(VOV) -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong buổi đối thoại với thanh niên.
Thủ tướng mong mọi công dân, đồng bào, sinh viên đang học tập ở nước ngoài cùng chia sẻ với Tổ quốc. Tuy đã đạt được những thành tựu to lớn, đã vượt qua tình trạng kém phát triển, đứng vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội. “Rất mong mọi người chia sẻ khó khăn của đất nước để về nước góp phần xây dựng, phát triển đất nước”, Thủ tướng nói.
“Trường hợp của GS Ngô Bảo Châu là ví dụ, Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi. Mặt khác, cũng cần có sự chia sẻ với đất nước. GS Ngô Bảo Châu có nói với tôi, lương ở Việt Nam kém xa với các trường đại học các nước. Tuy nhiên, GS Châu mỗi năm về nước làm việc tận tâm 3 tháng. Điều đó rất đáng ghi nhận. Cả hai bên cùng chia sẻ để chúng ta có thể cống hiến ở trong nước”, Thủ tướng chia sẻ.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Nói về vai trò của Đoàn trong việc thu hút lưu học sinh về làm việc trong nước, trong cuộc họp báo sau Đại hội, ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, Đoàn thường xuyên tổ chức đối thoại, giao lưu giữa Chính phủ, Bộ ngành với học sinh sinh viên. Thông qua những cuộc đối thoại này, cơ quan chức năng có thể nghe thấy nguyện vọng và tâm tư của những lưu học sinh đang du học ở nước ngoài.
Từng là du học sinh, nên ông Vinh cho biết, ông thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư của những người xa Tổ quốc. Sinh viên học sinh rất thiếu thông tin, họ luôn nghĩ đất nước mình lạc hậu như những thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước. Những người có điều kiện về thăm quê hương thì mới có thể thấy được sự phát triển của đất nước. Trong giai đoạn phát triển của khoa học công nghệ và truyền thông hiện nay, chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng hơn để những lưu học sinh, kiều bào thấy được sự thay đổi của đất nước. Đây cũng chính là để mỗi người vun đắp thêm tình yêu của mình với đất nước.
“Làm việc ở trong nước sẽ khó hơn so với các nước phát triển. Mình là người Việt Nam thì mình phải cống hiến cho đất nước Việt Nam. Chính trong điều kiện khó khăn như thế, làm gì được cho đất nước thì đó mới điều quan trọng”.
Để nhà khoa học trẻ sống được bằng lương
Chính sách đối với những người nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề được nhiều đoàn viên thanh niên quan tâm. Nhiều câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh hiện tượng chảy máu chất xám.
Vấn đề chảy máu chất xám, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân thừa nhận, đó là một thực tế đang diễn ra khi chất xám chảy từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân, từ Nhà nước ra khu vực liên doanh nước ngoài.
Nhiều sinh viên học tập ở nước ngoài không muốn về nước. Thu nhập người làm khoa học rất thấp so với mong muốn của nhiều bạn trẻ.
![]() |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 20 Khoa học công nghệ. Theo đó, Bộ Khoa học công nghệ phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng chính sách ưu đãi với những khoa học trẻ có nhiều đóng góp cho đất nước. “Với chính sách này, các khoa học trẻ sống được bằng lương làm công nghệ”, Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.
Làm sao công nghệ có nhiều kinh phí, nguồn lực, sử dụng hiệu quả nhất, Bộ trưởng Quân cho biết, Chính phủ giao quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học và họ có quyền chuyển giao cho các doanh nghiệp thông qua đó họ có thể sống được bằng sáng kiến của mình.
Chính phủ cũng đã phê duyệt xây dựng 30 vườn ươm công nghệ, đây là những cơ sở được đầu tư tốt, có điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ có thể ươm tạm, phát triển nghiên cứu của mình.
Bộ Khoa học công nghệ cũng sẽ cùng với các Bộ ngành có chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học được đào tạo ở nước ngoài khi về nước làm việc có những điều kiện làm việc và ưu đãi lớn nhất.
“Nghị quyết Trung ương 6 đã đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng tôi nhấn mạnh rằng Đảng, Nhà nước đã định hướng sẽ đổi mới cơ chế tài chính và phương thức đầu tư đối với khoa học công nghệ để có được nhiều vốn, nhiều nguồn lực hơn, có cơ chế sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực này.
Tôi hy vọng với những giải pháp đồng bộ, chắc chắn trong thời gian tới, điều kiện nghiên cứu khoa học, công nghệ Việt Nam sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu chính đáng của các bạn trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn tiếp tục nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn cho đất nước”, Bộ trưởng Quân nhấn mạnh trong câu kết thúc đối thoại của mình với thanh niên./.