Thu hồi xe cũ, nát: Mong được hỗ trợ mưu sinh
VOV.VN - Hầu hết những xe máy cũ được người dân chế thành xe ba gác kéo để chở hàng hóa, nước đá, thực phẩm giao, bán tại các chợ, quán ăn… Chủ sở hữu những phương tiện này chủ yếu là người lao động nghèo.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường rà soát, báo cáo việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông, yêu cầu Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu. Thế nhưng, thu hồi xe cũ không phải dễ.
Ngày nay, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy cũ đang lưu thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. Những chiếc xe chỉ còn bộ khung, xả khí thải mù mịt.
Anh Nguyễn Công Trứ, chủ chiếc xe honda được mua cách đây hơn 10 năm cho biết, chiếc xe này được anh “chế” để chở hàng hóa. Xe không đèn, không còi, không yếm và không cả phanh.
“Thiếu gương, xi nhan, nói chung thiếu nhiều thứ lắm, xe này tàn rồi, không giống xe bình thường nữa, bây giờ mua chỉ 500.000, làm sắt vụ thôi”, anh Trứ nói.
Biết xe đã “tàn”, không còn đủ tiêu chuẩn để lưu hành nhưng vẫn sử dụng cũng là tình cảnh của anh Nguyễn Xuân Dũng, ở Nam Định. Và lý do anh đưa ra là, những chiếc xe cũ nát dùng làm phương tiện mưu sinh: “Đèn hậu không có, xe này cũ, tôi phải cắt yếm đi thì mới hàn giá được, mới chở hàng được. Vì tôi làm nghề xe thồ, chủ yếu chở đá, cánh cửa, kính”.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở Gia Lâm, Hà Nội, cũng đang dùng xe cũ để mưu sinh gần 20 năm nay, chia sẻ, nếu nhà nước thu hồi, chị sẵn sàng chấp hành nhưng cũng mong khi chính quyền địa phương thực hiện thì cần có chính sách hỗ trợ hợp lý với người dân.
“Nghe chủ trương của Nhà nước thu hồi lại xe cũ, không biết có hỗ trợ gì không, tôi khá lo lắng vì cả gia đình chông trờ vào chiếc xe này để mưu sinh. Tôi biết đi xe cũ, độ an toàn không đạt yêu cầu nhưng là có đủ điều kiện để mua xe”, chị Huyền bày tỏ.
Hầu hết những xe máy cũ được người dân chế thành xe ba gác kéo để chở hàng hóa, nước đá, thực phẩm giao, bán tại các chợ, quán ăn… Chủ sở hữu những phương tiện này chủ yếu là người lao động nghèo.
Theo PGS, TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội kinh tế môi trường Việt Nam, chủ trương thu hồi, loại bỏ xe cơ giới cũ, nát là hợp lý, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải quy định cụ thể về việc thu hồi, đặc biệt là với người nghèo đang dùng xe cũ để mưu sinh, Chính phủ nên có phương thức hỗ trợ họ chuyển đổi.
“Tôi biết rằng, Chính phủ đang muốn tạo điều kiện tốt nhất cho những người sử dụng phương tiện này có điều kiện làm ăn tốt hơn. Những phương tiện này khi thay thế cũng kèm theo công ăn việc làm. Có thể gom từng nhóm người để họ không phải sử dụng phương tiện là tốt nhất. Còn nếu thay đổi thì cần có những hỗ trợ nhất định về mặt tài chính để giúp người dân thay đổi được phương tiện”, ông Trương Mạnh Tiến cho biết.
Tháng 9 năm ngoái, Hà Nội cũng dự định, những chiếc xe máy cũ trên 18 năm tuổi nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ một khoản tiền để đổi sang xe mới, mức hỗ trợ đổi xe máy mới là 2 triệu đến 4 triệu đồng một trường hợp, nhưng điều này vẫn nằm trên dự thảo, vì đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Kỳ vọng, lần này với sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ, chủ trương này không còn nằm trên giấy và những người lao động nghèo đang sử dụng phương tiện cũ nát có thêm những hỗ trợ để tiếp tục mưu sinh./.