Thứ trưởng Nội vụ: Đánh giá cán bộ tránh sự nể nang, dĩ hòa vi quý
VOV.VN - Việc đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính nhà nước chưa phân biệt được người làm tốt, người chưa tốt
Sáng 3/12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính nhà nước: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam.
Tại hội thảo các đại biểu khẳng định: Luật Cán bộ công chức năm 2008 đã quy định căn cứ, nội dung đánh giá, quy định trách nhiệm đánh giá thuộc về người đứng đầu cơ quan tổ chức sử dụng công chức viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá, phân loại cán bộ công chức chưa phản ánh đúng thực chất kết quả thực thi nhiệm vụ, việc chấp hành kỷ luật, phối hợp công tác…
Trong thực tiễn các bộ, ngành địa phương đánh giá cán bộ công chức cũng chưa đạt được mong muốn, chưa phân biệt được người làm tốt, người chưa tốt. Do đó, trách nhiệm thẩm quyền đánh giá công chức viên chức thuộc về người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị. Bên cạnh đó cần thực hiện nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ Nghị định về đánh giá, phân loại cán bộ công chức, viên chức: “Tiêu chí đánh giá tạo điều kiện tránh sự nể nang, dĩ hòa vi qúy. Trong Dự thảo Nghị định này chúng tôi cũng đưa ra những tiêu chí những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải đạt tiêu chí gì, bên cạnh đó đưa ra hàng loạt hệ thống tiêu chí để xác định những người không làm được việc, hạn chế về năng lực hoặc lười biếng, không chấp hành kỷ luật tốt. Cứ bị 1 tiêu chí trong số các tiêu chí đó thì xác định đó là người không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy là công cụ giúp người đứng đầu thực hiện tốt đánh giá”.
Cũng tại hội thảo, ông Jairo Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách về Cải cách hành chính và Chống tham nhũng, UNDP cho rằng: Ngay từ khi tuyển dụng để lựa chọn người xứng đáng, việc đánh giá đúng, tốt mới bố trí, sử dụng được đúng người, đúng việc, từ đó mới có thể làm tốt công tác khen thưởng và xử lý vi phạm. Đó chính là động lực giúp công chức, viên chức hăng hái làm việc, tận tụy với công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ./.