Thù lao thẩm định 35.000 đồng/tiết thì không thể mong có được SGK tốt
VOV.VN - GS Phạm Hồng Tung cho rằng quá trình soạn thảo, biên soạn SGK còn nhiều bất cập từ việc xây dựng chương trình, triển khai, thực nghiệm đến chế độ đãi ngộ cho đội ngũ chuyên gia, giáo viên tham gia thẩm định, thực nghiệm SGK.
GS Phạm Hồng Tung cho rằng, nếu không có cơ quan riêng về phát triển chương trình, không có cơ chế cho những người xây dựng chương trình, làm SGK tốt, sẽ rất khó để có sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu.
Năm 2020, Bộ GD-ĐT chính thức đưa vào sử dụng SGK theo Chương trình GDPT mới. Sau một thời gian áp dụng ở lớp 1, chương trình được đánh giá còn nặng, ngữ liệu tại một số bộ sách phải chỉnh sửa khi học sinh đã vào năm học.
GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), thành viên tham gia xây dựng chương trình GDPT mới đã có trao đổi với VOV.VN góc nhìn cá nhân sau một thời gian thực hiện chương trình mới.
PV: Thưa Giáo sư, khép lại 1 năm dương lịch với nhiều đổi mới của ngành giáo dục, trong đó có đổi mới về chương trình GDPT, SGK mà bước đầu là chương trình và SGK lớp 1. Ông có bình luận gì về những thay đổi này, thưa ông?
Không nên “căng hàng ngang” ra để đổi mới
GS Phạm Hồng Tung: Nhìn vào những sự cố đã xảy ra với SGK, thể hiện sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp trong việc chỉ đạo thực hiện và biên soạn, thẩm định, sử dụng SGK và các học liệu cơ bản tối thiểu phù hợp với chương trình GDPT mới. Tại sao tôi nói như vậy, vì chương trình mới phê duyệt theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, thì vai trò, chức năng của SGK đã hoàn toàn thay đổi so với SGK mà từ trước đến nay chúng ta biết. Cách biên soạn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, 1 chương trình có thể có 1 hoặc nhiều SGK, nhưng toàn bộ quá trình thực hiện và tổ chức không theo kịp với Nghị quyết của Quốc hội và Luật Giáo dục sửa đổi.
Nghị quyết không hề bắt buộc phải thực hiện tất cả các môn học, lớp học, cấp học 1 chương trình phải có 1 hoặc nhiều SGK. Tại sao không lựa chọn để có một lộ trình khoa học, phù hợp hơn với thực tế của Việt Nam. Tức chúng ta thực hiện các môn ở THPT trước, các môn cuối cấp THCS sau đó đến 3 lớp tiếp theo của THCS rồi mới đến các lớp tiểu học sau cùng. Không ai căng hàng ngang ra để đi cùng 1 lúc, nhất là môn Tiếng Việt ở lớp 1, tất cả các lớp, các trường cần có một sự đồng nhất cần thiết để các lớp, trường, vùng, miền không có sự khác biệt, phụ huynh, học sinh không bỡ ngỡ.
Học sinh là chủ thể của quá trình học tập, nhưng các em chưa đủ năng lực tham gia vào lựa chọn học liệu cho mình, ai đó lựa chọn cho các em đều là sự áp đặt trên một cơ sở, tính toán nào đó. Do đó, đáng ra phải thực hiện đổi mới từ cấp THPT, tới THCS rồi mới đến tiểu học, đi từ các môn tự nhiên, công nghệ trước, các môn Lịch sử, Địa lý, GDCD đi sau vì đây là những môn khá nhạy cảm, khó viết 1 chương trình nhiều SGK. Việc căng hàng ngang ra làm rất khó để tránh khỏi khủng hoảng.
Hơn nữa, cơ chế để các thầy cô trong hội đồng thẩm định làm việc chưa đảm bảo mức tối thiểu. Hiện nay Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đang có dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, xin phê duyệt chỉ tối đa 35.000 đồng/tiết/người tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp. Chi tiền công họp thẩm định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tối đa 200.000 đồng/người/buổi; Phó Chủ tịch, ủy viên, thư ký Hội đồng thẩm định tối đa 150.000 đồng/người/buổi.
Tôi xin nói mức thù lao đó với các thầy chưa bằng thù lao người phụ hồ hiện nay. Nếu so với thời gian để hội đồng thẩm định đọc, suy nghĩ, cân nhắc góp ý cho SGK thì mức độ chi trả này là sự bạc đãi, tệ mạt đến mức không tưởng, như vậy chúng ta sao có thể hy vọng chất lượng sản phẩm đầu ra tốt.
Thời gian vừa qua, báo chí mới chỉ ra những hạt sạn nhỏ, nhưng chúng tôi là người làm chương trình, căn cứ vào chương trình để phê duyệt, tôi cho rằng một số học liệu được phê duyệt đã bộc lộ cả những sai sót không nhỏ, có tính nguyên tắc. Từ những sai sót của SGK, tôi cho rằng cần thay đổi toàn bộ cách chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức biên soạn và thẩm định SGK và các học liệu cơ bản khác.
Hơn nữa, SGK cũng chỉ là một học liệu cơ bản, tối thiểu, vậy còn những học liệu khác, các thiết bị dạy và học cơ bản, tối thiểu đang không có ai bàn đến. Chúng ta đang chú trọng vào SGK, còn sách bài tập, sách giáo viên... chưa ai bàn đến. Đến khi những sách này cũng phát hiện sạn mới vội vàng nói đến chuyện chỉnh sửa, thu hồi đến thì đã muộn. Nói như vậy để thấy việc chỉ đạo làm SGK chưa bao quát được những học liệu tối thiểu phù hợp với chương trình mới. Nếu cứ làm như hiện nay, trong tương lai, chúng ta có thể phải đối mặt với những khủng hoảng lớn hơn.
Cần có cơ quan riêng về phát triển chương trình
PV: Thưa GS, trong một cuộc hội thảo, ông đã phát biểu rằng Việt Nam hiện chưa có các chuyên gia chuyên nghiệp về phát triển chương trình, xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về ý kiến này và nếu vậy, cần có những thay đổi ra sao, thưa ông?
GS Phạm Hồng Tung: Thực tế những người tham gia biên soạn và viết SGK ở tất cả các nhóm, trong đó có cả tôi đều không chuyên nghiệp.
Chúng tôi là các nhà Sử học, Toán học, Hóa học, Địa lý học... được đào tạo chuyên sâu ở các ngành khác nhau, khi tham gia vào biên soạn, phát triển chương trình học liệu SGk, chúng tôi ý thức sâu sắc rằng mình chưa được đào tạo để làm điều đó một cách chuyên nghiệp như các đồng nghiệp ở nước ngoài. Chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian, công sức để tự học. Ngay từ thời lãnh đạo Bộ như GS Nguyễn Thiện Nhân, GS Phạm Vũ Luận đều biết vấn đề này và cử đồng nghiệp của chúng tôi đi học nước ngoài, nhưng đó chỉ là bổ túc về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, tức mang tính vá víu.
Tôi không dám phê bình ai yếu kém, vì trong đó có cả tôi. Nhưng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Bộ GD-ĐT phải nhận thức rằng, cần có những cơ sở đào tạo, có những người viết SGK chuyên nghiệp, làm các học liệu chuyên nghiệp. Đó là những người ăn lương nhà nước và cả đời chỉ nghiên cứu phát triển chương trình. Nếu họ vẫn là những nhà Sử học, Toán học, Sinh học ... được mời tham gia phát triển chương trình, biên soạn SGK theo kiểu các dự án, sau khi hết hợp đồng hết trách nhiệm, đi làm việc khác thì chúng ta đang làm rất nghiệp dư với một công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp, như vậy không thể hy vọng có được chất lượng cao như các nước phát triển.
Bộ GD-ĐT cần giao việc phát triển chương trình về cho một cơ quan chuyên biệt chẳng hạn như Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hay trong các trường ĐH Sư phạm phải đào tạo những người làm phát triển chương trình, học liệu. Không thể làm như hiện nay, chúng tôi làm việc theo kiểu dự án, hết dự án hết trách nhiệm, thậm chí nếu phát hiện ra lỗi gì của mình cũng không có quyền chỉnh sửa lại tác phẩm của mình. Hợp đồng làm việc của chúng tôi chỉ như một hợp đồng mua bán, xây dựng gì đó thôi.
PV: Thưa ông, để mỗi bộ sách đi vào giảng dạy thực tế trong nhà trường, đều phải trải qua quá trình thực nghiệm, ông đánh giá gì về quá trình thực nghiệm vừa qua của SGK lớp 1?
GS Phạm Hồng Tung: Chúng ta mới thực nghiệm SGK, vậy sau này còn các học liệu cơ bản khác, như sách bài tập, sách hướng dẫn vv thì sao? Cái sai ở ngay quan niệm chỉ đạo, khi chỉ chăm chăm vào thực nghiệm SGK. Vừa qua, quá trình thực nghiệm sách hoàn toàn do các nhà xuất bản tự bỏ kinh phí ra thực hiện, nhưng đáng ra việc tổ chức thẩm định phải do một tổ chức độc lập thực hiện, thực nghiệm 1 lần chưa được phải thực nghiệm 10 lần, 100 lần, sau khi thực nghiệm xong giao cho các nhà xuất bản in ấn, phát hành.
Để các nhà xuất bản tự viết sách rồi tự thực nghiệm là sai, bởi họ không có chuyên gia mà phải thuê các nhà khoa học bên ngoài và trả một mức tiền biên soạn SGK vô cùng rẻ mạt.
Tôi là giáo sư, tham gia biên soạn tại 1 nhà xuất bản, cũng chỉ nhận được 1,8 triệu đồng cho một tiết của cái bài mà tôi soạn, mà phải mất khoảng 20 lần viết đi viết lại mới có thể mang đi thực nghiệm. Mỗi lần đi đến các trường, các huyện, tỉnh để thực tế quá trình thực nghiệm cũng chỉ được trả 200.000 đồng/ngày. Cơ quan giáo dục, quản lý đứng ngoài vấn đề này, vậy sao có thể đảm bảo một kết quả tốt đẹp.
PV: Hiện Bộ GD-ĐT đang trong quá trình thẩm định SGK lớp 2, lớp 6, theo Giáo sư, cần có những thay đổi ra sao để tránh khỏi những sai sót như đã xảy ra với SGK lớp 1?
GS Phạm Hồng Tung: Con em chúng ta không có nghĩa vụ phải mặc 1 chiếc áo vá, trong khi phụ huynh đã bỏ tiền may áo lành cho con. Nếu muốn thay đổi để SGK lớp 2, lớp 6 không gặp phải những hạt sạn như vừa rồi phải thay đổi lại từ cách lãnh đạo, tư duy. Nghị quyết 88 của Quốc hội là đúng, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Luật Giáo dục là đúng, nhưng không ai bắt các vị phải dàn hàng ngang để làm tất cả 1 chương trình nhiều SGK đối với tất cả các môn học, các lớp và các cấp học.
Quan điểm của tôi là cấp THPT đi trước, THCS, tiểu học đi sau, các môn thuộc lĩnh vực tự nhiên làm trước, môn khoa học xã hội đi sau.
Kiến nghị thứ 2 là từ lãnh đạo đến tổ chức thực hiện cần hiểu SGK không còn vai trò như trước nữa, đây chỉ là một học liệu cơ bản, cốt lõi, bên cạnh đó vẫn còn những học liệu khác như sách bài tập, sách hướng dẫn, thiết bị học tập tối thiểu đều cần được thẩm định như SGK.
Kiến nghị thứ 3 là cần phải chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa việc tổ chức, biên soạn, phát triển các học liệu cơ bản và thẩm định các học liệu đó. Bên cạnh đó, khi đổi mới, thì cũng cần đổi mới chính sách chế độ đãi ngộ với những người biên soạn học liệu, thẩm định, dạy thử học liệu. Nếu các thầy ngồi thẩm định sách vẫn được nhận chế độ đãi ngộ 35.000 đồng/tiết, 200.000 đồng/ngày họp thẩm định, thì không thể kỳ vọng sẽ có đầu ra tốt.
PV: Xin cảm ơn ông!/.