằng, việc kê khai và hậu kê khai tài sản chưa nói lên nhiều điều. Bên cạnh đó chưa xóa bỏ được "cơ chế xin- cho" sẽ tạo nên mầm mống làm nảy sinh tham nhũng nhất là các lĩnh vực quản lý đất đai, vốn, tài sản nhà nước…

Chia sẻ với những trăn trở của đại biểu Hoàng, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định việc kê khai tài sản hiện nay của chúng ta còn mang tính hình thức. Nguyên nhân là chúng ta chưa công khai tài sản với nơi công tác và nơi cư trú, không có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, với chức năng là cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng, sắp tới trong việc sửa đổi Luật sẽ có điều chỉnh về vấn đề này theo hướng mở rộng đối tượng kê khai, công khai nơi cứ trú, công tác. Đồng thời việc tăng thu nhập phải được giải trình giữa hai đợt kê khai.

Đối với “cơ chế xin-cho”, ông Tranh nói rằng, hiện Chính phủ đang có nhiều chính sách nhằm giảm phiền hà trong thủ tục hành chính, nhằm giảm hiện trạng tồn tại của “cơ chế xin-cho”, một mầm mống nảy sinh tham nhũng.

Tại phiên chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay ngành thanh tra vẫn chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn và đang là thách thức không chỉ với riêng ngành thanh tra mà còn là của Đảng, Nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên