Từ vụ chuyến bay giải cứu: Còn cơ chế xin-cho thì khó chặn tham nhũng

VOV.VN - Theo TS Võ Đại Lược, cơ chế xin – cho, cái gốc “đẻ” ra tham nhũng cần phải thay đổi thì mới giải quyết được phần gốc, nếu không chỉ giải quyết được phần ngọn.

TAND TP Hà Nội đang tiến hành phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Kết luận điều tra vụ án cho thấy, trong đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức trên 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ này nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, ghi dấu ấn ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã có sự chồng chéo, không rõ ràng về thẩm quyền. Từ đó, một số cá nhân có chức vụ ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp trong tổ chức các chuyến bay giải cứu.

Khai trước toà, có bị cáo là từng là lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thường bị các cán bộ liên quan gây khó dễ, “cứ ngày mai bay thì hôm nay mới được cấp phép" và " không cấp phép nếu chưa đưa tiền”.

Rõ ràng, cơ chế xin - cho, nhũng nhiễu, không  minh bạch đã buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ...Thông qua đó hình thành "liên minh lợi ích" tại một số bộ ngành, khi mà cán bộ từ chuyên viên lên đến lãnh đạo cấp cục, vụ, thậm chí cả thứ trưởng cũng nhận hối lộ.

Theo Tiến sĩ Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cái gốc của tham nhũng hiện nay bắt nguồn từ cơ chế xin - cho. Nếu cơ chế này vẫn còn thì chống tham nhũng vẫn khó khăn.

Bản chất của cơ chế xin-cho là đặc quyền, đặc lợi, tạo ra sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Khi quyền lực, lợi ích tập trung vào một nơi thì nơi đó có quyền “cho” và những nơi khác muốn có quyền lợi thì nhất thiết phải đi “xin”; muốn xin được thì phải khéo léo, thậm chí phải chạy vạy, lót tay, “bôi trơn” thì mới được giải quyết công việc một cách thuận lợi.

Nhìn vào các đại án kinh tế, tham nhũng lớn kéo theo hàng chục quan chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước bị kỷ luật, bị xử lý hình sự trong những năm gần đây, ông Võ Đại Lược cho rằng, một phần nguyên nhân bắt nguồn sâu xa từ việc quản lý, vận hành các hoạt động kinh tế - xã hội chưa thoát khỏi cơ chế xin-cho.

“Chúng ta bắt tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho, cái gốc “đẻ” ra tham nhũng lại chưa thay đổi nên việc chúng ta làm vừa qua mới chỉ giải quyết hệ quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc”, ông Lược nói.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều cải cách, cơ chế xin - cho cũng đã giảm song mới chỉ được một phần. Tình trạng “bôi trơn”, lót tay trong giải quyết các thủ tục hành chính, kinh doanh hiện nay vẫn còn. Trong đời sống xã hội, đi đâu cũng có “xin” và “cho”, từ cái nhỏ nhất là đi học, đi khám bệnh, cho đến đi làm thủ tục hành chính… Tất cả những việc đó đều dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Vậy nên, cần xóa bỏ “cơ chế xin – cho” thì mới xóa bỏ được cái gốc của tham nhũng.

“Làm cách nào để cắt bỏ cơ chế xin-cho”?, Tiến sĩ Võ Đại Lược cho rằng, cần áp dụng cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực, chứ không phải người có quyền phân bổ nguồn lực. Như vụ “chuyến bay giải cứu”, số chuyến bay được cấp phép rất ít, trong khi nhu cầu được “giải cứu” lại rất nhiều, Nhà nước độc quyền phân bổ nên từ đó tạo cơ chế “xin-cho”, tiêu cực, doanh nghiệp buộc phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để phục vụ việc "bôi trơn", đưa hối lộ. Thêm vào đó, không kiểm soát quyền lực chặt chẽ và thiếu sự công khai, minh bạch trong quá trình vận hành, quản trị nên mới xảy ra tham nhũng.

Để tránh tiêu cực, trong trường hợp cung không đủ cầu thì Nhà nước phải can thiệp bằng cách giám sát, tăng cung lên để đáp ứng cầu. Hay trong lĩnh vực đầu tư công, nếu dùng cơ chế thị trường là tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch thì sẽ giảm tiêu cực. Còn nếu chỉ định thầu thì xin – cho vẫn còn và nguy cơ tham nhũng vẫn hiện hữu.

“Ở nước ta, nền kinh tế thị trường đang trong quá trình phát triển chứ chưa hoàn thiện nên rất nhiều lĩnh vực mà cơ chế thị trường chưa quyết định phân bổ nguồn lực, nên tiêu cực vẫn diễn ra. Do vậy, khi nào cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực ngày càng nhiều hơn và kiểm soát quyền lực tốt hơn, giám sát tốt hơn thì những tệ nạn, tiêu cực sẽ giảm”, ông Lược nói.

Trong một trao đổi với phóng viên VOV.VN khi đề cập đến các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vì quan hệ kinh tế không minh bạch, hành vi phạm tội là hành vi "ẩn", chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng thường có nhiều quyền lực, có quan hệ, hiểu biết, trong khi thể chế, chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước chưa hoàn thiện, có nhiều văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn nên nhiều đối tượng đã lợi dụng.

Nguy hiểm hơn, khi quyền lực Nhà nước gắn với nhóm lợi ích thì hậu quả “sẽ rất kinh khủng”. Bởi đằng sau các quyết định, dự án vẫn lẩn khuất đâu đó hành vi tiêu cực của các nhóm lợi ích, của doanh nghiệp sân sau. 

Do đó, theo TS Nguyễn Đình Quyền, ngoài vấn đề kiểm soát chặt chẽ quyền lực, giải pháp mấu chốt là phải xóa cơ chế "xin – cho" trong quản lý Nhà nước vì đây vốn là cái gốc “đẻ” ra tham nhũng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nữ giám đốc ấm ức vì bị làm khó khi xin phép "chuyến bay giải cứu"
Nữ giám đốc ấm ức vì bị làm khó khi xin phép "chuyến bay giải cứu"

VOV.VN - Trình bày trước tòa, bị cáo Mai Xa cho biết, lúc đó, trong lòng bị cáo rất ấm ức. Vì mình đang làm những điều tốt, làm theo chủ trương nhân đạo của nhà nước mà giờ bị từ chối chỉ vì “sếp không biết doanh nghiệp em là ai”.

Nữ giám đốc ấm ức vì bị làm khó khi xin phép "chuyến bay giải cứu"

Nữ giám đốc ấm ức vì bị làm khó khi xin phép "chuyến bay giải cứu"

VOV.VN - Trình bày trước tòa, bị cáo Mai Xa cho biết, lúc đó, trong lòng bị cáo rất ấm ức. Vì mình đang làm những điều tốt, làm theo chủ trương nhân đạo của nhà nước mà giờ bị từ chối chỉ vì “sếp không biết doanh nghiệp em là ai”.

Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh nói vì mình mà vợ phạm tội
Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh nói vì mình mà vợ phạm tội

VOV.VN - Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt cho rằng chính bị cáo đã chỉ đạo và gián tiếp đẩy vợ là Vũ Thùy Dương vào con đường phạm tội.

Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh nói vì mình mà vợ phạm tội

Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh nói vì mình mà vợ phạm tội

VOV.VN - Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt cho rằng chính bị cáo đã chỉ đạo và gián tiếp đẩy vợ là Vũ Thùy Dương vào con đường phạm tội.

Vụ “chuyến bay giải cứu”: Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn trách Hoàng Văn Hưng
Vụ “chuyến bay giải cứu”: Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn trách Hoàng Văn Hưng

VOV.VN - Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết “đã từng coi Hoàng Văn Hưng như người em” nhưng Hưng khai không đúng sự thật.

Vụ “chuyến bay giải cứu”: Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn trách Hoàng Văn Hưng

Vụ “chuyến bay giải cứu”: Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn trách Hoàng Văn Hưng

VOV.VN - Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết “đã từng coi Hoàng Văn Hưng như người em” nhưng Hưng khai không đúng sự thật.