“Cánh diều” vươn cao nhờ sợi dây nối với cội nguồn

VOV.VN - Cánh Diều là một trong những hội đoàn người Việt hiếm có tại Pháp duy trì được hoạt động khá thường xuyên và có chiều sâu trong mục tiêu thúc đẩy hiểu biết ngôn ngữ và văn hóa cho con em người Việt sinh ra và lớn lên ở đây.

Vừa qua, nhóm Cánh Diều đã tổ chức một chuyến đi đặc biệt tới ngôi làng từng đón nhận những người Pháp ở Đông Dương sang cư trú từ năm 1955, để tìm hiểu và kết nối với các thế hệ có dòng máu Việt. 

Thế hệ khai phóng và sứ mệnh kết nối

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có rất nhiều thế hệ người Việt nhập cư vào nước Pháp, khi thì tự nguyện khi thì bị cưỡng ép, mỗi một nhóm người mang một tên gọi khác nhau như những học bổng sinh đầu tiên dưới thời thuộc địa, những phần tử Cách mạng bị nhà cầm quyền thuộc địa trục xuất sang Pháp, nhóm Ngũ Long (Cinq Dragons), Công Binh (Ouvriers Non Spécialisés), người Pháp Đông Dương (Les Français d’Indochine), sinh viên du học tự túc hay học bổng sinh từ thời Việt Nam Cộng hòa cho đến Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…

Còn thế hệ 7x - 8x, là những người Việt du học và định cư, lập nghiệp tại ngoại quốc tối thiểu từ 15 năm nay. Thế hệ này may mắn không phải trải qua chiến tranh, hàng năm vẫn được về Việt Nam thăm gia đình, mối liên hệ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp vẫn được duy trì, và có lẽ nhờ vậy mà họ không có “mác” là Việt kiều chăng?! Tạm gọi thế hệ này là “thế hệ khai phóng” vì họ được giải phóng bởi ý thức hệ, được sống trong hòa bình, được đầu tư học hành tử tế để trở thành những công dân toàn cầu.

Sự gặp gỡ giữa các thế hệ Việt kiều này trên đất Pháp không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, thoạt nhìn thì tưởng đó là độ chênh của ý thức hệ nhưng sâu xa có lẽ là sự khác biệt thế hệ thể hiện qua lối sống, điều kiện sống, quan niệm sống, văn hóa ứng xử… Nhưng từ nhiều năm nay, “thế hệ khai phóng” vừa quan sát mình trong thế giới đa sắc tộc vừa tự vấn về cái gọi là Việt tính ở những phương trời xa. 

Sợi dây rốn với Việt Nam và sức bền vượt khó có lẽ là hai trong nhiều điều mà các thế hệ Việt kiều trên quả địa cầu này có thể gặp gỡ được nhau. 

Cánh Diều bay xa vẫn níu giữ cội nguồn Việt

Cũng giống như hàng ngàn tổ chức của cộng đồng người Việt lập ra nhằm duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt cho con cái mình ở các nước sở tại, nhóm Cánh Diều được thành lập vào tháng 1/2014 tại Pháp với các lớp học tiếng Việt, học vẽ, học múa dân gian, học võ, học nhạc cụ dân tộc. Thầy cô giáo đều là phụ huynh và là những người làm đúng nghề họ đang dạy ở Cánh Diều. 

Chia sẻ về mục đích hoạt động của nhóm Cánh Diều, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, đồng sáng lập nhóm Cánh Diều nói: “Con cái mình không thấy lạ lẫm với tiếng Việt và văn hóa Việt mỗi khi về Việt Nam thăm ông bà họ hàng. Mọi hoạt động diễn ra đều nhằm mục đích trở thành một không gian ngôn ngữ để các bé có điều kiện nói tiếng Việt tự nhiên và nói với nhiều người, với các bạn trang lứa và các phụ huynh khác. Mong ước của chúng tôi có thể hơi “thi vị”. Mong sao các con sẽ là cánh diều, bay cao bay xa, nhưng vẫn có một sợi dây dưới đất níu các con lại, đó chính là nguồn cội”.

Đã 8 năm kể từ ngày thành lập, nhóm Cánh Diều đã tham gia rất nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao trong cộng đồng người Việt tại Pháp vào những dịp Tết cổ truyền, Trung thu, Hàn Thực… Dân gian cổ truyền dần dần không còn là khái niệm trừu tượng vì các con được nghe đồng dao, dân ca, được tập võ cổ truyền, được chơi các trò chơi dân gian, được tô hình, vẽ màu, gấp giấy từ các mô-típ dân gian.

Và đương nhiên, được ăn những món ăn “đặc chất” Việt vào mỗi dịp lễ tết có mời các gia đình bạn bè người Pháp đến chia vui. Bàn ăn Việt chắc chắn là nơi hội tụ vì chiếc nem gạt bỏ mọi chia rẽ và định kiến.

Về nguồn đi tìm các thế hệ Việt kiều tiền bối

Đến một lúc, ý tưởng dã ngoại văn hóa xuất hiện như một nhu cầu với cả phụ huynh và các con. Và tại sao lại không phải là làng Noyant d’Allier, một trong hai ngôi làng Pháp đón nhận những người Pháp Đông Dương sang cư trú từ 1955.

Chị Hoàng Cẩm Linh, người khởi xướng ý tưởng và tổ chức chuyến đi về nguồn cho biết: “Cách đây 3 năm trong một kỳ nghỉ, tôi có dịp ghé qua thăm làng này. Trước khi đi tôi đã kịp đọc rất nhiều về lịch sử ngôi làng, khi đến nơi tìm được nhiều dấu ấn của Việt Nam thì thấy rất gần gũi. Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là cuộc gặp gỡ rất thân tình với một bác người dân ở đó. 15 phút trò chuyện cũng đủ để chúng tôi hiểu niềm tự hào của bác về ngôi làng này. Bác nói giờ đây rất nhiều người về hưu quay lại làng để sống: Chúng tôi làm tất cả để càng ngày càng nhiều người biết tới làng”. Từ đó, ý nghĩ một ngày dẫn các bé và các phụ huynh Cánh Diều quay lại đây nảy ra trong tôi”.

Đến làng Noyant d’Allier, những “Cánh Diều” được Thị trưởng đón tiếp và kể về lịch sử ngôi làng độc đáo của nước Pháp, nơi các thế hệ nhập cư người Ba Lan, Nga, Ukraine, Việt cùng chung sống từ nhiều thập niên qua. Ông tự hào nói rằng đây có lẽ là một trong những ngôi làng Pháp đậm chất Việt nhất : người Việt, cảnh trí Việt, chùa Việt, nhà hàng Việt… Và điểm đặc biệt nhất, theo ông thị trưởng, là sự trở về của những người con sau nhiều năm tháng đi làm nơi xa, tuổi hưu đến, họ trở về cái nôi xưa. 

“Và cả buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã được gặp hai trong số nhiều người con trở về làng như vậy. Bác Jany, giờ đã thất tuần, sang Pháp cùng gia đình năm 1956 khi mới 2 tuổi, cả đại gia đình 9 người con sinh sống trong ngôi làng này hơn 10 năm. Bác mới mua lại căn nhà, cách đây hai năm, sát vách với căn nhà gia đình từng sinh sống, để như bác nói “an vui tuổi hưu và chăm sóc ngôi chùa” Phát Vương Tự - cách nhà bác chừng 150m.

Những gia đình Pháp hồi hương thời đó đều được đưa vào ở trong gian nhà thợ mỏ một tầng (coron) diện tích chừng 50 mét vuông. Đông con hay ít con thì cũng từng đó diện tích, chất cả vào nhau mà sống. Nhà nghèo, sống chật vật nuôi từng đấy người con ăn học, “suốt cả những năm học trung học xa nhà, chỉ có duy nhất một đôi giày con ạ, quần áo mặc chung với chị em, ngay khi vào đại học thì đi làm thêm đủ thứ kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ và các em... Câu chuyện ở thập niên 1960 - 1970 ngay tại nước Pháp, chúng tôi nghe mà vẫn khó hình dung về sự khốn khó của họ”, chị Hoàng Cẩm Linh kể lại.

Nhóm “Cánh Diều” còn gặp bác Pierre-Marie, người đã mồ côi cả cha và mẹ, hay nói chính xác hơn, sinh ra không được thừa nhận, như hàng ngàn trẻ lai Pháp - Việt dưới thời thuộc địa. Vừa sinh ra, bác đã được đưa vào tu viện và được các sơ nuôi. Khi 11 tuổi, chiến tranh chống Pháp kết thúc, bác được nhà nước Pháp đưa về Pháp. Ngày lên tàu rời Việt Nam với một chiếc áo cộc, quần sooc và đôi xăng đan mòn đế. Đặt chân đến Pháp, điều ấn tượng nhất là cái lạnh thấu xương. Bác lớn lên, sống và làm việc nhiều nơi trên đất Pháp, nhưng đến khi về hưu bác chọn mua một ngôi nhà trong làng Noyant d’Allier “để được sống gần với những người giống mình”.

Cả bác Jany và bác Pierre-Marie đều có quãng thời niên thiếu và trưởng thành từng phải chịu thiệt thòi, bị phân biệt đối xử ngay trên đất Pháp lúc thì bởi bạn học khi thì đồng nghiệp vì khuôn mặt, khóe mắt hay màu da không “đặc Pháp”. 

Bác Pierre-Marie từng bị chuyên gia đào tạo có ý khinh và nói rằng “anh sẽ không thi và đỗ nổi đâu”.

“Ông sẽ thấy, ít nhất tôi nằm trong Top 3. Và cuối cùng, tôi đứng thứ hai! Trong rất nhiều rất nhiều năm liền, tôi không tìm thấy con đường đi cho đời mình, tìm kiếm, bơ vơ, trơ trọi” - bác Pierre-Marie nhớ lại.

Với bác Jany, thì sống chết gì cũng phải học tốt điểm cao để còn có học bổng và ăn học nội trú: “Trong lớp thì bọn bạn nó nể vì điểm cao, ra khỏi lớp là chúng nó chế, lúc thì quần áo, lúc thì mặt mũi châu Á của mình con ạ! Chỉ đến khi có chút thành công, đến khi có tuổi, mới nhận ra cuộc đời mình thật giàu có bởi mang trong mình hai nền văn hóa”.

Với thế hệ bác Jany và bác Pierre-Marie, họ luôn biết lấy học lực hay chuyên môn vững vàng để đáp trả lại những miệt thị đó. Chấn thương và cay đắng là hành trang vào đời và tạo nên sức bật sức bền cho những thế hệ này. Cuộc đời họ, thân phận của cha mẹ, anh chị em họ thấm trải chia cắt gia đình, bật gốc, mất cội rễ, mất bản sắc. Nhưng điều không bao giờ mất đi ở họ là sự đùm bọc trong gia đình, là duy trì phong tục tín ngưỡng (cúng, giỗ, lễ, Tết), thậm chí những người mẹ còn tiến hành những lễ lên đồng của đạo Mẫu cách đây nhiều năm.

Chào đón những “Cánh Diều”, chị Caroline - chủ nhà hàng Le Petit d’Asie, từng là một thuyền nhân đã đậu bến ở làng này vài chục năm chia sẻ: “Ngẫm lại mới thấy con cái chúng mình lớn lên trong thời bình, trưởng thành trong môi trường đa sắc tộc đa văn hóa, chúng mới may mắn làm sao. Những điều chia sẻ sâu sắc từ thế hệ này, các con chúng tôi vẫn chưa thể thẩm thấu ngay được ở cái tuổi vô tư ăn chơi học. Hôm nay là một ngày rất vui, lần đầu tiên có một đoàn “rặt người Việt”, và rất nhiều trẻ con đổ bộ vào làng từ nhiều năm nay”.

TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương cũng gửi gắm hy vọng: “Là những “Cánh Diều”, chúng tôi mong và hy vọng các con sẽ phát huy và tận hưởng nền văn hóa kép chúng mang trong mình suốt cuộc đời. Và các con sẽ hiểu ra rằng về nguồn có thể ở bất cứ nơi đâu!”

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Ngày Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow 
"Ngày Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow 

VOV.VN - Qua sự kiện "Ngày Việt Nam", các sinh viên Nga đã hiểu hơn về văn hoá, đất nước và con người Việt Nam.

"Ngày Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow 

"Ngày Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow 

VOV.VN - Qua sự kiện "Ngày Việt Nam", các sinh viên Nga đã hiểu hơn về văn hoá, đất nước và con người Việt Nam.

Kiều bào Đông Bắc Thái Lan kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kiều bào Đông Bắc Thái Lan kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

VOV.VN - Ngày 19/5, tại Làng hữu nghị Thái - Việt ở tỉnh Nakhon Phanom, Đông Bắc Thái Lan, Chính quyền tỉnh đã phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, Hội Thái - Việt tỉnh Nakhon Phanom long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kiều bào Đông Bắc Thái Lan kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kiều bào Đông Bắc Thái Lan kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

VOV.VN - Ngày 19/5, tại Làng hữu nghị Thái - Việt ở tỉnh Nakhon Phanom, Đông Bắc Thái Lan, Chính quyền tỉnh đã phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, Hội Thái - Việt tỉnh Nakhon Phanom long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Campuchia
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Campuchia

VOV.VN - Sáng 19/5, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), Đảng bộ tại Campuchia và các Chi bộ trực thuộc đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia.

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Campuchia

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Campuchia

VOV.VN - Sáng 19/5, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), Đảng bộ tại Campuchia và các Chi bộ trực thuộc đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia.

Họp báo Lễ hội Việt Nam 2022 tại Tokyo (Nhật Bản)
Họp báo Lễ hội Việt Nam 2022 tại Tokyo (Nhật Bản)

VOV.VN - Chiều nay (18/5), Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức buổi họp báo “Lễ hội Việt Nam 2022”.

Họp báo Lễ hội Việt Nam 2022 tại Tokyo (Nhật Bản)

Họp báo Lễ hội Việt Nam 2022 tại Tokyo (Nhật Bản)

VOV.VN - Chiều nay (18/5), Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức buổi họp báo “Lễ hội Việt Nam 2022”.