Thuốc diệt cỏ - “sát thủ” vùng Tây Bắc
VOV.VN - Thực tế ở vùng cao Tây Bắc hiện nay, việc mua bán, sử dụng thuốc diệt cỏ đang diễn ra tràn lan, tùy tiện, với những hậu quả hết sức đau lòng.
Việc sử dụng thuốc diệt cỏ cho sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Tây Bắc bắt đầu từ những năm 2000. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp là việc làm cần thiết để bảo vệ mùa màng. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều loại thuốc diệt cỏ, trong đó thuốc diệt cỏ cháy có chứa chất paraquat và 2.4D được các nhà khoa học cảnh báo có hợp chất chứa độc tố độc hại tương tự chất độc hoá học dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam trước kia, được cảnh báo “cấm” sử dụng.
Cấp cứu trường hợp dùng thuốc diệt cỏ tự tử.
Theo qui định hiện hành, thuốc diệt cỏ là loại hàng hoá nằm trong danh mục kinh doanh “có điều kiện” được quản lý chặt và việc sử dụng phải tuân theo qui trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực tế ở vùng cao Tây Bắc hiện nay, việc mua bán, sử dụng thuốc diệt cỏ đang diễn ra tràn lan, tùy tiện, với những hậu quả hết sức đau lòng. Chỉ tính riêng việc người dân dùng thuốc diệt cỏ để hãm hại nhau, hoặc tự tử, mỗi năm, trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc cũng có tới hàng trăm người chết. Việc kinh doanh và sử dụng tùy tiện thuốc diệt cỏ đã và đang dẫn đến hệ lụy: hủy hoại sức khỏe con người, hủy hoại môi trường, và hủy hoại thế hệ tương lai.
Căn nhà gỗ đơn sơ của gia đình anh Lò Văn Thót, ở bản Nậm Há 2, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu hơn ba tháng nay vắng tiếng cười kể từ khi vợ anh là chị Lù Thị Thơm tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Vắng mẹ, hai đứa con, đứa lớn 6 tuổi, đứa bé 3 tuổi, phải tự trông nhau để bố đi làm và bữa cơm thường ngày phải nhờ vào hàng xóm, bữa đói, bữa no.
Nhớ lại cái ngày định mệnh, nước mắt lại ứa ra trên khuôn mặt khắc khổ, sạm nắng của anh Lò Văn Thót: “Lần nào phun thuốc xong, còn thừa tôi đều bỏ vào túi để góc nhà. Cứ nghĩ thuốc diệt cỏ chỉ để phun cho đồng ruộng thôi nên khi phun thừa tôi cất đi để vụ sau dùng tiếp. Đâu ngờ vợ nó lấy thuốc đó uống để rời bỏ chồng con đi. Giờ ba bố con phải tự nuôi nhau thôi chứ biết làm thế nào...”.
Một trường hợp đáng buồn khác, là vợ chồng anh Giàng Thánh Giống, sinh năm 1986 và chị Hạng Thị Của, sinh năm 1983, trú tại bản Huổi Toóng 1, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, vợ chồng anh đã pha 7 gói thuốc trừ cỏ AlyAlyalc 200WG hoạt chất Metsulfuron Methyl 20% (w/w) mua từ hôm trước ra uống. May mà 10 phút sau, bà Mùa Thị Pài là mẹ đẻ anh Giống phát hiện các con mình đang trong tình trạng hôn mê nên gọi điện liên lạc với Trạm y tế xã Huổi Lèng cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời nên 2 vợ chồng đã thoát án tử. Giờ sức khỏe vẫn trong tình trạng rất yếu. Chỉ tích tắc, 3 đứa trẻ nhỏ, đứa ít tuổi nhất là 15 tháng thoát cảnh mồ côi cả bố lẫn mẹ vì thuốc diệt cỏ.
Anh Tráng A Lồng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên nói: “Hôm đó tôi gọi những người trực cùng tôi cầm túi cấp cứu xuống. Qua đánh giá tình trạng bệnh nhân rất khẩn cấp, các dấu hiện sinh tồn không còn rất nguy hiểm nên tiến hành truyền và xử trí cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân rồi gọi cấp cứu từ trung tâm lên”.
Gần 2 năm sau ngày mẹ uống thuốc diệt cỏ để quyên sinh, bố bỏ đi biệt tăm, hai cậu bé Bàn Xuân Cải (10 tuổi), Triệu Quang Tiến (6 tuổi) ở thôn Khe Rồng, xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái phải nương dựa vào bà ngoại đã ngoài 85 tuổi để sống. 3 bà cháu mỗi tháng chỉ có 270 nghìn tiền nhà nước trợ cấp để mua gạo sống lay lắt qua ngày. Ngoài giờ học, hai cậu bé hái rau quanh đồi để nấu với muối trắng ăn cho trôi cơm. Hôm nào may mắn ra khe Rồng bắt được con cá, con tôm thì bữa cơm mới tươm tất hơn... Nhìn hoàn cảnh ba bà cháu, xóm giềng thương lắm, nhưng ai cũng khó khăn nên không giúp được gì nhiều.
Các chị phụ nữ trong thôn cho biết: “Bà Hoàng Thị Dé thương 2 cháu đang tuổi ăn tuổi lớn mà chẳng làm sao được, bà chỉ biết nhường căn nhà chật chội cho các cháu ngủ ngon giấc, còn bà ở chiếc lán dựng tạm cũ nát bên cạnh.
Vừa tắm cho em, vừa tranh thủ dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, cậu bé Bàn Xuân Cải nói: “Mẹ mất rồi không làm được gì cho 2 anh em và bà ăn nữa. Mẹ mất rồi, 2 anh em bảo nhau phải cố gắng. Cháu thì chỉ muốn có cơm ăn, áo mặc, muốn có sách vở đi học như các bạn”.
Với người dân vùng cao Lai Châu, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thuốc sâu, thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp để bảo vệ mùa màng những năm gầy đây phổ biến hơn. Tuy nhiên, do ý thức sử dụng, bảo quản dễ dàng nên những vụ ngộ độc xảy ra ngày càng nhiều. Nạn nhân người lớn có, trẻ em có, vô tình sử dụng có và cố ý dùng để tự tử cũng có. Do phong tục tập quán, đặc thù địa lý cách trở, xa các cơ sở y tế, đồng bào các dân tộc địa phương thường dùng cách chữa trị truyền thống cho uống thuốc lá cây rừng, một số trường hợp khi đưa được nạn nhân đến trạm y tế xã hoặc cơ sở y tế tuyến trên thì đã quá muộn.
Ông Bùi Tiến Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết: Trong y học, các loại thuốc có thể gây ngộ độc, chết người đều được bán theo đơn, dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, với thuốc bảo vệ thực vật, ai cũng biết độc tố quá cao, nhưng việc mua bán, sử dụng và quản lý lại quá dễ dàng. Khi sử dụng trên cây trồng, do nhận thức của bà con không đầy đủ nên liều lượng phun, cách ly khi thu hoạch không đảm bảo.
Đó cũng là nguyên nhân từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận gần 40 ca ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật: “Tình hình ngộ độc hiện nay đang gia tăng, đặc biệt là việc phun tẩm thuốc bảo vệ thực vật thiếu hiểu biết hoặc là cố tính người ta đưa vào.
Thuốc bảo vệ thực vật hiện nay trôi nổi rất nhiều trên thị trường, người dân tự đi mua rất là dễ, có thể mua ở chợ, mua ở quán, mua ở cửa hàng. Người dân trong quá trình ăn phải nhẹ có thể cứu chữa được, nếu như liều lượng quá lớn ngộ độc có thể suy thận, suy gan và chết”.
Thạc sỹ Nguyễn Thế Dũng, Trưởng khoa Hồi sức – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: 90% ca ngộ độc thuốc diệt cỏ có chất Paraquat đều tử vong khi đến viện, số còn lại khó có khả năng phục hồi được đưa về địa phương cũng tử vong thời gian ngắn sau đó. Điều đáng lo ngại là trong 5 năm trở lại đây, xu hướng ngộ độc thuốc trừ cỏ tại Điện Biên đang có chiều hướng gia tăng, trung bình mỗi năm đều có từ 20 - 40 ca, riêng 8 tháng đầu năm 2017 đã tiếp nhận gần 30 ca. Cũng theo Thạc sỹ Nguyễn Thế Dũng, chất Paraquat trong thuốc diệt cỏ còn gây những di hại nguy hiểm cho các thế hệ tiếp theo nếu người ngộ độc qua cơn nguy kịch.
Được coi là chất cực độc, nhưng hiện nay việc mua bán, sử dụng thuốc diệt cỏ ở vùng cao Tây Bắc đang diễn ra một cách dễ dàng, công khai, với con số mỗi năm trên 500 tấn thuốc diệt cỏ được phun vào cỏ cây, đất đai và môi trường. Và thực tế là thuốc diệt cỏ không chỉ được dùng trong sản xuất nông nghiệp mà nhiều người dân còn biến loại thuốc này thành “sát thủ” hủy hoại mạng sống hàng trăm con người mỗi năm. Việc mua bán, sử dụng tùy tiện thuốc diệt cỏ đã và đang dẫn đến hệ lụy: hủy hoại sức khỏe con người và hủy hoại môi trường sống, hủy hoại thế hệ tương lai./.