Thực phẩm “sạch” và “bẩn”: Cần một cơ chế thông tin chính xác

Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề rất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người. Trước những thông tin trái chiều, người tiêu dùng hiện nay có tâm lý hoang mang khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình.

Từ thực tế thực phẩm bẩn

Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều phản ảnh có thật như: sữa nhiễm melamine gây ảnh hưởng xấu đến thể chất trẻ em, thậm chí chết người; Các vụ việc dầu, mỡ bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đang được tiêu thụ.

Cuối năm 2009, công an các địa phương liên tiếp phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở chế biến dầu, mỡ bẩn. Ngày 2/12, Công an TP Hà Nội đã phát hiện 2 cơ sở tại La Phù, Hoài Đức, Hà Nội chuyên mua dầu, mỡ “bẩn”, sau đó “tái chế” để đem đi tiêu thụ với số lượng lượng lớn, trong một thời gian dài. Ngày 4/12, phát hiện thêm một cơ sở tại Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội, phát hiện và lập biên bản 26 tấn mỡ thối đang trong quá trình đóng gói.

Ngày 14/12, tại Đồng Nai, Công an TP Biên Hòa phát hiện một cơ sở chế biến mỡ bẩn tại phường Tam Hiệp đang tàng trữ và chế biến hàng chục tấn lòng, mỡ động vật đã bốc mùi.

Ngày 18/12, Công an, Phòng Cảnh sát môi trường, đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội TP Huế (Thừa Thiên Huế), cũng đã bất ngờ kiểm tra 2 cơ sở chế biến da và mỡ lợn không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và bản cam kết về bảo vệ môi trường tại thành phố này. 


                                                                      Chiên ngô bằng mỡ bẩn

Đến những tin đồn thất thiệt

Gần đây, cư dân mạng và trên tin nhắn điện thoại rộ lên thông tin về chuyện hoa quả xuất xứ Trung Quốc gây phá huỷ nội tạng, nhất là táo, cam, lê, quýt, nho… Trao đổi với phóng viên VOVNews, Bác sĩ “điện toán” Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa Medic cho biết, đây là thông tin của một bộ phận dân chúng với tâm lý “chống hàng hoá Trung Quốc”, gây hoang mang dư luận. Không có cơ sở để khẳng định các sản phẩm hoa quả, thực phẩm của Trung Quốc chứa chất bảo quản gây phá huỷ nội tạng. Thực ra những hoá chất trên chỉ là những dung dịch chống thối, làm chậm quá trình lão hoá của củ quả, giữ tươi lâu và màu sắc bắt mắt. Nếu người dân dùng nhiều loại củ quả có tẩm hoá chất sẽ gây nguy hiểm cho gan, thậm chí có thể gây ung thư…

Bên cạnh đó, cũng có những tin đồn không đúng sự thật như dùng thuốc kích thích cho rau mau lớn, hạt dưa có chất gây ung thư… Các cơ quan quản lý, các nhà khoa học đã vào cuộc kiểm tra thực nghiệm và xác nhận, những thông tin đó là không đúng sự thật, không có căn cứ khoa học.

Một thời đã có những thông tin về trứng gà Trung Quốc được “tẩy trắng”, trông giống trứng gà ta. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết: “Lực lượng quản lý thị trường hiện chưa phát hiện thấy cơ sở nào gia công, "tẩy trắng" trứng mà chủ yếu là trứng gia cầm không có hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch”.

Cần thông tin xác thực cho người tiêu dùng

Theo các chuyên gia về y học và dinh dưỡng, những thông tin cảnh báo về VSATTP hiện nay có mặt tích cực là người dân nâng cao ý thức cảnh giác với vấn đề ATTP, mặt khác cũng gây nên mối lo sợ không cần thiết. Do đó, người tiêu dùng cần phân biệt những thông tin nào chính thống, đáng tin cậy và không đáng tin cậy, căn cứ vào nguồn gốc thông tin để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Ăn uống là vấn đề sinh hoạt hàng ngày của mọi người, mọi gia đình. Việc giữ gìn vệ sinh thực phẩm không khó khi ta tuân thủ đúng các phương pháp vệ sinh thông thường như ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ để tránh nhiễm trùng đường ruột…

Đối với thực phẩm chế biến sẵn cần xem xuất xứ, hạn dùng. Các nhà sản xuất có tên tuổi thường bảo vệ uy tín của mình nên không cho ra các sản phẩm có hại. Những hàng quán nhỏ, vỉa hè thường thiếu vệ sinh và sử dụng các loại sản phẩm rẻ tiền để chế biến nên có nguy cơ gây ngộ độc cao.  Đối với hoa quả, người dân nên dùng các loại hoa quả tự sản xuất hoặc biết rõ nguồn gốc. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nhiều màu sắc do pha trộn màu công nghiệp.

Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn uống phù hợp. Việc ăn uống quá độ, dù là thực phẩm an toàn, cũng dẫn đến những tác hại cho sức khoẻ. Ví dụ ăn nhiều mỡ béo có thể tăng cholesterol, ăn nhiều thịt cá, uống bia… làm tăng bệnh gout.

Trách nhiệm giám sát thông tin cần được cơ quan chức năng của Bộ Y tế xác minh và thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông chính thống để người dân hiểu. Hiện nay, vấn đề giám sát thông tin an toàn thực phẩm vẫn chưa được cơ quan quản lý coi trọng và phản ứng kịp thời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên