Thay đổi quan niệm về “chữ hiếu” để sống hạnh phúc
VOV.VN - Tuổi già ngày nay cũng thật khác xưa. Khi xưa, con cháu thường phải sống bên cạnh để chăm sóc cha mẹ lúc về già. Nhưng giờ đây khi xã hội phát triển, con cháu có thể ra ở riêng và quan tâm đến cha mẹ bằng nhiều cách khác nhau.
Không ít người già, giờ thay đổi quan niệm về “chữ hiếu”. Họ sống tự lập và xem việc con cái sống vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc chính là cách chúng trả hiếu hiệu quả nhất.
Vợ chồng bà Nguyễn Mai Oanh là cán bộ nghỉ hưu ở Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Là một người rất mực thương con nhưng bà Oanh nhất quyết không ở cùng với đứa nào dù các con của bà đều trưởng thành, có điều kiện.
“Nếu có điều kiện con cái mà ở gần thì càng tốt, có điều kiện chăm sóc, còn người cao tuổi hoàn toàn có thể sống độc lập được, sống vui sống khỏe. Sống với nhau, vợ chồng tôi sáng này cũng đi bộ, tập thể dục rất khỏe” – bà Oanh chia sẻ.
Lựa chọn phương án ở riêng với cha mẹ, con cháu của bà Oanh đều có những cách “báo hiếu” như thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, mua quà, đưa ông bà đi khám sức khỏe định kỳ... Hai ông bà cũng cảm thấy vô cùng thoải mái khi có nhiều thú vui mỗi ngày, lại không làm phiền tới con cháu.
Bà Oanh kể “Hai ông bà tham gia sinh hoạt nhiều câu lạc bộ thơ, văn nghệ...phù hợp với lứa tuổi, rồi các hoạt động cộng đồng của Hội người cao tuổi, khu dân cư, hội đồng nghiệp, hội cựu học sinh...”
Với quan điểm và lối sống độc lập, tuổi già của vợ chồng bà Oanh trôi qua rất vui vẻ và khỏe mạnh. Ông bà cũng không tạo gánh nặng chăm sóc đè nặng lên vai các con, mà hễ con nào rảnh thì tới thăm cha mẹ lúc đó.
Khi còn trẻ, vợ chồng bà Oanh cũng đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ để dự phòng khi về già. Thế nên tới khi ốm đau, bệnh tật không thể tự chăm sóc, bà Oanh dự tính sẽ thuê giúp việc, chẳng cần nhờ đến con cháu.
“Từ khi còn đang công tác, chúng tôi đã chuẩn bị để dành kinh phí, một khoản tài chính để khi về già, nếu không phục vụ được mình, mà con cái bận bịu, không có điều kiện, tiền đó có thể thuê giúp việc” – bà Oanh cho biết.
Gia đình ông Hoàng Văn Báu (khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội) sinh được 2 người con, một trai một gái. Một người lập nghiệp ở TPHCM, còn một người thì sinh sống ở nước ngoài. Dù không ở gần con cháu, nhưng với sự phát triển của các ứng dụng trò chuyện qua mạng, ông Báu có thể nói chuyện và nhìn thấy các con bất cứ lúc nào, khoảng cách địa lý không còn là rào cản.
“Tôi nghĩ trong điều kiện hiện đại với những người già am hiểu sử dụng hệ thống thông tin như tôi thì việc kết nối với con cháu ở nước ngoài dễ dàng. Có thể nói chuyện, nhìn nhau qua màn ảnh. Những thông tin văn nghệ, văn hóa trên ti vi rất nhiều kênh để giải trí tuổi già” - ông Báu khẳng định.
Sống độc lập giúp những người cao tuổi có cuộc sống an yên, tự tại hơn. Con cháu cũng có thời gian và không gian cho những việc cá nhân.
Vai trò của con cái cũng vô cùng quan trọng để giúp người cao tuổi sẵn sàng sống độc lập, sống vui, sống khỏe hơn. Theo chị Nguyễn Minh Hải ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, mỗi người con cần tâm lý và thấu hiểu rõ những mối quan tâm, nỗi lo lắng và những điều cha mẹ cần để có thể chăm sóc cha mẹ một cách tốt nhất.
Thời gian là hữu hạn nên người già càng cần trân trọng và tận hưởng những phút giây quý giá đó, bởi xét cho cùng, sống là phải vui vẻ và hạnh phúc. Chỉ có đặt nhẹ chuyện hiếu nghĩa, để mọi thứ thuận theo tự nhiên thì cuộc sống mới thực sự ung dung, thanh thản. Hạnh phúc cũng từ đó tìm đến với mọi người, mọi nhà./.