Lịch sử ngành y Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với một dịch bệnh có tốc độ lây lan kinh hoàng như Covid-19. Cũng chưa bao giờ như mấy tháng qua ngành y phải dồn toàn bộ lực lượng để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Cũng chưa bao giờ có một cuộc điều động chi viện chống dịch lớn đến như thế. Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẩn thiết kêu gọi các đồng nghiệp gần xa cùng chung tay tham gia vào hoạt động chống dịch tại TP.HCM, hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ, sinh viên các trường y, dược đã lên đường vào nơi nguy hiểm, không một chút ngập ngừng toan tính. Họ đi theo tiếng gọi của trái tim…

Gần ba tháng tham gia chống dịch, cuộc sống của các y bác sĩ nơi tuyến đầu chỉ xoay quanh không gian của các bệnh viện, nơi được mệnh danh là “lồng ấp virus” hay những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao ngoài cộng đồng mà người  không có nhiệm vụ không được phép vào.

Covid-19 khác hẳn các dịch bệnh khác. Sự lây lan và diễn biến xấu rất nhanh ở bệnh nhân khiến mỗi ngày các y bác sĩ phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần để giành giật sự sống cho người bệnh. Nỗ lực vượt sức của mình, thậm chí trên cả chuyên môn của mình để cứu chữa bệnh nhân, bởi mấy ai trong số họ có kinh nghiệm hoặc được đào tạo về điều trị bệnh Covid-19.

Nhiều năm công tác trong nghề y, bác sĩ Đinh Quang Thanh, phụ trách Khoa điều trị Covid-19 của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp quận 8 chưa bao giờ cảm thấy áp lực và khó khăn như những ngày vừa qua. Bệnh viện nơi anh công tác đã có lúc không khác gì trại tị nạn. Bệnh nhân nhập viện quá đông, bệnh viện không có đủ giường nằm. Phòng tập, hành lang cũng tạm thời trở thành buồng bệnh.

Bác sĩ Thanh không thể quên hình ảnh bệnh nhân nằm la liệt trên ghế bố ngoài hành lang để thở oxy, nhiều người trong số đó, chỉ sau ít phút anh nhìn thấy đã vĩnh viễn ra đi không thể trở về… Ký ức của ngày hôm qua khiến anh không ít lần lạc giọng khi trò chuyện cùng VOV2: “thời điểm đó nhân viên y tế hầu như không có ca trực, làm suốt ngày suốt đêm, không có thứ 7, chủ nhật. Mệt thì nghỉ, nghỉ rồi lại làm, liên tục như vậy…”.

Còn bác sĩ Châu Văn Nghĩa ở khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện quận 8, trong giây phút bần thần trước câu hỏi của phóng viên về những áp lực mình đã trải qua, ông trả lời như thể nói với chính mình: “Một ngày chứng kiến nhiều ca tử vong, tôi tự hỏi: Ủa mình đang làm gì vậy? Mình nên làm gì tiếp theo, có nên tiếp tục như vậy nữa hay không?” Và ông cũng có lúc rơi vào bế tắc, rất thật khi nói rằng “nếu là người làm công ăn lương thì tôi nghỉ việc lâu rồi".

Nhưng sau những khoảng lặng đó, BS Châu Văn Nghĩa lại tự động viên mình:“không thể buông xuôi được, mệnh lệnh từ trái tim không cho phép mình làm điều đó, phải ráng lên thôi”…

Thời điểm tháng 8, ở các bệnh viện tầng 2, tầng 3, trung bình một bác sĩ, một ngày chăm sóc 80-90 bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ làm thay việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm thay việc hộ lý, hộ lý làm thay việc của người nhà bệnh nhân: bón từng hớp cháo, thay rửa vệ sinh cho người bệnh nặng. Trong không gian của phòng bệnh không còn khái niệm về ngày tháng. “Nhiều đồng nghiệp của tôi đã suýt quên cả ngày khai giảng của con trong năm học thật đặc biệt này” - Điều dưỡng Nguyễn Thị Thìn (cán bộ của Bệnh viện Việt Đức được điều động tăng cường tại Bệnh viện Dã chiến số 13) chia sẻ.

Vất vả, thiếu thốn là thế, nhưng chưa hết. Còn có những áp lực tâm lý không thể gọi thành tên, nhưng họ vẫn tự động viên mình phải vượt qua, phải giữ vững tinh thần để làm chỗ dựa cho người bệnh giữa lúc họ không có người thân ở bên.

Nhiều khi chỉ muốn gục, quên hết khung cảnh bệnh nhân phải nằm tràn hành lang, xung quanh là tiếng thở nặng nhọc và những lời phàn nàn” - Hộ lý Trịnh Thị Thơ ở Bệnh viện Quận 8 nói.

Với các y bác sĩ, điều trị bệnh, cứu người là trách nhiệm nghề nghiệp, nhưng phải xa gia đình, đi vào nơi nguy hiểm, trong điều kiện thiếu thốn phương tiện y tế và điều kiện sinh hoạt là những hy sinh lớn lao không gì đo đếm được.

Ngày lên đường đi chống dịch, lời hứa của các bác lãnh đạo đi hai tuần được nghỉ một  tuần mới quay lại công việc nhưng giờ đã nhiều tuần trôi qua có được nghỉ đâu” – một bác sĩ trẻ đang ở tâm dịch TP.HCM chia sẻ. Nhưng, anh và các đồng nghiệp của mình xác định, đã đi với tinh thần tự nguyện thì “mệnh lệnh trái tim của người thầy thuốc khiến chúng tôi vẫn ở đây, bên cạnh người bệnh”.

Đã có những mất mát, hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch, nhưng có lẽ không ai trong số gần 7.000 cán bộ nhân viên y tế đang ở trên mặt trận chống dịch muốn buông xuôi, đầu hàng dịch bệnh. Họ vẫn lặng thầm làm công việc của mình để đưa bệnh nhân sớm trở về với gia đình, để cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới và chúng ta vẫn gọi họ là những ANH HÙNG.

Gần hai năm chao đảo vì dịch bệnh là ngần ấy thời gian các y bác sĩ vắt kiệt sức mình vì cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19. Công việc có lúc nhiều gấp đôi, gấp 3, thậm chí gấp 5 lần so với trước, nhưng chưa ai trong số họ lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho chính mình.

Trong tâm dịch lần này, niềm mong ước giản đơn của họ đôi khi chỉ là “được ngủ đủ giấc”, được ăn “những suất cơm nóng mỗi ngày”, hay “sự động viên kịp thời về tinh thần thôi cũng được”, thế nhưng cũng có lúc đó chỉ là mong ước…

Sau chuyến đi thực tế tại các bệnh viện dã chiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã từng phải gửi văn bản tới Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM đề nghị tăng hỗ trợ cho nhân viên y tế ở các Bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên, vì qua khảo sát của ông và đoàn công tác, mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng từ 8-10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải, không đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế.

Và ông cũng khẳng định, việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập như phát cơm hộp, khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với lực lượng hỗ trợ  từ miền Bắc vào nên ảnh hưởng sức khỏe chống dịch…

Vẫn biết rằng Sài Gòn đang trong cơn “bạo bệnh”, những lúng túng, thiếu sót rất dễ để được cảm thông, nhưng nếu như không kịp thời điều chỉnh sẽ là có lỗi với sự hy sinh của các thầy thuốc, nhất là khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã từng khẳng định: “Nếu như không có sự tăng cường, ủng hộ của Bộ Y tế và toàn ngành y tế thì TP.HCM không thể có kết quả như ngày hôm nay”.

Trả lời phóng viên VOV2, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định, thành phố đã thông qua Nghị quyết số 12 chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, mức hỗ trợ từ 1,5 đến 10 triệu đồng/người tùy vào tính chất công việc tham gia. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, khoản hỗ trợ này khi nào mới đến tay các y bác sĩ?

Một bác sĩ đang công tác tại một trong số các bệnh viện dã chiến ở TP.HCM cho biết, anh tham gia chống dịch từ ngày 11/6, ba tháng qua chưa hề nhận được tiền hỗ trợ chống dịch như văn bản của thành phố đã quy định, “nếu có thì vui nhưng không có tụi em vẫn làm” - anh cười nhẹ nhàng.

Không riêng TP.HCM, thông tin với PV VOV2, bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch công đoàn ngành y tế cho biết, tại một số địa phương như Khánh Hòa, Lai Châu, nhiều cán bộ tham gia chống dịch từ năm 2020 đến nay chưa được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch được quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ. Công đoàn ngành y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố để thúc đẩy nhanh tiến độ chi trả phụ cấp chống dịch theo nghị quyết của Chính phủ, tuy nhiên theo bà Bình “vì chi trả phụ cấp phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh, nếu lãnh đạo không quan tâm, không chỉ đạo quyết liệt thì cán bộ ở tỉnh đó chịu thiệt thòi”.

Ngoài ra, Covid-19 là một bệnh mới-nguy hiểm độc hại, nhưng hiện chưa được Bộ Lao động TB và XH bổ sung vào danh mục bệnh độc hại để cán bộ được hưởng bảo hiểm nếu chẳng may mắc phải. Đây cũng là một vấn đề cần phải được quan tâm trong thời gian sớm nhất.

Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất tăng ít nhất gấp 2 lần chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế chống dịch. Tuy nhiên, đề xuất này hiện chưa thông qua. “Bây giờ mới có đề xuất các chế độ này tôi cho là khá muộn, nhưng muộn còn hơn không” – Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu quan điểm.

Chúng ta vẫn gọi họ là những anh hùng trong đại dịch, nhưng đã đến lúc không chỉ ghi nhận suông bằng những lời tung hô có cánh mà cần phải có những chính sách mạnh mẽ hơn để xứng đáng với những hy sinh, mất mát mà các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã và đang trải qua.

Cần phải có một chế độ khen thưởng rõ ràng, kịp thời, bởi theo ông Nguyễn Huy Quang “ngay cả đến tôn vinh các bác sĩ mà nhân viên y tế khi mà họ hy sinh hiện nay chúng ta cũng chưa làm được một trường hợp nào, trừ một vài người được Huân chương Lao động, Chủ tịch nước trao”. Ông Quang cho rằng, đây là việc cần phải làm ngay trong thời gian này.

Phía sau các thầy thuốc là gia đình, là những mối lo toan đời thường như bao người khác. Trong khi mỗi ngày chúng ta vẫn được bên những người thân của mình thì các cán bộ, y bác sĩ đã nhiều tháng nay không được về nhà, chấp nhận ở lại nơi khó khăn, nguy hiểm và thiếu thốn để hoàn thành sứ mệnh chống dịch, cứu người. Đành rằng sẽ có người nói đây là trách nhiệm nghề nghiệp, nhưng nếu có thể thay đổi được, tôi tin họ -  không ai muốn làm ANH HÙNG.

Chủ Nhật, 05:00, 26/09/2021