Bí thư Yên Bái: Cuối tháng 8 đưa cuộc sống bà con vùng lũ trở lại bình thường
VOV.VN - Mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương, vùng lũ Mù Cang Chải đã nhận được những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời từ tỉnh để sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định dần cuộc sống của nhân dân.
Phóng viên Đinh Tuấn, VOV Tây Bắc đã phỏng vấn ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái hiện đang có mặt tại vùng lũ để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục:
PV: Thưa ông, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đã để lại những thiệt hại như thế nào đối với huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái?
Ông Đỗ Đức Duy: Có đến 248 hộ bị hư hại nhà cửa, trong đó có tới 68 hộ sập trôi hoàn toàn, 144 hộ là hư hỏng nặng và 36 hộ phải di dời khẩn cấp. Về kết cấu hạ tầng thì quốc lộ 32, rồi hàng loạt các tuyến đường xã, đường thôn bị hư hại rất nặng với hàng nghìn điểm sạt lở, ước tính khoảng 100.000 mét khối đất đá. Hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc bị ảnh hưởng rất nặng nề. Đối với cơ sở hạ tầng xã hội thì điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở của xã hội Hồ Bốn bị hư hại rất nặng nề. Trạm Y tế xã thì gần như chỉ còn cái vỏ nhà không.
Theo tính toán của chúng tôi ban đầu, thiệt hại đến thời điểm này (chưa kể thiệt hại về hoa màu với khoảng 300ha lúa, ngô, hoa màu và khoảng 1.500 con gia súc, gia cầm vật nuôi của bà con bị cuốn trôi) đã ước khoảng 150 tỷ, có thể còn lớn hơn nếu tính toán chi tiết. Có thể nói rằng, mặc dù là thời gian xảy ra lũ quét rất nhanh chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ của tối ngày 5, sáng ngày 6/8 nhưng thiệt hại chúng tôi đánh giá bước đầu này hết sức là nặng nề.
PV: Trước những thiệt hại lớn như vậy thì tỉnh đã có những biện pháp xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Duy: Ngay khi có được thông tin thì chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng của tỉnh, của huyện, xã và của các xã, các huyện lân cận thực hiện theo đúng phương châm "4 tại chỗ". Vì hình thái thiên tai ở Yên Bái cũng như ở Mù Cang Chải thì chúng tôi đều đã nắm rất rõ, cho nên các phương châm của chúng tôi hết sức chủ động. Ngay sau khi xảy ra lũ ống, lũ quét tối 5/8, chúng tôi đã chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Đáng tiếc là có 3 người dân thiệt mạng, đến nay thì công tác chăm lo hậu sự cho các nạn nhân xấu số thì đã xong.
Thứ hai là lo an sinh xã hội ban đầu để không có hộ gia đình nào, không có người dân nào bị đói, bị khát, rét mướt. Theo đó, mặc dù có đến 248 hộ bị mất nhà, hoặc nhà cửa hư hỏng nặng, nhưng cho đến thời điểm này thì tất cả các hộ đều đã được đảm bảo an sinh ban đầu. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ lương thực thực phẩm theo đúng chính sách của tỉnh là mỗi một khẩu là 15 cân gạo trong thời gian trước mắt là 1 tháng và có thể kéo dài tới 3 tháng. Vấn đề an sinh xã hội bước đầu thì chúng tôi đã đảm bảo cơ bản ổn định.
Vấn đề thứ ba là khẩn trương khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng thông tin liên lạc để phục vụ cho trước hết là việc cứu hộ, cứu nạn; thứ hai là khắc phục hậu quả, thứ ba là cho bà con đi lại. Đến nay. bước đầu các tuyến đường đều đã thông, Quốc lộ 32 đã thông, ô tô đi được vào trung tâm xã Hồ Bốn; các tuyến đường vào bản bị chia cắt thì cơ bản đã tiếp cận được bằng xe máy hoặc là đi bộ để phục vụ cho công tác cứu trợ, hỗ trợ cho bà con.
Vấn đề tiếp theo là chúng tôi tập trung tìm kiếm đất để lo nhà ở tái định cư cho các hộ có nhà ở bị sập trôi hoàn toàn. Với 68 hộ bị sập trôi hoàn toàn và 36 hộ phải di dời khẩn cấp thì cơ bản chúng tôi bố trí được đất tái định cư xen ghép ở các khu dân cư có sẵn hoặc của người thân, họ hàng. Còn lại 25 hộ chưa có đất để xây nhà tái định cư thì trong những ngày vừa qua, chúng tôi đã tìm được các quỹ đất và tôi cũng đi đến kiểm tra để làm các thủ tục nhanh nhất có thể, để trong vòng khoảng 2 tuần thì có thể có được những nền đất giao cho bà con. Cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh, của các tổ chức, cá nhân từ thiện hỗ trợ thêm, các nguồn xã hội hóa, phấn đấu làm sao nhanh nhất khoảng 2 tuần thì có được mặt bằng để có thể dựng nhà tái định cư cho bà con. Chúng tôi phấn đấu trong khoảng 1 tháng thì tất cả các hộ mất nhà ấy có thể sẽ có chỗ ở mới an toàn.
PV: Để sớm ổn định cuộc sống người dân vùng lũ, tỉnh tiếp tục chỉ đạo như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Duy: Để sớm khôi phục lại đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con, tôi cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành. Ví dụ như ngành Giáo dục đào tạo, phối hợp với lực lượng Quân đội, Công an phải nhanh chóng hót toàn bộ đất đá ở đây. Hôm nay là ngày 11/8, đến ngày 21/8 chúng tôi đã đón các cháu học sinh lớp 1 vào tựu trường. Vì vậy, tất cả các lực lượng chức năng trong vòng 10 ngày tới là phải khôi phục hoàn toàn để cho trường trở lại hoạt động bình thường, bao gồm kể cả hoạt động chăm sóc bán trú để đón các cháu học sinh lớp 1 vào năm học mới.
Trạm Y tế hiện nay đang bị hư hại rất nặng nên chúng tôi đã phải bố trí phòng tạm tại UBND xã để làm nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho bà con; còn về lâu về dài thì sẽ có những phương án để ổn định hơn.
Đồng thời với đó, chúng tôi đã giao cho các ngành đi rà soát lại tất cả các diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của bà con để có chính sách hỗ trợ phù hợp; vừa hỗ trợ trước mắt ban đầu để khôi phục lại sản xuất, ví dụ như diện tích lúa này không khôi phục được thì chuyển sang trồng ngô để sớm có được lương thực và về lâu dài thì sẽ hỗ trợ bà con để cải tạo lại đất để khôi phục lại sản xuất bình thường.
Ngoài ra, chúng tôi đang chỉ đạo các lực lượng chức năng là quan tâm để bảo đảm công tác an ninh trật tự, phòng các loại tội phạm nhân cơ hội mưa lũ này có thể có hoạt động, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con; chỉ đạo lực lượng y tế đi kiểm tra, rà soát để phun khử khuẩn, tiêu độc khử trùng để tránh dịch bệnh có thể xuất hiện.
Tóm lại là chúng tôi đang phân công các ngành để cố gắng phấn đấu từ nay đến cuối tháng 8 là phải đưa cuộc sống của bà con trở lại bình thường.