Chuyện buồn ở một dự án giãn dân

Thiếu điện, nước và không hộ khẩu

Điều người dân nơi đây bức xúc nhất là khu giãn dân vẫn chưa có tên trên bản đồ hành chính của xã Ea Ven. Vì vậy, họ chịu thiệt thòi, chuyện thiết yếu nhất là giải quyết chế độ, chính sách cho người giãn dân

Thực hiện dự án giãn dân theo Chương trình 134, giữa năm 2007, UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk chọn Tiểu khu 498 thuộc Lâm trường Ea Tun ở xã Ea Ven làm nơi định cư cho gần 160 hộ thiếu đất thuộc 4 xã Tân Hoà, Chu Knia, Ea Bar và Ea Ven. Sau hơn 1 năm triển khai, gần 1/3 số hộ dân đã làm nhà ở tại nơi định cư mới nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu của người dân vẫn chưa được xây dựng. Người dân ở đây đang sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước và không có cả hộ khẩu.

Con đường cấp phối vào khu giãn dân dành cho 160 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất mới hơn một năm đã đầy ổ gà, ổ voi. Hai bên đường là những ngôi nhà dựng tạm bợ bằng ván, gỗ tận dụng, thậm chí nguyên cả thân cây còn vỏ làm vách nhà. Dọc con đường cấp phối trong khu giãn dân dài hơn 200m, gần 20 nóc nhà im lìm, nhiều nhà cỏ mọc um tùm, lấp cả lối ra vào, tìm mãi mới thấy một ngôi nhà có người ở. Gia đình anh Y Quang Aroh là một trong những hộ đầu tiên đến định cư ở đây. Ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Êđê của anh có thể coi là khang trang nhất buôn. Anh Y Quang cho biết, đó là công sức tích góp qua mấy năm ở nhờ nhà mẹ vợ. Vào khu giãn dân, gia đình anh cũng như mọi gia đình khác, mỗi hộ được cấp 400m2 đất và 2 triệu đồng. Đất thì đã bàn giao, tiền thì đã nhận. Nhà làm xong là tiền cũng hết, trong nhà không có gì ngoài chiếc chiếu trải giữa sàn làm nơi tiếp khách. Có nhà mới thì vui đấy nhưng ở đây cái gì cũng khó, cũng thiếu.

Trong khu giãn dân dựng 40 nóc nhà, người dân đã đến ở nhưng bỏ đi dần. Đến bây giờ chỉ còn hơn một chục hộ. Số hộ trụ lại chủ yếu là bà con người Êđê, vốn trước đây ở hai buôn Tul A và Tul B của xã Ea Ven, gần khu giãn dân. Còn các hộ từ các xã xa như Tân Hoà, Chu Kia, Ea Bar thì hầu như đã bỏ về nơi cũ. Chị H’Noá Êban cho biết: “Gia đình tôi giờ sống rất khó khăn, thiếu nước uống, điện, đất làm cũng chẳng có. Ăn uống trong nhà vẫn thiếu. Bà con ở đây đều yêu cầu điện, nước”.

Điều người dân nơi đây bức xúc nhất là khu giãn dân vẫn chưa có tên trên bản đồ hành chính của xã Ea Ven. Vì vậy, họ chịu thiệt thòi đủ đường, chuyện thiết yếu nhất là giải quyết chế độ, chính sách cho người giãn dân chẳng ai ngó ngàng tới. Ông Khăm Phon Lào, Chủ tịch UBND xã Ea Ven cho biết: Đáng lẽ phải tổ chức bàn giao, có biên bản, có huyện chứng kiến thì chúng tôi mới quản lý được. Chứ để dân tự đi thế này rất khó cho chúng tôi, liên quan đến chính sách hộ nghèo. Bây giờ buôn mới chưa nằm trong quản lý hành chính Nhà nước. Chúng tôi kiến nghị huyện, tỉnh sớm phê duyệt buôn mới này, bàn giao cho chúng tôi quản lý để chúng tôi có cơ sở thành lập bộ máy hành chính thôn, buôn”.

Đã hơn một năm chính quyền huyện Buôn Đôn cấp đất cho dân nhưng ngoài việc mở con đường dẫn vào khu định cư thì đến nay, không thấy huyện bàn tính đến việc đầu tư gì khác. Ông Ngô Sỹ Kỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk giải thích: Theo Chương trình 134 thì chỉ giải quyết đất sản xuất và đất ở, do đó không có các chương trình để đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các khu giãn dân mới. Có cái khó là hệ thống điện của nơi tập trung dân cư thì chưa có. Vì vậy, các hộ dân này cũng đang khó khăn khi ra khu định cư mới. Trong giải quyết đất sản xuất của chúng ta không nhất thiết phải thiếu đất ở, phải là thiếu đất sản xuất, do đó, có những hộ khi giao đất ở thì đất sản xuất ở xa và ngược lại. Đó cũng là một bất cập mà trong chế độ thực hiện giãn dân theo đề án 134 của huyện chưa hoàn thiện được.

Gần 160 hộ dân tộc thiểu số ở khu giãn dân xã Ea Ven, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk đang lâm vào tình trạng đi mắc núi, ở lại mắc sông. Mấy trăm con người đang bơ vơ giữa một khu dân cư đất mới khai khẩn, không đường, không điện, không giếng nước, không trường học, không hộ khẩu. Tỉnh, huyện chẳng biết có quan tâm hay không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên