“Thi công dự án gây hư hại nhà dân thì nhà thầu phải bồi thường“

VOV.VN - Đồng tình phải sớm bồi thường cho dân, nhưng Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề thuộc dân sự thì không sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để bồi thường.

Sáng nay (14/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Nguyên nhân do khách quan, bất khả kháng

Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, qua số liệu tổng hợp sơ bộ trên cơ sở báo cáo của các chủ đầu tư, nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án tại 31 dự án (15 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và 3 dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ; 13 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ theo hình thức BOT), ước tính có khoảng 35.814 hộ dân bị ảnh hưởng với dự kiến kinh phí đền bù nằm ngoài trách nhiệm bảo hiểm do chủ đầu tư mua khoảng 166,793 tỷ đồng (18 dự án sử dụng vốn TPCP: 81.936 tỷ đồng; 13 dự án BOT: 84.857 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Kiến nghị sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chi trả bồi thường

Nguyên nhân gây ra thiệt hại cho nhà ở, công trình xây dựng của các hộ dân nằm ngoài phạm vi GPMB được cho là khách quan, bất khả kháng, nằm ngoài khả năng tính toán, dự báo của nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan do đặc thù của các dự án xây dựng giao thông phải sử dụng thiết bị rung chấn như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, việc bồi thường cho các hộ dân có nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi GPMB bị ảnh hưởng nêu trên tại một số dự án chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, làm hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Do đó, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, cho phép Bộ GTVT được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chi trả bồi thường.

Trách nhiệm của ai và tiền ở đâu?

Nhấn mạnh khi thi công mà ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà dân phải có bồi thường, song Chủ nhiệm UBGT-TN-TN-NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt vấn đề: “Khi lập dự án có tính đến vấn đề này hay bất chấp việc ảnh hưởng nhà dân? Vấn đề này phải được đặt ra khi thực hiện dự án và những người thi công phải hình dung hết trách nhiệm ngay từ đầu chứ không phải xong hết rồi lại bảo do tiết kiệm, cái này phải rút kinh nghiệm”.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình: Khi lập dự án có tính đến vấn đề này hay bất chấp việc ảnh hưởng nhà dân?

Một vấn đề mấu chốt, theo ông Phan Thanh Bình là trách nhiệm đó thuộc về ai? Thuộc Chính phủ, Bộ Xây dựng hay trách nhiệm thuộc nhà thầu? “Nếu không thì đưa vấn đề này ra toà xử lý trách nhiệm hành chính, dân sự, trách nhiệm thuộc về ai người đó trả chứ Nhà nước không trả cái này” – ông Bình nhấn mạnh và một lần nữa lưu ý bồi thường cho người dân không nên để lâu vì bà con dọc khu vực dự án rất khó khăn, đừng để bà con khó khăn thêm nữa.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói:  “Cái này thuộc về dân sự, luật quy định rõ ràng. Có 2 loại bồi thường là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Lỗi ở đây là do thi công thì nhà thầu phải bồi thường. Nếu Chính phủ cam kết cứ để cho nhà thầu làm, ảnh hưởng đến nhà dân thì Chính phủ chịu trách nhiệm. Nếu không có thoả thuận ấy thì nhà thầu phải chịu, không thoả thuận được thì ra toà”.

Vấn đề dân sự nên dùng ngân sách sẽ tạo tiền lệ

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh trong điều hành, tránh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm thay, can thiệp sâu vào những công việc điều hành cụ thể; có thể giám sát trực tiếp nên cần khách quan. Không phải vì cứ ảnh hưởng lợi ích của dân mà đưa lên Thường vụ Quốc hội giải quyết, trước hết phải làm tròn trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát hoạt động của các nhà thầu.

“Vốn bố trí rồi, chúng ta cũng xem toàn diện rồi, giờ phát sinh nằm trong vấn đề điều hành cụ thể. Các đoàn ĐBQH tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện đúng pháp luật, khiếu nại đúng chỗ. Có thể phối hợp với HĐND giám sát quá trình đền bù. HĐND phải hướng dẫn, giám sát việc đền bù với nhân dân, như thế mới đúng vai” – bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh và cho rằng, nếu không đạt thỏa thuận thì việc xử lý thuộc thẩm quyền của toà án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Vấn đề là trách nhiệm dân sự giữa nhà đầu tư, nhà thầu và người dân 

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển một lần nữa nhấn mạnh, việc đền bù do thi công dự án gây thiệt hại cần được xử lý, giải quyết thấu đáo và nội dung Chính phủ trình thuộc trách nhiệm giải quyết, xử lý của Chính phủ.

“Đây là thuộc về trách nhiệm dân sự giữa nhà đầu tư, nhà thầu và người dân nên giải quyết theo luật dân sự. Do đó cũng không thuộc phạm vi của ngân sách Nhà nước, nếu cứ dùng ngân sách sẽ dẫn tới tạo tiền lệ không hợp lý cho nhiều công trình khác” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cùng các Bộ ngành, địa phương giải trình, cùng sự giám sát của HĐND và đoàn ĐBQH hướng dẫn rõ cho người dân biết để xử lý, tạo sự đồng thuận cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên