Mận hậu trái vụ được “săn đón” nhờ ứng dụng khoa học vào sản xuất
VOV.VN - Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mận hậu ở Yên Châu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương, giúp người trồng mận làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Những năm gần đây, mận hậu đã trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Do đặc tính của cây mận có thời gian thu hoạch ngắn, sản lượng lớn nên khi vào vụ thường tiêu thụ khó khăn, giá bán không cao. Do vậy, nhiều hộ nông dân huyện Yên Châu đã ứng dụng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật để mận ra quả sớm và kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm
Mặc dù phải gần 1 tháng nữa mận hậu Yên Châu mới vào chính vụ thu hoạch, nhưng thời điểm này, vườn mận của gia đình chị Phạm Thị Giang, bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã cho thu hoạch nhiều lứa quả. Theo chị Giang, so với mận chính vụ, mận trái vụ có giá cao hơn hẳn, như thời điểm này giá bán quả mận tại vườn có giá bình quân từ 70.000 - 120.000 đồng/kg.
“Từ năm ngoái gia đình đã áp dụng công nghệ cao vào chăm sóc vườn mận, như dùng hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt, bên cạnh đó là kỹ thuật cắt tỉa để mận ra quả rải rác từ mận trái vụ đến mận chín sớm, mận chính vụ và cuối vụ. Qua ứng dụng công nghệ cao, thấy sản lượng mận tăng lên rõ rệt, chất lượng quả ngon hơn, to hơn”, chị Giang chia sẻ.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, mận hậu trái vụ Yên Châu có hình thức quả đẹp, mọng nước, quả giòn ăn có vị chua ngọt xen lẫn phù hợp để thưởng thức trong những ngày Hè oi bức. Sản phẩm mận trái vụ có sản lượng không nhiều như chính vụ, nhưng luôn được các thương lái “săn đón” ngay tại vườn với mức giá cao.
“Cứ qua Tết và bắt đầu tháng Giêng, người buôn bán chúng tôi đến các vườn để thu mua mận. Mận Phiêng Khoài có mẫu mã đẹp ăn có vị ngọt đậm, vào thời điểm này mỗi người buôn bán như tôi sẽ thu mua được 4-5 tạ/ngày”, chị Nguyễn Thị Hòa, thương lái mua mận cho hay.
Mận hậu là một trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của huyện Yên Châu. Năm 2022, sản lượng mận đạt trên 33.000 tấn, giá trị sản phẩm đạt trên 297 tỷ đồng và là cây trồng cho giá trị cao nhất của huyện. Riêng từ đầu năm đến nay, nông dân đã thu hái được trên 50 tấn mận trái vụ, giá bán bình quân 70.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm quả đã tiêu thụ ước đạt trên 3,5 tỷ đồng.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, với phương châm từng bước nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm quả, huyện Yên Châu đã hỗ trợ cấp Chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP cho gần 20 HTX trồng mận, với diện tích trên 300 ha. Huyện cũng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tổ chức đánh giá cấp mã số vùng trồng cho HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu có diện tích 30 ha.
“Huyện cũng nêu rõ quan điểm cũng như chỉ đạo các HTX, các xã và thị trấn không mở rộng vùng trồng mận, chỉ tập trung hạ cành, tạo tán đồng thời không ngừng tìm hiểu áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị quả mận”, ông Cường nói.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất mận hậu ở Yên Châu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương, giúp người trồng mận làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.