Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Tác động và thích ứng

VOV.VN - Vừa qua, trong khuôn khổ COP26 tại Pháp, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường đã tham dự, đồng chủ trì và có phát biểu khai mạc giới thiệu báo cáo “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Tác động và thích ứng”.

Buổi báo cáo là kết quả của Chương trình GEMMES Việt Nam, được tiến hành từ năm 2018 theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Báo cáo gồm 4 phần và 13 chương, cung cấp thông tin ban đầu xác định các kịch bản về kinh tế - xã hội của Việt Nam khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở các mức 1,5 độC, 2 độC và 3 độC.

Báo cáo cũng phản ánh những tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đưa ra các khuyến nghị về giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dài hạn, trong đó tập trung vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo là kết quả nghiên cứu hợp tác của hơn 60 nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam, sử dụng các phương pháp khoa học, số liệu mới nhất trong các lĩnh vực liên quan.

Tại Việt Nam, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, AFD (French Development Agency) đang triển khai một dự án nghiên cứu: GEMMES Việt Nam, nhằm đánh giá những tác động kinh tế xã hội của biến đổi khí hậu đối với quốc gia và những chiến lược thích ứng để đối mặt với những tác động đó.

GEMMES Việt Nam đánh giá: Theo kịch bản nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền, đặc biệt là tại đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa an ninh lương thực và kinh tế của đất nước. Tình trạng nhiệt đô tăng, làm gia tăng liên tục hạn hán, tần suất bão và các hiện tượng xói lở ven sông, ven biển ngày càng phức tạp như sụt lún, cũng là một vấn đề lo ngại lớn. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đặt thích ứng với biến đổi khí hậu vào trọng tâm chiến lược quốc gia, nhất là trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như trong kế hoạch thích ứng quốc gia, kế hoạch đầu tư mang tính chiến lược năm năm và mười năm, và trong khuôn khổ báo cáo về đóng góp quốc gia (NDC).

Theo PGS.TS Ngô Đức Thành, chuyên gia về khí hậu cho biết, biến đổi khí hậu có những ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Cụ thể theo các kết quả tính toán mới nhất của chúng tôi, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp lên GDP Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%, bên cạnh các thiệt hại gián tiếp khác, có thể lên tới 30% vào 2050. Nắng nóng gia tăng sẽ làm tăng tỉ lệ tử vong. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, chẳng hạn như mực nước biển dâng là 60 cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương của Việt Nam nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.

Giải đáp câu hỏi về việc thiên tai gần đây ở Việt Nam và các nước trong khu vực liệu có phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không, PGS.TS Thành cho biết: Có sự liên quan chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu và tần suất, mức độ của thiên tai xảy ra. Rất khó để quy nguyên nhân một sự kiện thiên tai cụ thể là do biến đối khí hậu. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng khi biến đổi khí hậu diễn ra, các hiện tượng cực đoan, các thiên tai sẽ xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ, cường độ lớn hơn.

Đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu tới đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế ở Việt Nam, TS. Etienne Espagne - Chuyên gia kinh tế của AFD Paris, Trưởng dự án Gemmes Việt Nam – cho biết: “Báo cáo trình bày những biện pháp về lộ trình khí hậu đối với Việt Nam, dự báo với tầm nhìn đến năm 2050 và 2100, và phù hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, năng lượng, y tế, năng suất lao động, năng lực đổi mới của các doanh nghiệp…Những đánh giá theo ngành này cũng cho phép cung cấp dữ liệu cho mô hình vĩ mô mà GEMMES phát triển tại AFD, và nhờ đó, đo lường được những tác động kinh tế vĩ mô cho quốc gia.

Đối với Việt Nam, trong báo cáo này, chúng tôi dự báo rằng, khi nhiệt độ tăng lên 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, quốc gia có thể sẽ thiệt hại 4,5% GDP. Khi nhiệt độ tăng 2°C, thiệt hại về GDP sẽ là 7%. Đây là những giá trị trung vị dựa trên trung bình các kịch bản khí hậu khác nhau, mà bản thân những kịch bản khí hậu này cũng là có tính biến đổi lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy rằng các tác động về mặt kinh tế vĩ mô có xu hướng làm gia tăng (gần 30%) các tác động trực tiếp lên các lĩnh vực khác nhau”.

Khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách, quản lý cũng như các địa phương ở Việt Nam, TS. Etienne Espagne đề xuất: "Chúng tôi gợi ý, đề xuất những hướng hạn chế tác động. Để làm điều đó, chúng tôi đã nghiên cứu các chính sách thích ứng đã được triển khai tại Việt Nam cho tới hiện nay, sự tuần hoàn của các dòng tài chính quốc tế và khu vực triển khai cho mảng thích ứng, cũng như cách thức mà người dân địa phương huy động nguồn vốn để đối mặt với những hiện tượng khí hậu cực đoan. Chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam trong việc soạn thảo thông tư về thích ứng để áp dụng trong khuôn khổ Luật Bảo vệ Môi trường sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022".

Chuyên gia Alexis Drogoul, Trưởng đại diện IRD - Cơ quan nghiên cứu Phát triển (Pháp) tại Việt Nam cho rằng: Biến đổi khí hậu tác động rất nhiều tới đời sống ở Việt Nam. Đầu tiên là tác động về kinh tế, với sự sụt giảm dự kiến​​ trong tăng trưởng và chắc chắn là ảnh hưởng mức sống, đặc biệt là đối với những người nghèo.Về mặt xã hội, biến đổi khí hậu tác động tới nhu cầu tổ chức lại một số hoạt động (đặc biệt là nông nghiệp, do nhiễm mặn) hoặc việc tổ chức lại của một số trung tâm đô thị lớn (chẳng hạn như TP.HCM, nơi cư dân sẽ phải học cách sống chung với nước); tác động về mặt rủi ro, với sự gia tăng của các hiện tượng cực đoan (bão lụt, hạn hán, lũ lụt...), hoặc tác động về sức khoẻ (gia tăng các bệnh truyền nhiễm, khí hậu thuận lợi hơn cho virus và vi khuẩn...)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phản ứng của thế giới sau khi COP26 bế mạc và thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow
Phản ứng của thế giới sau khi COP26 bế mạc và thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow

VOV.VN - Hôm qua 13/11 (theo giờ Anh), Hội nghị COP26 đã bế mạc với việc thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Dư luận cho rằng hiệp ước này là một bước tiến quan trọng, song còn chưa đủ...

Phản ứng của thế giới sau khi COP26 bế mạc và thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow

Phản ứng của thế giới sau khi COP26 bế mạc và thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow

VOV.VN - Hôm qua 13/11 (theo giờ Anh), Hội nghị COP26 đã bế mạc với việc thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Dư luận cho rằng hiệp ước này là một bước tiến quan trọng, song còn chưa đủ...

COP26 đạt thỏa thuận – Bước tiến lớn?
COP26 đạt thỏa thuận – Bước tiến lớn?

VOV.VN - Các cuộc đàm phán tại Glasgow kết thúc với một thỏa thuận toàn cầu với việc các nước cam kết giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Đây được xem là cơ hội để cứu thế giới khỏi thảm họa biến đổi khí hậu.

COP26 đạt thỏa thuận – Bước tiến lớn?

COP26 đạt thỏa thuận – Bước tiến lớn?

VOV.VN - Các cuộc đàm phán tại Glasgow kết thúc với một thỏa thuận toàn cầu với việc các nước cam kết giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Đây được xem là cơ hội để cứu thế giới khỏi thảm họa biến đổi khí hậu.

Những điểm đáng chú ý trong Hiệp ước khí hậu Glasgow vừa đạt được tại COP26
Những điểm đáng chú ý trong Hiệp ước khí hậu Glasgow vừa đạt được tại COP26

VOV.VN - Ngày 13/11, gần 200 quốc gia đã đồng ý thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow sau hơn 2 tuần đàm phán căng thẳng. Anh, nước chủ nhà của Hội nghị COP26 nói rằng, thỏa thuận này có thể đem lại hy vọng cho quốc tế về việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Những điểm đáng chú ý trong Hiệp ước khí hậu Glasgow vừa đạt được tại COP26

Những điểm đáng chú ý trong Hiệp ước khí hậu Glasgow vừa đạt được tại COP26

VOV.VN - Ngày 13/11, gần 200 quốc gia đã đồng ý thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow sau hơn 2 tuần đàm phán căng thẳng. Anh, nước chủ nhà của Hội nghị COP26 nói rằng, thỏa thuận này có thể đem lại hy vọng cho quốc tế về việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.