Thu phí tự động không dừng ETC “tậm tịt”, tài xế thất vọng
VOV.VN - Hệ thống thu phí tự động không dừng ETC đang hoạt động thường xuyên “tậm tịt”, phát sinh lỗi mới khiến nhiều lái xe phàn nàn “mua bực vào người” khi dùng dịch vụ.
Từ ngày 1/1/2021, cả nước có 111 trạm BOT lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Trong đó, Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp dịch vụ ETC cho 35 trạm, Công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động (VECT) cung cấp cho 76 trạm BOT.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, hệ thống thu phí tự động liên tục phát sinh các lỗi. Đặc biệt, thời gian vừa qua một số xe dán thẻ thu phí tự động không dừng đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Hải Phòng, Bắc Giang-Lạng Sơn...liên tục gặp tình trạng không giao dịch được thanh toán thu phí không dừng.
Các lỗi xảy ra như xe qua trạm thu phí đầu vào được nhưng đến trạm đầu ra lại không giao dịch được do không có dữ liệu, không thấy trên hệ thống, xe đi vào làn ETC, bị trừ tiền tài khoản rồi nhưng barie không mở, lái xe một là phải móc ví trả tiền mặt, hai là phải lùi xe sang làn thu phí thủ công.
Một số xe dán thẻ thu phí tự động không dừng đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc đã gặp tình trạng không giao dịch được thanh toán thu phí không dừng...
Xe dán thẻ còn tiền, bị trừ tiền nhưng không qua được trạm BOT
Theo phản ánh của anh Trần Văn Huy, vừa qua khi đi qua trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (qua làn thu phí không dừng) nhưng đến điểm soát vé Liêm Tuyền, máy không đọc được. Khi anh Huy thắc mắc là đã dán thẻ thu phí không dừng nhưng nhân viên bảo là do lỗi hệ thống và lùi sang đi vào làn thu phí thủ công.
Để tránh ảnh hưởng cho những người đi sau và không mất thời gian, anh Huy đã phải dùng tiền mặt để mua vé lượt. Anh Huy cho rằng, nếu hệ thống báo lỗi và cứ tình trạng như thế này thì rất phiền. Nếu không sớm khắc phục thì sẽ rất bất tiện với người sử dụng dịch vụ.
“Chúng tôi thực hiện đúng chủ trương của nhà nước là thu phí không dừng để tránh mất thời gian, tiết kiệm chi phí, nhưng giờ lại mất nhiều thời gian hơn, nhiều lúc phát cáu lên vì tài khoản bị trừ tiền mà barie không mở, nhân viên thu phí nhất quyết không cho xe qua”, anh Nam bày tỏ.
Mới đây nhất, ngày 13/3, một lái xe lưu thông trên tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã rất bức xúc chia sẻ trên mạng xã hội Facebook rằng, xe anh đã dán thẻ ePass, khi đi qua làn ETC tiền đã trừ, nhưng barie không mở cho xe đi qua, gọi nhân viên trạm thu phí, anh chỉ nhận được lời giải thích, việc này do các đơn vị lắp đặt và vận hành thu phí tự động chưa kết nối liên thông. Nên yêu cầu anh phải lùi xe sang làn thu phí thủ công để trả tiền mặt.
“ePass hôm nay lại gặp lỗi trên cao tốc Hà Nội- Bắc Giang. Mặc dù xe em đã bị trừ tiền nhưng barie không mở, sau khi đòi tiền mặt không được thì nhận viên trạm thu phí lại “dí” em lùi lại, tiến lên lần nữa trừ tiền lần 2 thì xe được đi qua. Gọi hotline Viettet thì không thể nào kết nối được với tổng đài. Vậy các bác cho em hỏi trường hợp này em có được hoàn tiền không?”, tài xế này than phiền trên mạng xã hội.
Thường xuyên lưu thông trên các tuyến đường ra vào cửa ngõ Thủ đô, anh Nguyễn Quang phản ánh, xe của anh đã dán thẻ thu phí không dừng ePass (của Công ty VDTC) nhưng nhiều lần lưu thông trên cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình đều bị nhân viên báo là lỗi thẻ, không nhận dạng được thẻ và bắt trả bằng tiền mặt.
Đơn cử, vào ngày 9/3 vừa qua, anh Trung cho phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này thì nhân viên trạm BOT nói, hệ thống không nhận dạng được thẻ ePass của xe, không có dữ liệu, mặc dù trong tài khoản ví Viettel Pay vẫn còn 121.000 đồng. Sau đó, nhân viên bắt anh mua vé thủ công và thanh toán bằng tiền mặt.
“Xe đã dán thẻ theo đúng chủ trương kêu gọi của Bộ GTVT để đi vào làn thu phí không dừng mà phải dừng lại để mua vé thủ công, trả tiền mặt rất mất thời gian, khiến các phương tiện đi sau phải dừng chờ”, anh Quang bức xúc.
Sau khi nhiều tài xế chia sẻ hệ thống thu phí tự động ePass của Viettel liên tục gặp lỗi, “không nhanh hơn thu phí thủ công”, “mua bực vào người”... Rất nhiều lái xe cho rằng, tạm thời không dùng trả phí tự động không dùng nữa.
Quản lý vận hành trạm cũng “bất lực”, chưa có giải pháp khác
Là đơn vị sử dụng công nghệ của VETC trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, ông Uông Huy Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) thừa nhận, đơn vị có ghi nhận tình trạng một số lái xe dán thẻ ePass của VDTC nhưng khi qua trạm không nhận diện được, không có dữ liệu và buộc lái xe phải trả bằng tiền mặt.
“Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, đơn vị đã ghi nhận nhiều phản ánh về việc này, VEC O&M cũng đã có văn bản gửi Công ty VETC yêu cầu khắc phục lỗi kết nối giữa các bên nhưng đến nay chưa được triển khai”, ông Hoàng nói.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống thu phí ETC đã liên thông giữa hai thẻ Epass và Etag. Tuy nhiên, việc trục trặc của các tài khoản Epass khi lưu thông qua các trạm BOT sử dụng công nghệ của VETC đã xảy ra từ trước Tết Nguyên đán cho đến nay.
Lập tổ kiểm tra để xử lý lỗi phát sinh
Trước nhiều lỗi phát sinh của hệ thống thu phí tự động không dừng ETC, Bộ GTVT đã thành lập hai tổ công tác kiểm tra việc vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại các trạm thu phí trên cả nước.
Hai tổ này có nhiệm vụ kiểm tra cụ thể tình hình quản lý, vận hành hệ thống ETC tại các trạm thu phí trên cả nước, bao gồm các trạm do địa phương quản lý.
Trong đó, Bộ GTVT lưu ý hai tổ kiểm tra cần đánh giá kỹ các tồn tại, bất cập phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống ETC thời gian qua. Sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ ETC với nhau và với nhà đầu tư BOT trong tổ chức thu phí; kết nối liên thông giữa hai hệ thống trung tâm dữ liệu thu phí ETC; công tác dán thẻ, phân luồng, hệ thống thông tin biển báo liên quan đến thu phí ETC tại các trạm thu phí...
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, về mặt kỹ thuật hệ thống thu phí tự động không dừng đã vận hành ổn định. Tuy nhiên về mặt vận hành, đối với các trạm thu phí mới đưa vào vận hành vẫn còn một số lỗi như quy trình dán thẻ chưa tốt nên đã dán thẻ sau kính chống chói nên khi xe qua trạm không đọc được tín hiệu; lái xe đi qua trạm chưa biết trạm đã vận hành ETC nên vẫn trả tiền mặt, nhân viên vẫn thu phí dẫn đến thu phí 2 lần…
Hơn nữa, theo ông Thắng, các trạm thu phí kín có quy trình nghiệp vụ phức tạp, được vận hành, kết nối bởi nhiều đơn vị nên còn phát sinh lỗi nghiệp vụ, vận hành.
“Đối với các lỗi kỹ thuật Tổng cục Đường bộ đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để xác định nguyên nhân lỗi và khắc phục ngày trong vòng 6-24 giờ. Đối với các lỗi vận hành, Tổng cục đã chỉ đạo bộ phận giám sát hậu kiểm của nhà cung cấp dịch vụ xác định lỗi, hướng dẫn nhân viên quy trình khắc phục hoàn trả tiền cho chủ xe nếu thu nhầm, bộ phận chăm sóc khách hàng liên hệ với chủ xe để giải thích”, ông Thắng cho hay.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ đang giao cho VDTC làm đơn vị chủ trì, phối hợp với VETC xây dựng quy chế phối hợp, vận hành hệ thống ETC trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia vào công tác vận hành hệ thống ETC, cũng như xác định rõ quy trình xử lý các vấn đề khi phát sinh lỗi trong quá trình vận hành.
“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang yêu cầu các bên gồm VETC, VDTC, các nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án vận hành hợp lý, tránh gây bức xúc kéo dài cho khách hàng nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý”, ông Thắng nói./.