Tìm lời giải cho vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn
VOV.VN - Trong 5 năm qua, tỉnh Hậu Giang đã đào tạo nghề cho hơn 34.000 lao động, trong đó tập trung là lao động nông thôn.
Sáng nay (26/7), Hệ Thời sự chính trị tổng hợp (VOV1) và Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Hậu Giang tìm lời giải cho vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng nhau thảo luận về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay, những khó khăn, thuận lợi và một số giải pháp được nêu lên.
Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều điều cần quan tâm để tạo bước đột phá. Một số giải pháp để khắc phục tình trạng này đã được các đại biểu nêu lên tại buổi tạo đàm nhằm từng bước cải thiện chất lượng đào tạo, giúp người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp khóa học, đảm bảo cuộc đời sống.
Một trong những vấn đề quan trọng tại buổi tọa đàm được các đại biểu quan tâm để đưa công tác đào tạo nghề ngày càng phát triển, thì việc nâng cao chất lượng các trung tâm dạy nghề dịch vụ việc làm cũng như đội ngũ giáo viên có chuyên môn cao là điều hết sức quan trọng hiện nay. Đặc biệt, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng muốn theo học nghề để có những tư vấn cụ thể và sát thực tế.
Ông Nguyễn Văn Nay, Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết, để việc đào tạo nghề đạt kết quả trong thời gian tới, ngành lao động tỉnh sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa với những giải pháp đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Nay nói: Đầu năm tới chúng tôi sẽ đi vào khảo sát nhu cầu sử dụng lao động và nhu cầu học nghề của người lao động ở nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn; đồng thời nâng cao chất lượng của các cơ sở công lập nhất là năng lực đào tạo của các cơ sở này. Lấy cơ sở công lập làm nòng cốt trong công tác đào tạo. Đặc biệt là đào tạo theo đơn đặt hàng có sự tham gia của doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động trong xuyên suốt quá trình đào tạo cho đến đánh giá và xác nhận kết quả đào tạo”./.