Thay đổi mã vùng điện thoại: Cần tránh gây bất tiện cho người dân
VOV.VN - Nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi mã vùng điện thoại theo quy định mới của Bộ TT-TT vừa bất tiện, vừa tốn kém
Trước thông tin từ ngày 1/3/2015 mã vùng điện thoại cố định của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ thay đổi theo lộ trình trên tinh thần của Thông tư 22 về quy hoạch kho số viễn thông thay thế cho quy hoạch cũ và Quyết định số 53/2006 về việc phân bổ, sử dụng các loại mã, kho số viễn thông của Bộ Thông tin – Truyền thông, nhiều ý kiến người dân băn khoăn việc thay đổi vừa gây bất tiện lại tốn kém cho chủ thuê bao điện thoại.
Chị Phí Thanh Qúy - nhân viên văn phòng của một trường Đại học cho biết hiện cả ở nhà và cơ quan chị thường xuyên sử dụng mạng di động và mạng cố định do tính chất công việc. “Cơ quan tôi vẫn liên hệ công việc bằng điện thoại cố định, nay nếu thay đổi mã vùng, chúng tôi sẽ phải nhập lại mấy nghìn số điện thoại của sinh viên, cán bộ nhân viên trên nhiều loại giấy tờ, báo lại cho các bên liên quan của trường, in lại danh thiếp… nói chung là việc thay đổi này rất bất tiện và tốn kém”.
Chị Nguyễn Thúy – chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) cho biết việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định và số di động 11 số, tiện hay không thì chưa thấy nhưng trước mắt là rất phiền. Phải thay đổi số điện thoại, in lại hóa đơn, biển hiệu quảng cáo, hơn nữa khách hàng đang quen với số cũ chuyển sang số mới sẽ khó nhớ, như ngày trước chỉ thêm một chữ số 3 vào mã vùng cũng đã thấy phiền rồi lần này nghe nói nhiều tỉnh thành thay đổi mã vùng hoàn toàn thì quá bất tiện trong khâu liên lạc vì nhiều người ngay lập tức không thể nhớ nổi mã vùng tới 3 chữ số.
“Như cửa hàng tôi đang kinh doanh số sim di động, đang chứa một số lượng lớn sim 11 số và nhất là sim số đẹp. Việc thay đổi sim 11 số sang 10 số cũng sẽ gây thiệt hai lớn nếu không có quy định và thỏa thuận giữa nhà mạng và cửa hàng kinh doanh sim”, chị Thúy lo ngại.
Ông Trần Thanh Phúc – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bất động sản Hùng Hà cho rằng việc thay đổi số điện thoại chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc hoạt động của doanh nghiệp. Số điện thoại là địa chỉ liên lạc và là kênh giải đáp, tư vấn chính cho khách hàng. Chưa kể khi thay đổi về số điện thoại thì những giấy tờ pháp lý có liên quan phải cập nhật lại, toàn bộ card-visit của nhân viên đều phải thay đổi. Việc liên hệ của khách hàng với công ty sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì chưa quen. Việc thay đổi mã vùng này sẽ gây nên những bất tiện, tốn kém trước mắt tới việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều người dân cũng cảm thấy việc thay đổi mã vùng điện thoại gây bất tiện cho việc liên lạc, phải cập nhật lại danh bạ. Việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định cũng làm cho số điện thoại dài hơn, khó nhớ hơn.
Bác Nguyễn Văn Chung (Hải Hậu - Nam Định) ý kiến “Trước đây, chỉ thêm mỗi số 3 sau số của mã vùng mà tôi còn lúc nhớ lúc quên, phải mất nửa năm mới có thể quen. Bây giờ nhà nước lại thay đổi lớn quá, có tỉnh lại thay toàn bộ số mã vùng, một số địa phương thì số mới còn khó nhớ hơn cả số cũ như Nam Định tỉnh tôi từ 350 thành 228. Với người già như chúng tôi thì lẫn lộn là cái chắc. Lâu nay chúng ta vẫn đang dùng các đầu số như hiện tại mà có ai bị ảnh hưởng gì đâu, có thấy người dân và doanh nghiệp nào kêu ca đâu? Sao lại phải thay đổi để vừa tốn kém lại vừa gây bất tiện cho dân”.
Bà Hội (Quảng Xương-Thanh Hóa) dùng điện thoại cố định đã hơn 10 năm. Việc thay đổi mã vùng có thể mang lại nhiều bất tiện cho việc liên lạc với con cháu ở các tỉnh, thành phố khác (Ảnh: Trần Vương)
Nhiều người dùng điện thoại tại xã Quảng Giao cho rằng nếu phải quy hoạch lại kho số thì cũng nên thay đổi theo một quy luật nhất định. Áp dụng cho nhiều vùng, ví dụ như Thanh Hóa có mã vùng là 37 chuyển thành 237, Khánh Hòa có mã vùng là 58 chuyển thành 258… như thế thì chỉ việc thêm số 2 vào phía trước, không gây ra sự thay đổi quá nhiều và không quá khó nhớ mã vùng các tỉnh, thành phố sẽ tiện cho việc liên lạc hơn./.