Thủy điện Sơn La - Cỗ máy khổng lồ gắn kết những người say nghề

VOV.VN - Vất vả, nguy hiểm tiềm ẩn và xa gia đình, nhưng điều gì vẫn giữ chân được những người trẻ gắn bó với Thủy điện Sơn La?

Chào đón chúng tôi trong chuyến thăm thủy điện Sơn La những ngày cuối năm vẫn là những tổ máy đang miệt mài hoạt động. Trong tiếng máy chạy ầm ầm là những kỹ sư, những công nhân đang chú tâm hết sức vào công việc. Trên gương mặt họ ánh lên niềm say nghề, với mong muốn gắn bó với công trình quan trọng của đất nước.

Thủy điện Sơn La.

Các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Diện mạo mới của vùng Tây Bắc

Thủy điện Sơn La thuộc loại công trình lớn nhất Đông Nam Á, đã cung cấp điện cho đất nước, khống chế dòng chảy, dứt điểm giải quyết lũ lụt cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng, lại chủ động dự trữ và cung ứng nước cho nông nghiệp, đồng bằng lúa Bắc Bộ.

Thủy điện Sơn La nằm trong chuỗi thủy điện sông Đà, từ Hòa Bình tới Sơn La và Lai Châu, tạo thành hành lang thủy điện bậc thang giữa việc xử lý tài nguyên nước một cách hợp lý nhất trong việc phát điện và giải quyết dứt điểm vấn đề trị thủy sông Đà, cung ứng nước cho vựa lúa phía Bắc.

Vận hành hai thủy điện Sơn La và Lai Châu hiện có khoảng 550 người, trong đó tại Lai Châu là 142 người. Thuỷ điện Sơn La thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý hai nhà máy này. Theo ông Khương Thế Anh, Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Sơn La, từ ngày có thuỷ điện, đời sống kinh tế-xã hội của người dân cả vùng Tây Bắc có nhiều thay đổi. Hàng năm Công ty Thủy điện Sơn La đóng góp ngân sách cho tỉnh Sơn La hàng ngàn tỷ đồng và cho tỉnh Lai Châu hàng trăm tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn để địa phương phát triển.

“Công trình thuỷ điện có ba mục đích chính. Thứ nhất là phát điện. Thứ hai là điều tiết mùa lũ và cấp nước cho mùa khô. Thứ ba là phát triển cả vùng Tây Bắc”, ông Khương Thế Anh khẳng định.

Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Sơn La, ông Khương Thế Anh  ngắm nhìn đập nước.

Thủy điện Sơn La về đích trước thời hạn ba năm và đến nay, khi đã đi vào hoạt động ổn định, thế hệ kỹ sư và công nhân trẻ tại đây đang viết tiếp câu chuyện về lòng say nghề, sáng tạo và sẵn sàng theo đuổi đam mê của mình.

Lứa kỹ sư đầu lên nhà máy thủy điện Sơn La từ năm 2007 và luôn mong muốn gắn bó lâu dài với nhà máy.

“Tôi đã công tác ở đây được 11 năm. Quãng thời gian này đã trả lời câu hỏi về mong muốn có gắn bó với nhà máy hay không. Thu nhập của anh em tại đây cũng tương đối tốt. Bên cạnh đó, công ty cũng tạo nhiều điều kiện và tổ chức nhiều chương trình đào tạo từ chuyên môn hay về ngoại ngữ”, anh Trần Thanh Hải, Phòng kỹ thuật, Công ty Thủy điện Sơn La chia sẻ.

Một đội ngũ gắn kết để vượt qua khó khăn nguy hiểm

Thành công và sự hoạt động hiệu quả của thủy điện Sơn La ngày nay bao hàm sự dám chịu để vượt qua khó khăn, những câu chuyện mà tính mạng con người lắm khi treo trên sợi tóc. Tất cả đội ngũ ấy tạo ra một bộ máy cho thủy điện Sơn La, tạo thành chất kết dính, là thần kinh, làm chạy nhịp nhàng một “cỗ máy khổng lồ”.

“Công việc nào cũng có đặc thù của nó và cũng tiềm ẩn những nguy hiểm. Thực tế, đây là cơ sở sản xuất tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do vậy, hàng năm công ty đều có những khoá đào tạo, như quy trình an toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam- là quy trình chung về an toàn cơ bản nhất. Khi áp dụng với riêng từng đơn vị, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết các vấn đề an toàn. Ví dụ, khi sửa chữa một turbin thì có những nguy cơ, những rủi ro nào, theo đó, lực lượng đào tạo sẽ lập đề cương chi tiết về công việc sửa chữa, đánh giá vấn đề an toàn”, Phó Giám đốc Khương Thế Anh chia sẻ về tôn chỉ “an toàn là trên hết” của Công ty Thuỷ điện Sơn La.

Khung cảnh nhìn từ trên đập Thủy điện Sơn La.

Ông Thế Anh cũng tự hào cho biết, từ khi thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động, chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nào hay các sự cố cháy nổ nào.

Đào tạo an toàn được gắn vào chế độ chính sách, chế độ lương thưởng của anh em thủy điện Sơn La, nên họ cũng tự có trách nhiệm trước tiên và thực hành các quy định an toàn quy củ hơn.

Thế hệ trẻ dốc tâm huyết “làm thủy điện”

Đặc thù của các thuỷ điện luôn là xa trung tâm. Trong khi hầu hết, 70-80% cán bộ là người ở các tỉnh đồng bằng lên làm việc. Các kỹ sư, công nhân vẫn còn rất trẻ. Về cơ bản, các công nhân làm việc cho thuỷ điện đều sống tập trung. Tại thuỷ điện Sơn La có một khu gọi là ký túc cho các công nhân và kỹ sư để trực sản xuất.

Theo chia sẻ của một số công nhân và kỹ sư tại thủy điện Sơn La, công việc này cuốn họ vào guồng quay cùng với đam mê, song nó cũng khiến họ ít có thời gian dành cho gia đình hơn. 

Hàng ngày, vào 6h30’ đều có xe từ trụ sở công ty đưa công nhân từ thành phố Sơn La vào Mường La nơi đặt nhà máy thủy điện Sơn La, với quãng đường 35km. Các vị trí làm việc ở phân xưởng, mỗi tuần trực khoảng 3-4 buổi tại nhà máy. Cao điểm lịch trực là khi tiến hành sửa chữa lớn các tổ máy, khoảng 3 lần/năm.

“Công việc của tôi là kiểm tra các thiết bị trong phạm vi tổ máy và ghi lại các thông số, đặc biệt chú ý xem có gì bất thường hay không. Nhà tôi ở ngay thành phố Sơn La, nhưng do công việc làm ca, nên tôi vẫn vào ký túc xá để ở và đi làm cho thuận tiện. Ở khu ký túc có bếp ăn, căng-tin cho anh em công nhân”, anh Nguyễn Thế Văn, kíp viên chính trực gian máy tại thủy điện Sơn La cho biết.

Anh Nguyễn Thế Văn, kíp viên chính trực gian máy tại thủy điện Sơn La. 
Anh Trần Thanh Hải, Phòng kỹ thuật, Công ty Thủy điện Sơn La.

Ký túc xá của công nhân thủy điện Sơn La.

Vất vả, nguy hiểm, xa gia đình nhưng điều gì vẫn giữ chân được những người trẻ gắn bó với nơi đây? Đó không chỉ là mức thu nhập ổn định mà về chuyên môn, các kỹ sư, công nhân nhà máy cũng được tạo điều kiện tham gia các hội thảo định kỳ do các đơn vị nước ngoài tổ chức và các hội nghị tập huấn lớn do Tập đoàn tổ chức hay các chương trình giới thiệu công nghệ…

Say mê công việc, gắn bó với thủy điện, bản thân các công nhân cũng tìm tòi, đóng góp những sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả công việc.

“Hằng năm, có khoảng 50 sáng kiến, tập trung chủ yếu tại các phân xưởng. Đã có khoảng 10 sáng kiến của anh em công nhân, kỹ sư nhà máy thủy điện Sơn La được Tập đoàn công nhận. Ví dụ như: chế tạo cơ cấu ổn định của vành điều khiển tổ máy hay cơ cấu tháo lắp ổ đỡ… Những sáng kiến này được các kỹ sư, công nhân rút ra từ thực tế công việc làm hàng ngày. Với những sáng kiến mới, công việc của họ thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm nhiều thời gian và nhân lực”, anh Trần Thanh Hải, Phòng kỹ thuật, Công ty Thủy điện Sơn La chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã ví công việc thủy điện y như “Người lái đò trên sông Đà” năm nào của cụ Nguyễn Tuân. “Khởi đầu họ đã vượt qua bao ghềnh thác? Những tháng năm, ăn chưa ngon, ngủ chưa yên, khi công việc chưa hoàn thành. Dòng thác của cụ Tuân khi con đò vượt qua nó, không ghi rõ thời gian, còn dòng thác hôm nay anh em thủy điện đã vụt qua... Bây giờ “con đò” đang trôi trên đoạn hạ lưu sau con thác. Êm đềm và tưởng như thơ mộng lắm”-(trích Đầu sóng ngọn gió của Nguyễn Văn Thọ)./.

Nhà máy thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện nằm trên sông Đà tại vùng đất xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nhà máy có công suất lắp máy 2.400 MW, với 6 tổ máy, khởi công xây dựng ngày 2/12/2005.

Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23/12/2012, sớm hơn kế hoạch 3 năm. Công trình Thủy điện Sơn La chính thức khánh thành trở thành đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với cao độ đỉnh đập 228,1 m; dài 961,6 m; chiều rộng đáy đập 105 m; chiều rộng đỉnh đập 10 m.

Dung tích hồ chứa thủy điện 9,26 tỷ m3, với tổng công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh, bằng gần 1/10 sản lượng điện của Việt Nam năm 2012.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đàn vịt biết bay ở lòng hồ thuỷ điện Sơn La đẻ “trứng vàng” cho chủ
Đàn vịt biết bay ở lòng hồ thuỷ điện Sơn La đẻ “trứng vàng” cho chủ

VOV.VN - Vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho vịt trời và vịt nuôi. Hàng năm chúng mang về cho chủ nuôi cả trăm triệu đồng. 

Đàn vịt biết bay ở lòng hồ thuỷ điện Sơn La đẻ “trứng vàng” cho chủ

Đàn vịt biết bay ở lòng hồ thuỷ điện Sơn La đẻ “trứng vàng” cho chủ

VOV.VN - Vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho vịt trời và vịt nuôi. Hàng năm chúng mang về cho chủ nuôi cả trăm triệu đồng. 

​Thủy điện Sơn La, Hòa Bình bắt đầu mở cửa đáy xả lũ từ sáng nay
​Thủy điện Sơn La, Hòa Bình bắt đầu mở cửa đáy xả lũ từ sáng nay

VOV.VN - Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, mở 1 cửa xả đáy vào lúc 8h hôm nay (7/7), đồng thời liên tục phát điện tối đa các tổ máy.

​Thủy điện Sơn La, Hòa Bình bắt đầu mở cửa đáy xả lũ từ sáng nay

​Thủy điện Sơn La, Hòa Bình bắt đầu mở cửa đáy xả lũ từ sáng nay

VOV.VN - Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, mở 1 cửa xả đáy vào lúc 8h hôm nay (7/7), đồng thời liên tục phát điện tối đa các tổ máy.

Ngắm vườn cúc họa mi nở rộ bên Thủy điện Sơn La
Ngắm vườn cúc họa mi nở rộ bên Thủy điện Sơn La

VOV.VN - Trong nắng tinh khôi của những ngày đầu đông lạnh giá, vườn cúc họa mi huyện Mường La, tỉnh Sơn La nở bung sắc trắng, thanh tú trong màn sương mờ ảo.

Ngắm vườn cúc họa mi nở rộ bên Thủy điện Sơn La

Ngắm vườn cúc họa mi nở rộ bên Thủy điện Sơn La

VOV.VN - Trong nắng tinh khôi của những ngày đầu đông lạnh giá, vườn cúc họa mi huyện Mường La, tỉnh Sơn La nở bung sắc trắng, thanh tú trong màn sương mờ ảo.

Động thổ dự án Thủy điện Mường Mươn tại Điện Biên
Động thổ dự án Thủy điện Mường Mươn tại Điện Biên

VOV.VN - Sáng 25/12, tại huyện Mường Chà, UBND tỉnh Điện Biên và Công ty CP năng lượng Điện Biên Sông Hồng tổ chức lễ động thổ dự án Thủy điện Mường Mươn.

Động thổ dự án Thủy điện Mường Mươn tại Điện Biên

Động thổ dự án Thủy điện Mường Mươn tại Điện Biên

VOV.VN - Sáng 25/12, tại huyện Mường Chà, UBND tỉnh Điện Biên và Công ty CP năng lượng Điện Biên Sông Hồng tổ chức lễ động thổ dự án Thủy điện Mường Mươn.