Thí sinh được miễn thi tốt nghiệp do có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tăng vọt
VOV.VN - Số lượng thí sinh được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngoại ngữ do có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tăng vọt. Tuy nhiên, số lượng thí sinh có kết quả thi dưới 3 hoặc 5 điểm vẫn rất lớn và đang tồn tại những “vùng trũng” về ngoại ngữ.
Theo Báo cáo thường niên về dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023, nếu năm 2021 cả nước có hơn 28.600 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT được miễn thi môn ngoại ngữ do sở hữu chứng chỉ quốc tế, thì năm 2023 tăng lên trên 46.600 thí sinh.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hữu – Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia cho biết: Những thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy chế thi tốt nghiệp THPT được quy đổi 10 điểm. Nếu điểm số này được cộng vào kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh thì điểm trung bình môn thi này sẽ được cải thiện thêm.
Phân tích thêm về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trong 3 năm gần đây, Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết, điểm trung bình môn thi này năm 2021 là 5,6 điểm, năm 2022 là 4,8 điểm, năm 2023 là 5,2 điểm. Điều chú ý là bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trong những năm gần đây được nhiều giáo viên đánh giá không phải là dễ. Số lượng thí sinh có kết quả thi dưới 3 điểm hoặc dưới 5 điểm vẫn rất lớn.
"Số lượng thí sinh được dưới 5 và những bạn được điểm dưới 3 chẳng hạn thì đó là một con số cũng không phải là nhỏ và tôi cho đấy là những vùng trũng. Những con số đó rơi nhiều ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã có những quan tâm rất nhiều, những hội nghị, hội thảo chuyên sâu thảo luận liên quan đến người học ở khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn thì chúng tôi thấy rằng là điểm của các bạn học sinh ở khu vực đó thực sự chênh lệch rất đáng kể so với các khu vực khác", Tiến sỹ Mai Hữu cho hay.
Với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năm học 2023-2024, 100% học sinh khối 3 và khối 4 đã được học chương trình mới. Đối với giáo viên, đến năm học 2022-2023, 84% giáo viên tiếng Anh các bậc học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình ngoại ngữ mới. Trong đó cấp tiểu học là 84%, trung học cơ sở là 87%, trung học phổ thông là 77%.
Chia sẻ về kết quả khảo sát học sinh khi học chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tiếng Anh, Giáo sư Lê Anh Vinh – Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Hầu hết học sinh thấy trình độ tiếng Anh của mình được cải thiện. Tuy nhiên, trường chuyên đang được đánh giá có mức độ đa dạng về phương pháp dạy học môn Tiếng Anh cao hơn hẳn so với các trường công lập, trường tư thục khác.
"73% giáo viên tham gia khảo sát tự đánh giá đáp ứng tốt và rất tốt các yêu cầu đặt ra đối với giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ. Tuy nhiên thì phần lớn giáo viên đều chia sẻ rằng họ tự tin vào năng lực kỹ năng dạy đọc và viết hơn so với các năng lực như nghe và nói. Điều này cũng là câu chuyện thực tế và chúng ta cũng cần có những thảo luận rất là chuyên sâu về những giải pháp trong thời gian tới", GS Lê Anh Vinh nói.
Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tiếng Anh, Giáo sư Lê Anh Vinh cho rằng, yêu cầu của chương trình tương đối cao so với học sinh ở những vùng khó khăn. Vì vậy, để triển khai tốt chương trình, cần có sự linh hoạt, tiếp cận giảng dạy theo bậc, trình độ thực tế của học sinh.