Tiền Giang chủ động phòng, chống cúm gia cầm có nguy cơ tái phát
VOV.VN - Tỉnh Tiền Giang có đàn gia cầm lớn nhất vùng ĐBSCL và đã từng xảy ra nhiều ổ dịch cúm A/H5N1. Do đó công tác chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm vào mùa Đông đang được chính quyền và hộ chăn nuôi quan tâm.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 17 triệu con gia cầm, nuôi tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Châu Thành, thành phố Mỹ Tho. Trong năm nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 3 ổ dịch Cúm A/H5N1 tại 3 xã: xã Bình Phú (huyện Gò Công Tây); xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành) và xã Mỹ Thành Nam, (huyện Cai Lậy), đã tiêu hủy hơn 3.350 con gia cầm trong đàn có nhiễm bệnh. Đặc biệt, có 1 ca trên người nhiễm virus cúm A/H9N2 tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành.
Để chủ động khống chế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm nguồn thực phẩm cho tiêu dùng, nhất là giai đoạn cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai, thực hiện nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là phát hiện sớm, xử lý nhanh các ổ dịch cúm gia cầm vừa mới phát hiện, không để lây sang diện rộng; thông tin giữa 2 ngành Nông nghiệp và Y tế để kịp thời ngăn chặn bệnh cúm gia cầm lây truyền từ động vật sang người.
Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm chưa tiêm phòng hoặc hết thời gian miễn dịch. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh, vận chuyển động vật; kiểm tra các cơ sở thu mua động vật, sản phẩm động vật để chế biến làm thức ăn cho động vật; Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm.
Đặc biệt, ngành chuyên môn tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Khi phát hiện gia cầm bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại khu vực nuôi gia cầm, không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh… Đối với doanh nghiệp, hộ chăn nuôi gia cầm đã thực hiện tốt chủ trương, khuyến cáo của chính quyền và ngành thú y quyết tâm bảo vệ đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Myso Vinasec - Phó Giám đốc công ty TNHH thương mại Chăn nuôi Hoàng Gia Huy, tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo - doanh nghiệp chăn nuôi 35.000 con gà ác chia sẻ: “Mùa này là mùa của dịch cúm, công ty tiêm vaccine trên gà thịt cũng như gà đẻ. Trên gà thịt, tiêm giai đoạn từ 40-50 ngày, gà đẻ thì tiêm trở lại lần nữa. Vaccine giá thành không cao nên phải tiêm đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thì phải định kỳ xịt sát trùng một lần/1 tuần; trước cổng trại ra vào có bỏ vôi. Lo ngại nhất là bệnh cúm gia cầm sẽ ảnh hưởng đến dịch bệnh ở trại, ảnh hưởng đến cả giá cả”.