Thời gian chờ Tiếng Việt 1 chỉnh sửa, học sinh sẽ học thế nào?
VOV.VN - Nhiều phụ huynh lo lắng, liệu học sinh có bị ảnh hưởng, chậm tiến độ môn học trong quá trình chờ chỉnh sửa nội dung sách Tiếng Việt 1?
Sau những tranh cãi về “sạn” trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản, tác giả sách xây dựng phương án chỉnh sửa nội dung không phù hợp trước ngày 15/11.
Trong thời gian chờ chỉnh sách, nhiều phụ huynh lo lắng việc học của trẻ có thể bị gián đoạn. Chị Nguyễn Hoàng Lan (Tây Hồ, Hà Nội) băn khoăn, theo thời khoá biểu, các em học 12 tiết Tiếng Việt/tuần, trong 4 tuần tới là 48 tiết. Vậy trong thời gian gần 4 tuần chờ đợi chỉnh sửa nội dung sách, học sinh sẽ học bài như thế nào, liệu thời gian học kỳ I có bị kéo dài, chậm tiến độ tập đọc, tập viết của trẻ?
Cùng thắc mắc, chị Lê Thị Thu (Phú Thọ) cho biết, hiện các con đã học đến bài 34/96 bài học sách Tiếng Việt lớp 1, tập một. Nếu đợi đến thời gian công bố nội dung chỉnh sửa (ngày 15/11) thì trẻ học được 2/3 cuốn sách, gần kết thúc học kỳ I.
"Việc tiếp thu kiến thức của các em sẽ ra sao, các bài tập đọc có “sạn” như “Cua, cò và đàn cá”, “Nụ hôn của mẹ”… sẽ được thay thế như thế nào?”, chị Thu đặt câu hỏi.
Bộ sách Cánh Diều đang được các trường lựa chọn nhiều nhất trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 đủ điều kiện Bộ GD-ĐT phê duyệt trong năm học 2020-2021, tức chiếm tỷ lệ khoảng 30%.
Một số địa phương 100% lựa chọn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định. TP HCM khoảng 20% trên tổng số trường tiểu học và Hà Nội có khoảng 50% số trường tiểu học lựa chọn bộ sách Cánh Diều. Vì vậy việc điều chỉnh nội dung sách thế nào được phụ huynh, giáo viên và học sinh rất quan tâm.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính.
Trong đó, nhà xuất bản sách Đại học Sư phạm (TP HCM) sẽ xây dựng bản thảo nội dung chỉnh sửa và gửi hội đồng thẩm định để đánh giá các ngữ liệu phù hợp sử dụng trong sách. Nếu bản thảo được thẩm định đánh giá “đạt” thì sẽ báo cáo Bộ trưởng GD-ĐT xem xét, phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Với những trường học, học sinh đã mua và đang sử dụng sách này, nhà xuất bản và tác giả có trách nhiệm gửi đầy đủ nội dung chỉnh sửa, hiệu đính.
Trong thời gian đợi thông tin chỉnh sửa, tác giả và nhà xuất bản sẽ sớm xây dựng hướng dẫn, báo cáo Bộ GD-ĐT và gửi tới các trường, các giáo viên, học sinh đang sử dụng sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều, để kịp thời áp dụng.
Được biết, kinh phí cho việc chỉnh sửa, hiệu đính sẽ do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (TP HCM) chi trả. Những nội dung hiệu đính sẽ được phát miễn phí tới các nhà trường, học sinh đã mua và đang sử dụng sách này./.
Theo quy định tại Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, việc chỉnh sửa thực hiện như quy trình biên soạn, trừ quy định về thực nghiệm (trường hợp phải tổ chức thực nghiệm chỉnh sửa do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định).
Các tác giả biên soạn sách giáo khoa sẽ gửi bản thảo chỉnh sửa đến nhà xuất bản đã xuất bản cuốn sách đó. Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành dự thảo chỉnh sửa, và gửi Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định. Bộ trưởng phê duyệt, cho phép sử dụng nội dung chỉnh sửa ấy.