Thực tế quan hệ đồng giới ở Việt Nam

(VOV) - Người đồng tính gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ lâu dài, do không được pháp luật thừa nhận.

Sáng 14/5, tại khách sạn Pullman, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã tổ chức Hội thảo “Quan hệ cùng giới ở Việt Nam” với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Y tế… cùng cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).

Trên cơ sở nghiên cứu quan hệ đồng giới 2.500 người và 20 cặp đôi ở Việt Nam từ cuối năm 2012 - đầu năm 2013, Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam, Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Y tế đã chia sẻ những thông tin quan trọng về thực trạng và bản chất mối quan hệ đồng giới ở Việt Nam.

Cam kết và kỳ vọng

Mặc dù còn ít người biết đến, và sự quan tâm của cộng đồng nói chung còn hạn chế, song quan hệ tình cảm và cách tổ chức cuộc sống thành gia đình của những người cùng giới ở Việt Nam hiện đang tồn tại khá phổ biến trong các nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam chia sẻ những thông tin quan trọng về thực trạng và bản chất mối quan hệ đồng giới ở Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam cho biết: theo kết quả nghiên cứu những người đồng tính ở lứa tuổi kết hôn trung bình hiện nay, phần lớn số người được hỏi xác định lý do, mục tiêu của cuộc sống chung rất cụ thể. 87% cho rằng sống chung để hỗ trợ lẫn nhau về tình cảm, tạo cảm giác cuộc sống an toàn, thể hiện tình yêu và sự cam kết chung thủy với nhau trong cuộc sống. Những người quyết định sống chung đều có quan niệm rất rõ ràng về sự gắn bó lâu dài và thể hiện mong muốn gìn giữ mối quan hệ này. Việc đi đến cuộc sống chung đối với mỗi cặp đôi đều không phải là một quyết định chóng vánh mà dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Giống như các cặp đôi dị tính, người đồng tính, song tính và chuyển giới  bắt đầu cuộc sống chung với cam kết chung thủy, hỗ trợ lẫn nhau và ước vọng hạnh phúc lâu dài. Họ duy trì cuộc sống chung bằng cách chia sẻ gánh nặng kinh tế, trách nhiệm với gia đình hai bên và điều chỉnh bản thân để đạt được sự hòa hợp.

Những người trong cộng đồng LGBT trong nghiên cứu đều cho rằng sống chung là sự chia sẻ, nhường nhịn và tự thay đổi để bản thân hòa hợp với cuộc sống chung. Đặc biệt khi họ nhận thấy rằng mối quan hệ đồng giới khó tìm và khó bền vững.

Nảy sinh khó khăn từ cuộc sống chung

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam, cuộc sống chung của những người cùng giới hiện nay đang tồn tại và phổ biến trong tất cả các nhóm đồng tính. Hầu hết họ tự sắp xếp cuộc sống chung về tài chính, nhà cửa, sinh hoạt hàng ngày… Tuy nhiên, khi sống chung, những người đồng tính vẫn phải trải nghiệm nhiều khó khăn trong cuộc sống chung và tình yêu.

Những người đồng tính vẫn phải trải nghiệm nhiều khó khăn trong cuộc sống chung và tình yêu

Những khó khăn này đến từ phía gia đình, sự kỳ thị của xã hội và sự không công nhận của pháp luật.

Khác với những người dị tính, các cặp đôi cùng giới hầu hết không dám bộc lộ bản chất mối quan hệ với gia đình. Tiến sĩ Thu Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu thái độ của cha mẹ, họ hàng đối với quan hệ đồng giới từ những người đã cho gia đình biết, hoặc úp mở về quan hệ đồng giới thì 46,3% cho biết tình cảm đó không được sự chấp nhận của họ hàng. Và thậm chí, 16,8% người đồng giới đã từng bị gia đình và họ hàng đe dọa nhằm chấm dứt mối quan hệ đó.

Họ cũng thường bế tắc khi nghĩ đến chuyện có con dù đó là mong muốn trong sâu thẳm, bởi môi trường xã hội, định kiến không đồng tình các cặp đồng tính sinh/ nhận con và nuôi dưỡng con. Ông Bùi Minh Hồng, vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: “Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc nhận nuôi con nuôi được thừa nhận đối với một cá nhân. Nếu như hai người là cha mẹ nuôi của đứa trẻ, thì hai người phải là vợ chồng. Trong bối cảnh hiện nay, khi quyền kết hôn đồng giới chưa được thừa nhận trong luật thì chúng ta hiểu rằng, khi họ sống với nhau, nhu cầu nhận con nuôi sẽ không được pháp luật công nhận”.

Cặp đồng tính nữ Yến và Hương đã chung sống với nhau được gần 2 năm

Và những người chung sống đồng giới gặp nhiều khó khăn gấp bội trong việc duy trì mối quan hệ lâu dài, do không được pháp luật thừa nhận (đồng nghĩa với việc không có sự ràng buộc về mặt luật pháp), do không được hỗ trợ về tâm lý khi nảy sinh mâu thuẫn (do phải giấu giếm mọi người xung quanh) và do sự phản đối của gia đình.

Hầu hết những người đồng tính, song tính và chuyển giới mong muốn pháp luật công nhận hôn nhân cùng giới. Sự thừa nhận của pháp luật sẽ cho phép họ chung sống công khai, được đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trong mối quan hệ và đẩy lùi một cách cơ bản những định kiến, kỳ thị của xã hội, tạo điều kiện cho họ sống tốt và cống hiến cho xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên