Thị trường lịch 2009, giá cũng... trượt!

Các sản phẩm lịch 2009 trên thị trường khá phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, giá lịch tăng đáng kể

Mùa lịch 2009 ghi nhận nhiều mẫu bloc đặc biệt, có xu hướng không chỉ cung cấp thông tin về ngày, tháng, mà còn tích hợp những thông tin khác về văn hoá- xã hội. Dường như các nhà xuất bản, các nhà đầu tư mong muốn mang đến cho người tiêu dùng và bạn đọc ngày càng nhiều thông tin trên mỗi cuốn lịch.

Phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Phạm Quý Thế- Trưởng phòng Văn hoá phẩm -Tổng Công ty Sách Việt Nam.

Ông Phạm Quý Thế cho biết: Bên cạnh các NXB có thâm niên hàng chục năm làm lịch như: Văn hoá- Thông tin, Khoa học - Kỹ thuật, Nông nghiệp, Chính trị quốc gia, mùa lịch 2009 xuất hiện các gương mặt mới, đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo, có chủ đề riêng, gắn với thương hiệu của mình. Ví dụ như Công ty văn hoá Trí Đức- Thái Thịnh liên kết với NXB Đại học quốc gia TP.HCM đưa ra 6 loại lịch bloc trong đó có 4 đến loại siêu cực đại và đại đặc biệt. Hình thức tươi sáng, đẹp với công nghệ in mới nhất. Đồng thời các loại bloc mới đã đưa những thông tin về các danh nhân, các sự kiện chính trị, các thông tin về văn hoá- xã hội, về lịch sử của đất nước.

Các NXB khác cũng đều cố gắng tự "làm mới mình" với cách làm độc đáo. Chẳng hạn đưa âm dương ngũ hành vào trong lịch như của NXB Khoa học - Kỹ thuật, NXB Phụ nữ nâng cấp tranh dân gian trên lịch. Gần đây, NXB Văn hoá- Thông tin liên kết với công ty văn hoá Nam Việt đưa ra lịch "Việt Nam với bè bạn năm châu" cũng gây sự chú ý với người tiêu dùng cũng như với du khách nước ngoài.

Sự tìm tòi về chất liệu cũng tiếp tục được phát huy. Có các loại lịch in trên giấy dó với tranh Đông Hồ, lịch in trên mành tre được xử lý bằng công nghệ cao cấp, hay lịch lụa với tranh nghệ thuật, lịch blốc với gỗ sơn mài với nhiều chủ đề khác nhau...  

PV: Thưa ông, khảo sát trên thị trường thì giá cả các loại lịch bloc không rẻ so với mùa lịch năm ngoái. Giá lịch... cũng trượt?

Từ đầu năm đến nay, tốc độ trượt giá nói chung của hàng hoá, trong đó có giấy- nguyên liệu chính để sản xuất các xuất bản phẩm, bao gồm cả lịch, tăng từ 30 đến 40%. Điều đó đồng nghĩa với việc các sản phẩm in từ giấy sẽ tăng giá.

Riêng với lịch bloc thì các nhà làm lịch đã thoả thuận để đưa ra giá cả có thể chấp nhận được với người tiêu dùng. Hiện nay, trên thị trường, giá lịch tăng từ 15%s đến 20%, trong khi đó giá giấy, giá điện, giá công in đều tăng, rồi vấn đề lãi suất ngân hàng cũng là một thách thức lớn đối với các nhà làm lịch khi tham gia vào thị trường phát hành lịch bloc.  

PV: Loại lịch bloc nào tăng giá mạnh nhất?

Các loại lịch bloc tiểu trước đây chỉ từ  4.000 đến 4.500 đồng, năm nay giá 5.500 đồng (tăng 1.000 đồng). Đây là những loại lịch có thể đưa về vùng sâu, vùng xa, thuận tiện và giá phổ thông.

Bloc trung Pơ-luya năm ngoái 8.000 đồng, năm nay 10.000 đồng.

Lịch bloc trung màu tăng từ 18.000 đồng lên 22.000 đồng và loại in cao cấp hơn là 24.000 đồng.

Bloc đại tăng từ 36.000 đồng lên 45.000 đồng.

Các loại bloc siêu đại cũng tăng từ 110.000 đồng lên 140.000-145.000 đồng.

Các loại siêu cực đại tăng từ 160.000-170.000 đồng lên 190.000- 195.000 đồng. Các loại cực đại tăng từ 230.000 đồng lên 260.000 - 270.000 đồng.

Một số bloc cao cấp hơn như "Việt Nam với bè bạn năm châu" với kích thước 31x42 cm có giá 320.000 (loại bloc như vậy năm trước cũng đã là 315.000 đồng).

Như vậy là các loại bloc cao cấp tăng giá ít hơn vì người tiêu dùng cũng không sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mua và các nhà đầu tư, các nhà xuất bản chấp nhận ăn lãi ít để có thể đưa được sản phẩm đa dạng của mình tới người tiêu dùng.  

PV: Trước đây có tình trạng "thừa giả" hoặc "thiếu giả" trên thị trường. Sau 3 năm thực hiện cơ chế xã hội hoá các khâu xuất bản, in, phát hành lịch bloc, tình trạng này có giảm không, thưa ông?

Trước đây, khi chưa thực hiện cơ chế xã hội hoá cũng không có chuyện "thừa giả" hoặc "thiếu giả" quá lớn. Thừa là thừa ở thành phố, còn thiếu là thiếu ở nông thôn. 3 năm nay, các nhà đầu tư, các nhà xuất bản đều tính đến lợi ích của mình, có tính toán kỹ lưỡng về số lượng lịch đưa ra thị trường. Kể cả việc việc điều tiết đưa lịch về vùng sâu, vùng xa kịp thời cũng tuân theo qui luật của kinh tế thị trường .  

PV: Nhưng rõ ràng trên thực tế trước đây khi Nhà nước chủ động điều tiết, thì các nhà xuất bản được phân bổ kế hoạch xuất bản, rồi Nhà nước lại có kế hoạch vận chuyển về vùng sâu, vùng xa. Còn bây giờ, mạnh ai nấy làm. Như vậy, làm sao để không thiệt thòi cho người tiêu dùng ở những nơi khó khăn?

Tôi cho rằng đấy chính là vai trò rất lớn của Hội xuất bản và các cơ quan quản lý Nhà nước như Cục xuất bản.

Sau 3 năm thực hiện cơ chế xã hội hoá công tác in, xuất bản, phát hành lịch, chúng ta cũng chưa có sơ kết, đánh giá về hoạt động này. Tôi chỉ biết các công ty phát hành sách, các nhà phân phối vẫn có kế hoạch phục vụ vùng sâu, vùng xa. Còn số lượng bao nhiêu thì chỉ đến cuối mùa lịch mới rõ.  

PV: Một điều nữa mà người tiêu dùng băn khoăn là hai năm trước xảy ra tình trạng đầu mùa thì ê hề, cuối mùa thì "cháy" bloc. Theo ông nhận định năm nay thị trường lịch có xảy ra tình trạng này không?

Khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề là sau một thời gian làm lịch theo hướng xã hội hoá, mỗi nhà đầu tư và mỗi nhà xuất bản đã rút ra bài học cho mình vì mặt hàng lịch có tính thời vụ rất cao. Việc các nhà làm lịch đưa ra số lượng bao nhiêu để đảm bảo trước hết là vì sự an toàn cho mình. Vì thế, cho nên đôi lúc hàng hoá có thể bị thiếu, nhưng không nhiều. Việc "sốt nóng", "sốt lạnh" của thị trường lịch bloc âu cũng là chuyện bình thường.

Các NXB rất nhanh nhạy, công nghệ in hiện nay rất nhanh, tốc độ vận chuyển hàng hoá giữa các vùng miền cũng vậy. Vì thế không lo về tình trạng thiếu lịch.  

PV: Vừa qua, Tổng Công ty Sách Việt Nam đã khai trương Trung tâm phát hành lịch 2009. Việc ra đời trung tâm có phải là điểm hẹn để người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với những sản phẩm lịch?

Tổng Công ty Sách Việt Nam là đơn vị có truyền thống phát hành lịch hàng chục năm nay. Điều mong mỏi của chúng tôi là tạo ra một không gian văn hoá để cho bạn đọc có thể đến chiêm nghiệm, nắm được cơ cấu hàng hoá, có cái nhìn tổng thể hơn về mặt hàng văn hoá phẩm nói chung và mặt hàng lịch nói riêng. Chúng tôi không có tham vọng định hướng về tiêu dùng, nhưng chúng tôi mong muốn tập hợp được đông đảo các sản phẩm của các NXB.

Với Trung tâm phát hành lịch, thị trường lịch 2009 được tái hiện khá toàn diện, với trên 500 đầu lịch, trong đó có trên 50 chủng loại lịch blốc, trên 300 mẫu lịch tờ và trên 100 mẫu lịch sổ (Agenda).  

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên