Thưởng Tết tại nhiều địa phương giảm so với những năm trước

VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tại nhiều địa phương sẽ giảm, một số doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có báo cáo thưởng Tết. 

Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện có nhiều địa phương đã báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nơi, mức thưởng Tết Nguyên đán năm Tân Sửu 2021 có xu hướng thấp hơn những năm trước.

Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các nước còn rất hạn chế. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp phải tạm hoãn, cắt giảm lao động. Theo đó, mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 tại Trà Vinh giảm, thưởng Tết cao nhất chỉ đạt 47,6 triệu đồng, thấp nhất là 0,5 triệu đồng. 

Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, 59/69 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán cho lao động. Mức thưởng bình quân chung của các doanh nghiệp đạt 5,75 triệu đồng/người, thấp hơn mức bình quân chung năm Canh Tý 2020 gần 18%.

Khảo sát tại TP HCM cũng cho thấy, tiền thưởng Tết Dương lịch bình quân đạt 3,4 triệu đồng/người, tương đương năm 2020. Tuy nhiên, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân là 8,8 triệu đồng, giảm 12% so với Tết Nguyên đán năm 2020.

Còn theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 4.500 doanh nghiệp với khoảng 75.000 người. Song cũng chỉ có hơn 200 doanh nghiệp thưởng Tết Dương lịch cho người lao động, hơn 300 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch. Mức thưởng Tết Nguyên đán dự kiến cao nhất là 46 triệu đồng và thấp nhất là 500.000 đồng.

Nhìn chung, mức thưởng này thấp hơn năm trước. Năm ngoái, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là 75 triệu đồng và thấp nhất là 483.000 đồng.
Tại Khánh Hòa, đến nay cũng mới chỉ có 1 nửa trong số 400 doanh nghiệp báo cáo về tình hình lương thưởng Tết với Sở LĐ-TB-XH. Mức thưởng bình quân cao nhất là 6,5 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng. Mức thưởng này cũng được nhận định là thấp hơn hẳn so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) đánh giá, qua tổng hợp sơ bộ từ hơn 30 báo cáo của các địa phương, nhận thấy mức lương bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, báo cáo đều ghi nhận các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu cho người lao động. 

Theo bà Tống Thị Minh, nguyên Cục trưởng Cục quan hệ lao động và Tiền lương, mức thưởng Tết năm 2021 khó tăng so với năm 2020, nhiều doanh nghiệp sẽ cố gắng giữ nguyên mức thưởng như năm 2020 hoặc giảm nhẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn sẽ có thưởng Tết để động viên, khuyến khích người lao động.

Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), thưởng Tết là khoản tiền không bắt buộc. Tiền thưởng của người sử dụng lao động căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng làm việc của lao động để động viên, khuyến khích, giữ chân người lao động. 

“Doanh nghiệp khó khăn, chắc chắn tiền thưởng sẽ khó khăn hơn bởi phải căn cứ vào hiệu quả lao động. Năm nay, dịch covid-19 tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp, mức thưởng sẽ khó khăn hơn. Thông thường, xu hướng chung là mức thưởng năm sau cao hơn năm trước, song chắc chắn năm nay sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, theo thống kê, hầu hết các doanh nghiệp duy trì được việc làm đều cam kết có thưởng Tết cho người lao động bằng 1 tháng tiền lương cơ bản.

Một số ít doanh nghiệp trong đại dịch có lợi thế như thương mại điện tử, dịch vụ lại hứa hẹn thưởng Tết vẫn ở mức cao. Đáng ngại nhất là những doanh nghiệp không có việc làm, việc làm không đầy đủ rất muốn có tiền thưởng nhưng vô cùng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang phải hoạt động theo kiểu “cầm hơi” để cố gắng trả lương Tết cho người lao động và cố gắng xoay sở để có khoản tiền thưởng mang tính  động viên”, ông Quảng cho hay.

Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hiện nay coi thưởng Tết là tất yếu, như một văn hóa, nên dù khó khăn vẫn tìm mọi cách để có thưởng cho lao động. Các cơ quan nhà nước, Tổng Liên đoàn cũng  đang huy động các nguồn lực để chăm lo cho người lao động. Ông Quảng cũng cho rằng, phải đặc biệt chăm lo cho những lao động không có việc làm hoặc việc làm không đầy đủ, đảm bảo tất cả lao động đều có Tết.

“Trong bối cảnh khó khăn, người lao động cũng cần tiết kiệm, chia sẻ với doanh nghiệp. Năm nay không thể kỳ vọng mức thưởng cao chung, nhưng nhiều doanh nghiệp đang rất cố gắng”, ông Lê Đình Quảng cho hay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm thưởng Tết cho lao động
Doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm thưởng Tết cho lao động

VOV.VN - Dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hầu hết doanh nghiệp đều cố gắng đảm bảo mức thưởng Tết cho người lao động.

Doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm thưởng Tết cho lao động

Doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm thưởng Tết cho lao động

VOV.VN - Dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hầu hết doanh nghiệp đều cố gắng đảm bảo mức thưởng Tết cho người lao động.

Thưởng Tết bằng hiện vật: Chia sẻ khó khăn hay cái cớ để doanh nghiệp đẩy hàng tồn
Thưởng Tết bằng hiện vật: Chia sẻ khó khăn hay cái cớ để doanh nghiệp đẩy hàng tồn

VOV.VN - Dù đến thời điểm này, báo cáo thưởng Tết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa công bố, nhưng mức thưởng cụ thể của từng địa phương đã dần được thông báo.

Thưởng Tết bằng hiện vật: Chia sẻ khó khăn hay cái cớ để doanh nghiệp đẩy hàng tồn

Thưởng Tết bằng hiện vật: Chia sẻ khó khăn hay cái cớ để doanh nghiệp đẩy hàng tồn

VOV.VN - Dù đến thời điểm này, báo cáo thưởng Tết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa công bố, nhưng mức thưởng cụ thể của từng địa phương đã dần được thông báo.