Thêm những “ATM gạo” tiếp tục lan tỏa tinh thần sẻ chia

VOV.VN -Không lâu sau khi ra đời tại TPHCM, “ATM gạo” đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ, lan tỏa khắp cả nước.

Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ý nghĩa này nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo trong mùa dịch Covid-19. 

Tại TPHCM, ngoài 2 cây “ATM gạo” ở quận Tân Phú và huyện Bình Chánh, những ngày qua, người nghèo ở TPHCM còn có một điểm đến khác để nhận “hạt gạo nghĩa tình”, đó là “ATM gạo” của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (ở số 141 - 145 Điện Biên Phủ, Phường 15, Quận Bình Thạnh). 

Nhiều người đến nhận gạo tại "ATM gạo" của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM.

“ATM gạo” đầu tiên của một trường đại học trên địa bàn TPHCM ra đời từ sự chung tay đóng góp của giảng viên, cán bộ nhà trường và các mạnh thường quân. “ATM gạo” này hoạt động từ 15 - 17 giờ hằng ngày, mỗi lần phát 3kg. Nếu người đến nhận gạo quá đông, nhà trường sẽ đóng gói gạo vào bao phát trực tiếp. Tính đến nay đã có gần 2000 người nhận được sự hỗ trợ từ cây “ATM gạo” của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM.

Ông Nhan Cẩm Trí, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết, trường và chính quyền địa phương đang khảo sát địa điểm khác để tiếp tục thực hiện chương trình phát gạo miễn phí trong thời gian tới: "Với mong muốn giúp người dân ở nơi khác có thể vì xa xôi mà không đến đây được và sự lan tỏa nhiều hơn, từ tuần sau, chúng tôi dự kiến chuyển cây ATM này đến một địa điểm khác. Chúng tôi vẫn tiếp tục nhận quyên góp và đồng hành cùng quận. Sau khi phát tại trường thì quận Bình Thạnh sẽ quyết định điểm đặt ATM gạo tiếp theo". 

Như vậy đến nay, tại TPHCM có 3 “ATM gạo” đang hoạt động. Một số  “ATM gạo” khác tại quận 12 và Gò Vấp cũng đang gấp rút hoàn thành để có thể vận hành trong tháng 4 này.

Điểm phát gạo miễn phí tại phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Tại tỉnh Bình Thuận, nối tiếp cây “ATM gạo” đầu tiên ở phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, hôm nay (17/4), tỉnh này lại có thêm 2 cây “ATM gạo” đi vào hoạt động.  Mỗi người được 3kg gạo một lần. Để gạo được trao đúng đối tượng, các đoàn thể địa phương cũng đang khảo sát hoàn cảnh và trao phiếu để người dân đến nhận. Ông Lê Văn Phước, người dân ở phường Mũi Né, được nhận gạo xúc động nói: "Tôi nhận số gạo để có cái ăn qua mùa dịch Covid-19. Cũng không biết nói gì hơn, xin cảm ơn các cấp ngành và mạnh thường quân". 

Được biết, toàn bộ số gạo để vận hành 2 cây “ATM” mới này đều do các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh hỗ trợ, sau đó giao cho các đoàn thể, chính quyền của địa phương quản lý. Với tinh thần “tương thân tương ái”, nhiều người đem gạo đến đóng góp tùy vào khả năng của mình. Bà Châu Thị Ngọc Đức, một người dân góp gạo cho biết: "Trong mùa dịch này, bà con đang gặp khó khăn. Gia đình chúng tôi cùng tất cả mọi người chung tay đóng góp và chia sẻ cho các hộ gia đình khó khăn. Tuy của ít lòng nhiều nhưng chúng tôi cũng góp phần chia sẻ các gia đình khó khăn tại các phường".

Người dân nhận gạo tại ATM. 

Còn ở Đắk Lắk, máy ATM gạo thứ 2 chính thức đi vào vận hành. Đồng thời, Ban tổ chức chương trình cũng đang gấp rút triển khai thêm một số điểm ATM gạo khác tại các huyện, giúp cho thêm nhiều người dân khó khăn được hỗ trợ gạo, san sẻ bớt những khó khăn giữa đợt phòng chống dịch Covid-19. 

Cùng với gạo mỗi người còn được nhận thêm mì tôm.

Máy ATM gạo nghĩa tình 2 được đặt tại Trung tâm Văn hoá thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk. Triển khai phát gạo từ 8 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ 30 đến 16 giờ hàng ngày. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến khi phát hết số gạo huy động được. Người dân đến lấy gạo phải thực hiện việc đeo khẩu trang, xếp hàng theo thứ tự, giữ đúng khoảng cách 2 mét, rửa tay bằng nước sát khuẩn, sử dụng hệ thống ấn chân ga tự động để lấy gạo. Mỗi lượt người dân được nhận 3kg gạo, 5 gói mì và một phần rau.

Theo ban tổ chức, đến chiều 17/4, ATM gạo nghĩa tình 2 đã tiếp nhận gần 20 tấn gạo, 40 triệu đồng tiền mặt, mì tôm và rau sạch. Ban tổ chức đã trích tiền ủng hộ để mua mì tôm để phát thêm với mỗi phần gạo. Anh Nguyễn Văn Hà, Bí thư huyện đoàn Krông Pắk, thành viên Ban tổ chức cho biết, chương trình sẽ tiếp tục vận động sự đóng góp của các mạnh thường quân để duy trì lâu nhất có thể.

Thanh niên tình nguyện hỗ trợ người già yếu.

"ATM gạo của huyện Krông Păk đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ trực tiếp những người dân gặp khó khăn. Huyện đoàn phối hợp với các doanh nghiệp cũng như thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện sẽ vận động nguồn lực kinh phí và gạo để công trình ATM gạo tình thương hỗ trợ cho những người dân trong đợt nghỉ phòng chống dịch này còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống", anh Nguyễn Văn Hà cho biết.

Chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các mạnh thường quân và người dân, trong hình, em Nguyễn Hoài Dương (áo trắng), học sinh lớp 3, trường tiểu học Trần Bình Trọng, xã Hòa An, huyện Krông Pắk nghe nói về chương trình đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm bỏ ống heo được 418.000đ đem đến đóng góp. 

Sau huyện Krông Pắk, chương trình ATM gạo nghĩa tình đang triển khai thêm tại các huyện khác gồm: Ea Hleo, M’drak, Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) và Cư Jut (tỉnh Đắk Nông) để giúp cho thêm nhiều người khó khăn được hỗ trợ gạo, có bữa ăn đầy đủ hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên