Tiếng nói Việt Nam- Tiếng nói kháng chiến, đổi mới và hội nhập

VOV.VN - Giây phút phát đi chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam là toàn văn Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nước Việt Nam mới.

Nhìn lại chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển của Đài Phát thanh Quốc gia, năm 2000, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu khẳng định: “Sinh ra từ máu lửa Cách mạng, lớn lên từ hai bàn tay trắng, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chiến đấu xây dựng, trưởng thành cùng Đất nước.” (*) (Tiếng nói Việt Nam – Cầu nối Đảng với Dân – NXBCTQG – 2000, tr 7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) qua làn sóng của Đài tiếng nói độc lập đến với đồng bào. (ảnh tư liệu).

Tờ Báo nói Quốc gia đầu tiên và duy nhất vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, các sáng lập viên: Xuân Thủy, Trần Kim Xuyến, Trần Lâm, Chu Văn Tích xây nền đắp móng, dựng nghiệp Phát thanh.

Giây phút phát đi chương trình phát thanh đầu tiên (11h30’ ngày 7/9/1945) của Đài Tiếng nói Việt Nam là toàn văn Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nước Việt Nam mới: Dân chủ, Cộng hòa để đi đến đích cuối cùng là Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Từ lúc sinh ra đến đầy “tuổi tôi” Dân tộc Việt Nam và Đài Phát thanh Quốc gia trải qua những tháng ngày truân chuyên, vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, đã can trường, khôn khéo vượt qua, giành những thắng lợi bước đầu hết sức căn bản. Đó là những tháng ngày khẩn trương và tự tin xây nền đắp móng cho nền Dân chủ Cộng hòa.

Đài Tiếng nói Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng đã gánh vác sứ mạng trọng đại, vẻ vang, là phát ngôn viên tin cậy của chế độ mới. Đó là Tiếng gọi non sông, giục giã đồng bào, chiến sỹ cả nước, những công dân đầu tiên của chế độ mới, lần đầu tiên cầm lá phiếu bầu nên Quốc hội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong 133 đại biểu Quốc hội đầu tiên có 7 vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, hoặc trực tiếp lãnh đạo, hay cộng tác đắc lực với Đài Phát thanh Quốc gia. 

Đó là tín hiệu âm thanh đầu tiên truyền đi lệnh “Nam Bộ kháng chiến” rạng sáng 24/9/1945, phát lệnh “Toàn quốc kháng chiến” tối 19/12/1946. Trước khi kết thúc chương trình phát thanh cuối cùng giữa lòng Thủ đô để cùng Dân tộc lên đường kháng chiến, phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam tự tin hẹn gặp lại đồng bào, chiến sỹ cả nước trong chương trình sáng hôm sau như thường lệ.

Như đã hẹn với thính giả, 6h sáng ngày 20/12/1946, tại Chùa Trầm, Chương Mỹ, cách Hà Nội 30 cây số, Đài Tiếng nói Việt Nam đĩnh đạc truyền đi lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội…” nhắn nhủ với đồng bào, chiến sỹ cả nước là Đài phát thanh Quốc gia đã an toàn ra khỏi vòng vây của giặc, gần gụi bên cạnh thính giả hàng ngày. 

Từ đó là cuộc hành trình có một không hai “vừa đi vừa phát sóng”, di chuyển địa điểm qua 14 lần khắp núi rừng Việt Bắc để bảo đảm an toàn, phát thanh liên tục. 

Khẳng định cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, thấy rõ sức mạnh của làn sóng phát thanh, Đảng, Chính phủ đã thành lập Đài Tiếng nói Nam Bộ, phát sóng đầu tiên từ Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, sau đó là Đồng Tháp Mười, Cà Mau. Tám năm liên tục phát sóng với 4 danh xưng, Đài Tiếng nói Nam Bộ đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Đặc biệt từ 17/10/1947 đến 31/1/1948 khi Đài Phát thanh Quốc gia bị địch bao vây, Đài Tiếng nói Nam Bộ đã phát sóng thay thế với danh xưng”Đây là Tiếng nói Việt Nam.”

Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, lại căng mình với những lần di chuyển giữa núi rừng hiểm trở, nhưng cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn vượt qua tất cả để ngày ngày, đều đều truyền đi tiếng nói kháng chiến như hơi thở đều đặn của Dân tộc. 

Trong những chiến dịch lớn như Biên giới 1950, Điện Biên Phủ, 1954, phóng viên chủ lực Đài phát thanh Quốc gia được chọn là “đặc phái viên” bên cạnh Bộ Chỉ huy mặt trận. Làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam được may mắn và cũng là trọng trách truyền đi đầu tiên trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ và phút giây kết thúc oanh liệt, vẻ vang “chín năm làm một Điện biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Truyền thống chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, vừa đánh giặc, vừa xây dựng, bảo đảm phát thanh liên tục trong mọi tình huống của “chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp” được duy trì, phát huy trong cuộc kháng chiến lần thứ hai “chống Mỹ cứu nước”.

Lịch sử như lặp lại ở cấp độ cao hơn. Từ năm 1955 thấy rõ công cuộc đấu tranh Thống nhất nước nhà là lâu dài, cam go quyết liệt đòi hỏi sức người, sức của, hy sinh nhiều hơn, Đài TNVN đã phát đi chương trình đầu tiên “nối liền Nam – Bắc” trên nền nhạc hiệu hành khúc mạnh mẽ, khẩn trương như lời kêu gọi của núi sông.

Từ năm 1960 đến năm 1975, Đài TNVN góp phần xứng đáng xây dựng và sát cánh bên Đài Phát thanh Giải phóng A và B. Đặc biệt “kế hoạch thời chiến” triển khai 14 địa điểm phát sóng trong nước cùng hai địa chỉ ở ngoài nước, Cu Ba và Trung Quốc đã tạo nên mạng lưới phát thanh đủ mạnh và an toàn trong mọi tình huống cho Đài TNVN và Đài Phát thanh Giải phóng. Hơn thế nữa, Đài phát thanh Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và bảo đảm phát thanh liên tục cho hai đài bạn chiến đấu là Lào và Campuchia.

Sáng sớm mùa đông lạnh giá, 19/12/1972, trận bom hủy diệt của B52 Mỹ dội xuống, phá nát đài phát sóng Mễ Trì đã tạo nên thử thách nóng với hệ thống Phát thanh Quốc gia trong thời chiến. Sóng chủ lực 297 mét bị ngưng trong 9 phút, sau đó phát lại ngay, kịp báo tin chiến thắng của quân dân Hà Nội bắn rơi pháo đài bay Hoa kỳ. Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo cả tư duy chiến lược, vật chất, tinh thần chiến đấu của những chiến sỹ Phát thanh kiên cường thì không thể có thành quả ấy.

Làm phát thanh là phải nhìn xa, trông rộng và nhạy cảm. Cuộc chinh chiến trường kỳ trên làn sóng đã làm sáng tỏ bài học ấy. Từ năm 1967, Lãnh đạo Đài TNVN đã bắt đầu làm truyền hình từ hai bàn tay trắng. Cái có được lúc ấy là tình cảm, trách nhiệm với Miền Nam, chuẩn bị chu đáo để khi có thời cơ giải phóng hoàn toàn Miền Nam có thể tiếp quản được ngay hệ thông phát thanh, truyền hình của chính quyền Sài gòn, kịp thời phục vụ nhân dân.

Truyền hình Việt Nam ra đời từ trong lòng Đài TNVN ở tuổi 25 (1970) hiển hiện trong khuôn viên 58 Quán Sứ với cột ăng ten cao 59 mét, với những camera tự tạo, thô sơ mà hiệu quả mang tên chiến trường “súng ngựa trời”.

Để đến một ngày 30 tháng 4 năm 1975, theo bước chân thần tốc Quân Giải phóng, năm đoàn công tác của Đài TNVN và Đài Giải phóng A từ Hà Nội vào cùng đoàn quân Đài Giải phóng B từ miền Đông Nam bộ tiến về tiếp quản trọn vẹn toàn bộ hệ thống phát thanh truyền hình của chính quyền Sài gòn, kịp thời phát đi các chương trình Phát thanh, Truyền hình Cách mạng đầu tiên trong ngày “Toàn thắng”. 

Đội ngũ Phát thanh trong chiến tranh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ví như những binh chủng hợp thành làm nên chiến thắng vẻ vang.

Những người làm Phát thanh ở Đài Quốc gia không chỉ được thử thách qua hai cuộc chiến tranh Vệ quốc và chiến tranh bảo vệ biên giới, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc mà còn được trui rèn trong cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, gian khổ giữa thời bình. Đó là những năm tháng “kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp” kéo dài. Những tháng ngày khoắc khoải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, những buổi họp công đoàn chỉ một nội dung gay cấn là chia nhau từng chiếc áo may ô, từng chiếc khăn mặt, từng hộp thuốc đánh răng. 

Những năm tháng đội quân báo chí, phát thanh truyền hình chủ yếu làm theo “lệnh trên”, tư duy một chiều, minh họa cuộc sống theo chủ trương chính sách mà quên đi, hoặc thậm chí tước mất cái sinh động vốn có của cuộc sống. Tư duy ấy, cách nhìn ấy đã một thời, không ít nhà báo, không ít cơ quan báo chí không nhìn thấy, không phát hiện ra những cái mới, lấp lóa trong cuộc sống thường ngày của nhân dân. 

Giữa những tháng ngày ngột ngạt ấy, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa IV (1979) mạnh dạn chủ trương “bung ra để sản xuất” bung ra để giải phóng sức lao động, sức sáng tạo của con người. Chính đó là nguồn sáng đưa “khoán chui” bao năm ẩn nấp thành “khoán trăm”, “khoán mười”. Chính đó là cơ sở hình thành Nghị định 25, 26 CP của Chính phủ về khoán sản phẩm và trả lương theo sản phẩm trong công nghiệp, là nút gỡ “ngăn sông cấm chợ” trong thương nghiệp. 

Chính sách hình thành và đưa vào cuộc sống, phát huy trong sản xuất và đời sống có phần đóng góp lớn lao của báo chí, trong đó Đài Tiếng nói Việt Nam là trong số ít cơ quan báo chí đi đầu mở ra công cuộc Đổi mới của Đất nước nói chung và Đổi mới báo chí nói riêng.

Thực tiễn những năm tháng đổi mới báo chí cho thấy thông tin càng nhiều, càng chân thật, kịp thời, khách quan càng có giá trị tuyên truyền cao. Chính đó là lý lẽ để Đài Tiếng nói Việt Nam “bung ra”, tăng thời lượng phát sóng liên tục, mở thêm nhiều hệ chương trình phát thanh để thính giả được lựa chọn chương trình cần thiết, yêu thích, xóa bỏ thời gian dài “chỉ được nghe”, “phải nghe”. 

Đài TNVN đã chọn đổi mới nội dung làm trục xoay đổi mới kỹ thuật, tiếp thu công nghệ mới, đổi mới cả phong cách phục vụ làn sóng. Phát thanh trực tiếp, thực hiện trong studio cùng lúc với ngoài hiện trường, nối âm thanh với các điểm cầu trong và ngoài nước đã cung cấp một lúc cho thính giả bức tranh sống động của cuộc sống không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Cánh cửa Đổi mới rộng mở cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã đưa Đài phát thanh Quốc gia cùng hệ thống phát thanh cả nước vào hội nhập khu vực và thế giới.

Đã một thời, băng âm nhạc của Đài TNVN đi dự thi liên hoan khu vực và quốc tế không có giải thưởng vì không đạt chuẩn kỹ thuật chung. Có một thời tác phẩm báo chí của Đài phát thanh Quốc gia không đoạt giải quốc tế. Nguyên nhân không phải vì thiếu tâm huyết với nghề, không phải bởi kém quyết tâm, mà cái chính là “ta mới bơi loanh quanh trong ao làng”. Bài toán hội nhập sâu rộng có lời giải trong phát thanh hiện đại, trong phong cách “làm phát thanh kiểu mới”

Đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ trương “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” không chỉ tăng thêm vị thế của phát thanh đối ngoại mà còn mở lối cho Đài TNVN hội nhập sâu rộng vào đời sống toàn cầu. Tăng diện phủ sóng hiệu quả, đổi mới nội dung thông tin, mở rộng hợp tác với các Đài quốc tế, các tổ chức báo chí, phát thanh, truyền hình đã trở thành tam giác phát triển các loại hình truyền thông của Đài TNVN.

Một cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước có đầy đủ các loại hình báo chí phát triển hiện đại là làn sóng phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in không chỉ tạo ra vị thế mới của Đài Quốc gia mà còn là hành trang cần thiết, là tấm hộ chiếu tin cậy đi vào hội nhập Quốc tế, chia sẻ và tham gia có trách nhiệm với một xã hội hiện đại. Một xã hội mà các nhà nghiên cứu trên thế giới tóm tắt là: con người trên hành tinh xanh “xích lại gần nhau, trái đất trở thành thôn xóm, quốc gia trở thành các gia đình đơn nguyên của trái đất, còn con người trở thành công dân của trái đất này”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên