Bình đẳng giới - Đòn bẩy bứt phá trong thời bình thường mới

VOV.VN - Sáng 15/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Bứt phá để dẫn đầu trong thời bình thường mới” nhằm thảo luận tầm quan trọng của việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng và gia tăng vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hồi phục kinh tế và phát triển bền vững ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng, mang đến cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp cho cả hai giới, gia tăng vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo là yếu tố giúp tăng cường sức mạnh đội ngũ và xây dựng nơi làm việc lý tưởng, góp phần nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi về văn hóa và gắn kết nhân viên.

Trong bối cảnh đó, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Bứt phá để dẫn đầu trong thời bình thường mới”. Với mục đích kết nối tiếng nói của những bên liên quan, từ doanh nghiệp đến các tổ chức trong nước và quốc tế, các đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cùng nhau thảo luận các giải pháp cho bài toán phát triển bền vững trong thời kỳ biến động từ góc nhìn bình đẳng giới tại nơi làm việc.  

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD hoan nghênh sáng kiến hợp tác giữa VBCSD và VBCWE – thể hiện tầm nhìn chiến lược của hai tổ chức đối với việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực phục hồi, chống chọi, năng lực cạnh tranh để hội nhập tốt hơn thông qua đẩy mạnh bình đẳng giới.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Để dẫn đầu trong thời bình thường mới, doanh nghiệp cần nghĩ khác, làm khác, cần một tư duy mới về những vấn đề đã cũ. Bình đẳng giới không chỉ là mục tiêu số 5 trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, mà cần được doanh nghiệp nhìn nhận là một trong những đòn bẩy cho doanh nghiệp tăng trưởng dài hạn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nơi có tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động cao đáng kể”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Barnes chia sẻ: "Các công ty có đội ngũ lãnh đạo đa dạng và cam kết mạnh mẽ với bình đẳng giới tại nơi làm việc đã chứng tỏ khả năng thích ứng và đổi mới tốt hơn, từ đó tạo ra năng suất và lợi nhuận tốt hơn”.

Hướng tới mục tiêu giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt phục hồi nền kinh tế vững mạnh, bà Lê Thanh Hằng - Giám đốc điều hành VBCWE đã giới thiệu Công cụ Đánh giá, Kết quả và Chiến lược Bình đẳng giới GEARS (Gender Equality Assessment, Results and Strategies). Đây là công cụ do Cơ quan Bình đẳng Giới tại nơi làm việc của chính phủ Australia (Workplace Gender Equality Agency – WGEA) phát triển và được VBCWE điều chỉnh theo thực tế tại Việt Nam. GEARS giúp doanh nghiệp nắm rõ những vấn đề, cơ hội và thế mạnh của chiến lược bình đẳng giới tại nơi làm việc của mình, từ đó góp phần cải thiện kết quả kinh doanh.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận những yếu tố giúp doanh nghiệp quản trị doanh nghiệp hiệu quả và bền vững trong thời bình thường mới, đặc biệt là vai trò của việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng, đa dạng trong môi trường làm việc và gia tăng vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo. Đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ các chính sách, chiến lược hiệu quả và kinh nghiệm áp dụng công cụ đo lường đánh giá giúp hỗ trợ việc thúc đẩy các giá trị giới tại nơi làm việc.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VBCWE và VBCSD, khẳng định cam kết đồng hành và phát triển mối quan hệ đối tác giữa hai tổ chức vì mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền kinh tế cho phụ nữ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên