Báo chí mới chỉ tập trung phản ánh thông tin tiêu cực về an toàn thực phẩm
VOV.VN - Lâu nay, báo chí và các phương tiện truyền thông thường phản ánh thông tin an toàn thực phẩm (ATTP) theo hướng tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình tránh ra những loại thực phẩm không an toàn.
Hưởng ứng Ngày ATTP Thế giới lần thứ 4, sáng nay (7/6), Hội nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm báo chí “Chuyển tải thông điệp ATTP tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí - trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Thái Sơn, Phó trưởng ban, Ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam cho biết, tọa đàm là diễn đàn để các nhà báo đang theo dõi mảng nông nghiệp, thực phẩm trong nước, các chuyên gia và những đơn vị phát triển sản phẩm nông nghiệp chia sẻ thông tin, trao đổi các góc nhìn chuyên môn về đánh giá an toàn thực phẩm cho một số sản phẩm đầu vào nông nghiệp.
Qua đó, thảo luận xu hướng truyền thông trong vấn đề thực phẩm và nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học, có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khoẻ của con người.
Theo TS. Fred Unger, Trưởng dự án SafePORK, Trưởng đại diện ILRI tại Đông Nam Á, nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy những bằng chứng rõ ràng về ô nhiễm vi sinh trên thịt lợn, thịt gà và thịt bò. Ở Việt Nam, nói đến vấn đề ATTP, công chúng quan tâm nhiều đến vấn đề ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ quan quản lý về ATTP và các nhà báo lại dễ hiểu lầm về nguy cơ ô nhiễm hóa chất.
Thực tế hiện nay, thông tin về ATTP thường tập trung phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân, gia đình, phòng tránh những thực phẩm không an toàn.
“Cần có giải pháp kết nối các nhà nghiên cứu, cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông về ATTP hiệu quả hơn, đáp ứng được những nhu cầu thông tin của công chúng”, TS. Fred Unger nhấn mạnh.
Cần nâng cao tính định hướng khoa học và truyền tải thông tin có trách nhiệm
Theo ThS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, các nghiên cứu chỉ ra rằng, công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về ATTP, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn...
Thông tin báo chí mới chỉ phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, chưa đưa ra được những bằng chứng khoa học, những thông tin tích cực giúp người tiêu dùng áp dụng trong cuộc sống hàng ngày như: cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm tốt, cách nhận biết những loại thực phẩm không an toàn.
Ông Hùng nêu ra một thực tế, truyền thông, báo chí đã không cân đo, đong đếm liều lượng thông tin một cách hợp lý. Khi người dân mở đài, đọc báo, xem thông tin trên mạng xã hội là thấy “thịt bẩn”, khiến họ hiểu rằng, cứ thịt lợn, thịt gà bán tại chợ dân sinh là bẩn; Đưa quá nhiều thông tin về các vụ việc bị phát hiện, về tác hại của “thịt bẩn” cũng khiến người tiêu dùng cảm thấy bế tắc, hoang mang, không biết phân biệt, lựa chọn thực phẩm như thế nào là đúng, là an toàn.
Theo ông Hùng, cần có giải pháp kết nối các nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí; Cần nâng cao tính định hướng khoa học và có trách nhiệm trong hoạt động truyền thông về ATTP. Quá trình truyền thông, báo chí phải lắng nghe phản hồi, điều chỉnh kịp thời để định hướng truyền thông mới đem lại hiệu quả tốt nhất.
“Thông điệp phải thể hiện rõ quan điểm của nhà báo về ATTP. Việc thông tin về các vụ việc là quan trọng, nhưng tuyên truyền về nguyên nhân và những giải pháp mới là cần thiết. Thông điệp phải có tính giáo dục cao để công chúng thấy mức độ nghiêm trọng chứ không thể tác động vào thị giác, thính giác để công chúng có cảm giác sợ”, ông Đồng Mạnh Hùng chia sẻ./.