Thế giới cần tôn vinh vai trò của phát thanh
(VOV) - “Thật lạ nếu chúng ta không có một ngày riêng để tôn vinh Đài phát thanh, trong khi đã có Ngày truyền hình thế giới 21/11.”
Tôn vinh những đóng góp của đài phát thanh trong đời sống xã hội của toàn nhân loại, trong nhiều thời khắc lịch sử của từng quốc gia… là mục đích chính khiến UNESCO đã chọn Ngày Phát thanh thế giới 13/2. UNESCO tin tưởng rằng các đài phát thanh còn phát triển xa hơn, kết hợp với công nghệ mới, luôn là phương tiện truyền thông được tiếp cận nhiều nhất trên toàn cầu.
Đó là lời khẳng định của bà Mirta Lourenco, trưởng bộ phận Truyền thông và xã hội, thuộc Vụ Thông tin và truyền thông của UNESCO, trong cuộc trò chuyện với PV Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
PV: Thưa bà, trước hết xin bà cho biết lý do vì sao UNESCO đã lựa chọn ngày 13/2 là Ngày phát thanh thế giới và đâu là ý nghĩa của ngày này?
Bà Mirta Lourenco: UNESCO chọn ngày 13/2 cũng là ngày Đài phát thanh của Liên Hợp Quốc được lập vào năm 1946. Cũng có nhiều ngày khác được đề xuất nhưng lấy ngày của đài phát thanh Liên Hợp Quốc là ý kiến được nhất trí cuối cùng. Tầm quan trọng của Ngày Phát thanh Thế giới là để ghi nhớ những giá trị của Đài phát thanh đối với nhân loại trong 1 thế kỷ qua. Phát thanh đã góp mặt trong nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử nhiều quốc gia, đóng góp vào phát triển xã hội. Do đó thật lạ nếu chúng ta không có một ngày riêng để tôn vinh Đài phát thanh, trong khi đã có Ngày Truyền hình Thế giới 21/11, Ngày Tự do báo chí 1/5. Nhiều quốc gia còn tưởng là chúng ta đã có Ngày Phát thanh Thế giới nhưng thực tế là chưa.
Bà Mirta Lourenco, trưởng bộ phận Truyền thông và xã hội, thuộc Vụ Thông tin và truyền thông của UNESCO, trả lời phỏng vấn VOV |
Ngày Phát thanh Thế giới là dịp có ý nghĩa để các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới đề cập tầm quan trọng, lợi ích của phát thanh. Phát thanh vẫn là phương tiện dễ tiếp cận nhất đối với mọi người và cần khuyến khích việc nghe đài phát thanh để có các thông tin. Nội dung thông tin trên phát thanh rất đa dạng, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau, lứa tuổi, giới tính, ngôn ngữ sử dụng khác nhau.
PV: Xin bà cho biết UNESCO sẽ có những hoạt động nào đáng chú ý để kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới năm nay?
Bà Mirta Lourenco: Năm nay, sẽ có 7 đài phát thanh trên thế giới sẽ làm các chương trình trực tiếp từ trụ sở UNESCO, trong ngày kỷ niệm. UNESCO cũng sẽ tổ chức một loạt các cuộc hội thảo về các chủ đề như giá trị của phát thanh, bảo vệ an toàn cho các nhà báo, phát thanh sóng ngắn (FM). Trên khắp thế giới, sẽ có nhiều hoạt động đồng loạt được tiến hành bởi các đài phát thanh các nước, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ hay các trường học theo các hình thức phù hợp với họ.
Ngoài ra, các đài phát thanh địa phương cũng sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm, như phát những chương trình riêng của các dân tộc thiểu số, tổ chức các chương trình tương tác mà thính giả có thể gọi điện thoại trực tiếp để trò chuyện về tính hữu ích của phát thanh, về sự đóng góp của đài phát thanh đối với đời sống – xã hội vào những thời khắc quan trọng của đất nước; hay thảo luận về sự phát triển của đài phát thanh tại từng quốc gia, như tại Việt Nam chẳng hạn. Nói chung là có rất nhiều hoạt động phù hợp với riêng từng quốc gia.
PV: Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, hiện nay có nhiều phương tiện truyền thông mới và có ý kiến cho rằng người ta càng ngày càng nghe đài ít đi. Bà nghĩ như thế nào về những thách thức đang đặt ra đối với các đài phát thanh trên thế giới ?
Bà Mirta Lourenco: Thách thức thì có nhiều, nhưng tôi cho rằng thách thức không đến từ sự phát triển của công nghệ, mà ngược lại đó là một cơ hội cho phát thanh. Nhờ công nghệ, ngày nay, có thể dễ dàng nghe các đài phát thanh trên mạng internet, trên điện thoại di động, hay có thể nghe lại, tải lại các chương trình mà bạn thích. Rõ ràng công nghệ thông tin giúp tạo cơ hội phát triển cho đài phát thanh, mở rộng đối tượng nghe đài.
Các cuộc điều tra vẫn chỉ ra rằng phát thanh vẫn là phương tiện truyền tải thông tin được tiếp cận nhiều nhất. Không phải internet, internet phải phụ thuộc vào đường truyền ở từng nơi, bị kiểm duyệt nội dung ở một số nơi và còn phụ thuộc trình độ dân trí của người dân khi tiếp cận thông tin trên mạng. Theo các điều tra tôi có được, đài phát thanh vẫn được tiếp cận nhiều nhất, có tới 75% hộ gia đình tại các nước đang phát triển có thể nghe được đài. Rõ ràng đài phát thanh không thể bị thay thế bởi các phương tiện khác, có chăng chỉ là cách thức nghe đài giờ đây khác với cách truyền thống, người nghe có thể nghe đài từ điện thoại di động hay máy tính xách tay. Ngược lại, thậm chí có sự bùng nổ của âm thanh trên các phương tiện mới như điện thoại hay máy tính, iPad… Bây giờ âm thanh đang là thời thượng, chứ không phải video hay hình ảnh.
Tôi cho rằng thách thức đối với đài phát thanh đến từ các vấn đề như hạn chế nội dung thông tin trên các phương tiện truyền thông hay trên internet hay sự an toàn đối với các nhà báo…
PV: Để vượt qua những thách thức đặt ra, theo bà, các đài phát thanh cần phải làm gì ?
Bà Mirta Lourenco: Các cách thức để vượt qua thách thức thì phụ thuộc vào riêng từng quốc gia, chính sách phát triển báo chí ở từng nơi. Ở một số quốc gia khác, phụ thuộc vào việc dân số có trình độ phát triển và tiếp cận với các nguồn thông tin ra sao, họ có thể tham gia vào việc phát triển các phương tiện truyền thông ra sao, vào các cuộc thảo luận trực tiếp trên đài phát thanh. Nhưng tôi cho rằng các đài phát thanh xoay xở tốt và có thể tận dụng được các lợi thế từ công nghệ mới.
Tôi nhận thấy có nhiều đài phát thanh đi theo hướng truyền thông đa phương tiện, cách đó còn giúp ích cho chính các phóng viên, giúp họ năng động hơn như những phóng viên đa năng, vừa có thể ghi âm, ghi hình, viết bài, chụp ảnh… Ngoài ra, còn có hướng phát triển các đài phát thanh địa phương nhỏ, với số người nhỏ, phương tiện hạn chế, họ vẫn có thể phát sóng các chương trình riêng, các chương trình bằng tiếng địa phương. Ví dụ ở châu Phi chẳng hạn, có tới 60% các đài phát thanh sóng ngắn mới là đài địa phương, giúp phát triển các cộng đồng thiểu số, giữ gìn cả sự đa dạng của ngôn ngữ.
Tôi cho rằng không có sự đe dọa lớn nào đối với các đài phát thanh, thậm chí các đài sóng ngắn đang phát triển tốt so với đài phát thanh truyền thống, hiện đại hơn và sẽ còn đi xa trong tương lai. Phát thanh sóng ngắn phát huy sức mạnh nhất là trong các trường hợp khẩn cấp như thảm họa sóng thần, động đất, thiên tai hay tai nạn …, khi đó không còn điện, không còn sự kết nối nào với thế giới, thì khi đó vẫn còn đài phát thanh.
** Xin cảm ơn bà./.