Thu phí BOT T2 ưu tiên lợi ích của nhà đầu tư hay lợi ích cộng đồng?

VOV.VN - Đặt trạm thu phí BOT T2 không đúng chỗ là Bộ GTVT đã đặt chính quyền địa phương vào thế kẹt và không giữ đúng cam kết với nhà đầu tư.

Trong 2 bài viết trước, chúng tôi đã nêu rõ những bất cập ở trạm thu phí BOT T2 trên Quốc lộ 91 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) gây bức xúc trong nhân dân.

Trong khi đó, hiện nay, thời hạn 10 ngày tiến hành xả trạm (kể từ ngày 25/5) để tiến hành kiểm đếm phương tiện cũng đã kết thúc. Mới đây, để xử lý các bất hợp lý hiện nay tại trạm thu phí này, Bộ GTVT đã đưa ra hai phương án xử lý và đang cân nhắc, xem xét lựa chọn phương án tối ưu hơn.

Theo nhiều người dân tại An Giang cho rằng, sau khi đã nghiên cứu cả 2 phương án mà Bộ GTVT đưa ra hiện nay vẫn bộc lộ những điểm hạn chế. Bởi với phương án 1 là mở rộng diện miễn, giảm giá vé qua trạm T2 cho phương tiện của người dân khu vực An Giang, Đồng Tháp quanh trạm thu phí với bán kính 8-10 km (như đang áp dụng với phương tiện của người dân Cần Thơ). Như vậy, với phương án này, Bộ GTVT cho rằng cần phải kiểm đếm lưu lượng xe, sau đó tính toán số phương tiện miễn, giảm, mức giảm và phương án tài chính.

 2 phương án mà Bộ GTVT đưa ra để xử lý bất cập ở trạm thu phí BOT T2 hiện nay vẫn bộc lộ những điểm hạn chế. 

Còn đối với phương án 2 là tính toán có thể di dời trạm T2 lùi về phía cầu Vàm Cống khoảng 500 mét (xe qua lại đoạn An Giang - cầu Vàm Cống không phải qua trạm thu phí). Bộ GTVT cũng cho rằng phương án này phải tính toán về chi phí đầu tư di dời trạm, phương án tài chính, mức thu phí có đủ trả tiền vay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang cho rằng, đối với phương án 1, dù việc mở rộng khu vực miễn giảm giá vé nhưng cũng không thể tạo sự công bằng được. Bởi Bộ GTVT không thể mở rộng phạm vi giảm giá vé ra tới các địa phương khác trong vùng ĐBSCL hay cả TP HCM. Bản chất mâu thuẫn tại trạm BOT T2 là do trạm đặt chưa đúng vị trí thu phí. Vì thế để giải quyết dứt điểm chỉ còn cách di dời trạm về ngã ba Lộ Tẻ, để những xe đi từ Cần Thơ qua cầu Vàm Cống không phải trả phí.

Còn ông Lê Thành Phước, Giám đốc HTX vận tải Phước Thành, tỉnh An Giang thì nêu rõ, phương án dời trạm đã có rồi, nhưng khi nào dời mới quan trọng. “Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng Bộ không chịu dời, bởi vì muốn đón lõng QL80 và cầu Vàm Cống để thu tiền của nhà xe. Mong muốn lớn nhất bây giờ là dời trạm xuống dưới một chút để cho rõ ràng và minh bạch", ông Phước nói.

Mới đây nhất, UBND tỉnh An Giang có Công văn số 482 gửi Bộ Giao thông vận tải. Trong đó có nội dung nêu rõ các phương tiện ô tô chỉ sử dụng vài trăm mét trên tuyến quốc lộ 91 nhưng phải trả phí cho cả tuyến đường BOT T2. Vấn đề này đã gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi lưu thông trên đoạn đường này.

Đồng thời, việc này làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang. Chính vì vậy, về phía lãnh đạo tỉnh An Giang nêu rõ UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có giải pháp xử lý phù hợp đối với trạm thu phí BOT T2 quốc lộ 91 trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, trả lời với báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT sẽ tính toán để lựa chọn phương án nào hợp lý nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Ông Nhật nêu rõ: “Phương án nào giải quyết được bất cập, nhận được sự đồng tình của người dân nhưng vẫn đảm bảo cho chủ đầu tư thu hồi vốn, trả nợ sẽ được lựa chọn. Vì nếu doanh thu thu phí không đạt để trả nợ có thể sẽ đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, khoản vay ngân hàng đầu tư dự án trở thành nợ xấu”.

Phân tích vấn đề này có thể thấy, phương án di dời trạm thu phí BOT T2 sẽ xảy ra xung đột lợi ích với nhà đầu tư BOT. Bởi trước đó, điều hiển nhiên là hợp đồng giữa nhà đầu tư ký với các đơn vị thuộc Bộ GTVT đã xác định khu vực nào sẽ trạm thu phí và điều này cũng được các cơ quan tham mưu nhất trí. Vì vậy, việc di dời trạm sẽ dẫn tới việc sai hợp đồng.

Chính vì thế, trách nhiệm chính trong xử lý vụ việc này là Bộ GTVT và nhà đầu tư. Bởi lẽ, các bên liên quan khi đề xuất dự án đã không tính đến những bức xúc của người dân khi thông cầu Vàm Cống để có những dự báo và phương án giải quyết. Trong đó, nếu các bên đều đặt lợi ích của người dân lên trên hết thì sẽ giải quyết được vấn đề gây nhiều bức xúc này.

GSTS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ phân tích, Bộ GTVT đã không nghiên cứu kỹ về xung đột này nên đã hình thành những điểm thu phú không hợp lý, lỗi thuộc về phía Bộ GTVT.

Không chỉ trạm BOT T2 mà vài năm gần đây, trên một số tuyến quốc lộ ở khu vực ĐBSCL và các địa phương khác trong cả nước đã xuất hiện càng nhiều trạm thu phí giao thông theo hình thức đầu tư BOT. Đa số người dân đều nhận thức được trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia các loại hình hợp tác công – tư (PPP) để cung cấp dịch vụ công là hết sức cần thiết. Trong đó, nếu thực hiện nghiêm túc, phí BOT là nguồn vốn góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH ĐBSCL cũng như cả nước.

Tuy nhiên, có một số trạm đặt vị trí bất hợp lý như hiện nay tại ĐBSCL thì hệ thống cầu, đường thực hiện từ nguồn vốn này vô tình trở thành gánh nặng cho kinh tế xã hội của cả vùng ĐBSCL. Mặt khác, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của người dân trong khu vực dự án chưa hài hòa, đã dẫn đến xung đột lợi ích mà trạm BOT Cai Lậy-Tiền Giang đã diễn ra đến nay chưa có phương án giải quyết tốt nhất. Nay trạm thu phí T2 sau khi khánh thành cầu Vàm Cống cũng trong tình cảnh khó khăn như vậy.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nêu rõ, chính sự thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh trong các dự án BOT đã tạo cơ hội cho nhóm lợi ích.

“Cần giảm cái gọi là “phong trào BOT” cùng với đó là thực hiện công khai minh bạch, giám sát nghiêm túc, thứ nữa là phải đấu thầu công khai. Phải có sự giám sát của Quốc hội, HĐND cũng như các tổ chức quần chúng. Người dân phải có tiếng nói đối với trạm thu phí đặt ở đâu, ai đóng và ai không phải đóng”, TS. Lê Đăng Doanh chỉ rõ.

Hiện nay, đối với 2 phương án mà Bộ GTVT đưa ra đối với trạm BOT T2 vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Với phương án 1, nếu miễn giảm cho khu vực có thỏa thuận, dĩ nhiên sẽ thiếu sự công bằng đối với các địa phương khác ở xa khi đi đến khu vực này. Còn nếu thực hiện phương án 2 là di dời trạm thu phí BOT T2 cũng có nghĩa phá vỡ phương án tài chính của các chủ đầu tư.

Động thái này đã nêu rõ một thực tế là Bộ GTVT đã đặt chính quyền địa phương vào thế kẹt và không giữ đúng cam kết như ban đầu với nhà đầu tư. Sẽ có sự chọn lựa là ưu tiên lợi ích của nhà đầu tư hay lợi ích của cộng đồng mà đằng sau đó là lòng dân.

Còn trước sự việc đã rồi như hiện nay, người dân có quyền đặt câu hỏi về tinh thần trách nhiệm, tính minh bạch của những người thực thi trách nhiệm tổ chức triển khai các dự án BOT./.

Cùng loạt bài:

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Kịch bản” nào cho BOT T2 sau khi thông xe cầu Vàm Cống?
“Kịch bản” nào cho BOT T2 sau khi thông xe cầu Vàm Cống?

VOV.VN - Với trạm thu phí BOT T2, người dân rất “tâm tư”, bởi phần gốc của vấn đề vẫn là tính minh bạch và lẽ công bằng.

“Kịch bản” nào cho BOT T2 sau khi thông xe cầu Vàm Cống?

“Kịch bản” nào cho BOT T2 sau khi thông xe cầu Vàm Cống?

VOV.VN - Với trạm thu phí BOT T2, người dân rất “tâm tư”, bởi phần gốc của vấn đề vẫn là tính minh bạch và lẽ công bằng.

Nhiều tài xế bức xúc phản đối trạm thu phí BOT T2 đặt bất hợp lý
Nhiều tài xế bức xúc phản đối trạm thu phí BOT T2 đặt bất hợp lý

VOV.VN - Các tài xế cho rằng họ chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT T2 để đi lên cầu Vàm Cống hoặc Kiên Giang nhưng phải trả phí toàn tuyến là bất hợp lý.

Nhiều tài xế bức xúc phản đối trạm thu phí BOT T2 đặt bất hợp lý

Nhiều tài xế bức xúc phản đối trạm thu phí BOT T2 đặt bất hợp lý

VOV.VN - Các tài xế cho rằng họ chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT T2 để đi lên cầu Vàm Cống hoặc Kiên Giang nhưng phải trả phí toàn tuyến là bất hợp lý.

UBND tỉnh An Giang kiến nghị vấn đề liên đến trạm thu phí BOT T2
UBND tỉnh An Giang kiến nghị vấn đề liên đến trạm thu phí BOT T2

VOV.VN - UBND tỉnh An Giang vừa có công văn gửi Bộ GTVT kiến nghị một số nội dung liên quan đến trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91 gây bức xúc trong dư luận.

UBND tỉnh An Giang kiến nghị vấn đề liên đến trạm thu phí BOT T2

UBND tỉnh An Giang kiến nghị vấn đề liên đến trạm thu phí BOT T2

VOV.VN - UBND tỉnh An Giang vừa có công văn gửi Bộ GTVT kiến nghị một số nội dung liên quan đến trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91 gây bức xúc trong dư luận.