Thi tiếng Hàn cho lao động Việt Nam khó hơn thi đại học
VOV.VN -Với chỉ tiêu 2.100 lao động đi Hàn Quốc trong đợt này, trong khi có tới hơn 21.600 người tham gia thi tuyển, tỷ lệ là 1 chọi 10, khó hơn thi đại học.
Thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, sau 3 năm tạm dừng, ngày 8 và 9/10 tới đây, kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) trong ngành sản xuất chế tạo sẽ được tổ chức. Kỳ thi này do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức.
Khó hơn thi đại học
Kỳ thi được tổ chức tại Hà Nội, Vinh (Nghệ An) và TP HCM. Đây là kỳ thi đầu tiên sau khi Việt - Hàn ký kết lại Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS hồi tháng 5/2016.
Với chỉ tiêu 2.100 lao động, trong khi có tới hơn 21.600 người tham gia thi tuyển, tỷ lệ là 1 chọi 10. Thí sinh sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, gồm hai phần là đọc hiểu và nghe hiểu, mỗi phần 25 câu. Mỗi câu trả lời đúng được 4 điểm. Tổng điểm tối đa bài thi là 200.
Các học viên đang học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội) những ngày này, PV nhận thấy không khí học tập rất nghiêm túc, khẩn trương của các lao động để phục vụ cho kỳ thi tới tại đây.
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, năm 2016, sau khi Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc ký lại Chương trình EPS, tại Hà Nội, trong tháng 8 đã tiếp nhận đăng ký cho lao động Việt Nam có nguyện vọng đi lao động tại Hàn Quốc. Theo đó, đã có trên 1.200 người đăng ký. So với các năm (khoảng trên 4.000), con số này thấp hơn nhiều.
Nguyên nhân do thời gian triển khai chương trình có sự gián đoạn, một số địa phương của Hà Nội bị đình chỉ do có số lượng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc cao; trong khi đó, người lao động có những lựa chọn khác như ở các thị trường ngoài Hàn Quốc, kể cả thị trường lao động trong nước...
Theo ông Nguyễn Toàn Phong, với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, khóa bồi dưỡng tiếng Hàn cho người lao động diễn ra trong vòng 3 tháng. Trong thời gian này có cả lớp ôn luyện cho người lao động đã được qua đào tạo tiếng Hàn ở những năm trước, có nguyện vọng đi trở lại. Trung tâm cố gắng tăng cường chất lượng giảng dạy, hỗ trợ tối đa cho người lao động để họ có được kiến thức chắc nhất để vượt qua kỳ thi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Toàn Phong cũng cho biết có nhiều bất cập trong việc đăng ký tuyển dụng đợt này. Đó là do thời gian ngắn nên nhiều lao động vừa đăng ký vừa học, mang tính chất cấp tốc để cố gắng làm thế nào lọt vào danh sách thi tiếng Hàn. Họ phải rất quyết tâm trong thời gian học hạn chế như vậy. Nhiều lao động băn khoăn không biết với thời gian học tập như thế có đủ kiến thức vượt qua kỳ thi này hay không, trong khi tỷ lệ “chọi” rất cao (10 người chọn 1).
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) số lượng 2.100 lao động tham gia thi tuyển sẽ được chọn theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp, trong số những người đạt từ 80/200 điểm trở lên. Con số trên là chỉ tiêu tạm tính cho 6 tháng đầu năm 2017. Nếu tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc giảm xuống, thì phía Hàn Quốc sẽ xem xét tăng thêm hạn ngạch tiếp nhận lao động trong năm 2017.
Hàn Quốc là thị trường lao động có thu nhập khá, từ 1.000 đến 1.500 USD mỗi tháng. Thu nhập có thể cao hơn nếu người lao động chăm chỉ. Từ 2013 trở lại đây, tỷ lệ lao động bỏ trốn cao khiến khoảng 35.000 - 40.000 người Việt mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Theo đó, phía Hàn Quốc đã đề nghị Bộ LĐTBXH tạm dừng lao động trong năm 2016 đối với 44 quận, huyện, thành phố có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có tỷ lệ từ 35% và 60 người trở lên.
Nhiều học viên lo lắng vì tỷ lệ "chọi" khá cao |
Liệu có xảy ra tiêu cực trong kỳ thi?
Trả lời câu hỏi của phóng viên liệu có tiêu cực trong kỳ thi tiếng Hàn sắp tới? Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp khẳng định: Bộ LĐTB&XH đã cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng cò mồi mỗi khi diễn ra các kỳ thi tiếng Hàn.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, kỳ thi tiếng Hàn do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức; đề thi (thi viết, băng nghe) đều do phía Hàn Quốc ra; HRD Korea cũng tổ chức chấm thi. Trong quá trình thi, việc kiểm soát rất nghiêm ngặt. Năm nay có thể tiến hành phá sóng điện thoại tại khu vực thi và không ai có thể can thiệp được quá trình thi và chấm thi, kể cả từ phía Bộ LĐTBXH.
“Những người coi thi được tuyển chọn đều không biết tiếng Hàn, cho nên không thể “gà” bài được. Người lao động không nên tin bất kỳ lời “cò mồi”, giới thiệu, bảo kê nào. Không ai có thể can thiệp nổi. Điều này đã được chúng tôi cảnh báo” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói. Ông Doãn Mậu Diệp cũng chia sẻ, với tỷ lệ “chọi” khá lớn, khó hơn thi đại học như vậy, người lao động sau này nên cân nhắc và có thể tham gia các chương trình khác cũng rất tốt như đi Nhật Bản, Đài Loan.
Về chính sách hỗ trợ cho lao động trở về từ Hàn Quốc, trước thông tin phản ảnh người lao động trở về có ngành nghề không phù hợp với thị trường trong nước nên khó tìm việc làm. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, lao động tham gia chương trình EPS chủ yếu làm việc ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đòi hỏi chất lượng không cao, chỉ cần học hết lớp 12, thi đỗ kỳ thi tiếng Hàn và có chút ít tay nghề. Do đó, công việc làm tại Hàn Quốc có thể khác với công việc ở Việt Nam.
Hiện có khá nhiều giải pháp hỗ trợ cho lao động Hàn Quốc về nước như tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, mời các doanh nghiệp Hàn Quốc đến phỏng vấn, lựa chọn lao động. Tất nhiên không thể hy vọng hỗ trợ 100% lao động trở về từ Hàn Quốc tìm được việc làm, bởi người lao động có nhiều sự lựa chọn, có thể tự mở sơ sở sản xuất kinh doanh, hoặc họ mong muốn tìm những công việc phù hợp với tay nghề, thu nhập./.