Bình Dương tăng tốc thu hẹp “vùng đỏ” dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19
VOV.VN - Ngày 4/8, Bình Dương ghi nhận thêm 1.032 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên con số 20.445 ca.
Căn cứ theo số ca mắc COVID-19 trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố, Bình Dương chia thành 3 vùng để dễ dàng kiểm soát, dập dịch. Cụ thể “vùng đỏ” gồm thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên; “vùng vàng” là thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng; “vùng xanh” các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng.
Với số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, Bình Dương đang tập trung lực lượng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”. Đến nay, địa phương này đã hoàn thành xong xét nghiệm sàng lọc đợt 1 cho gần 1,3 triệu người, qua đó phát hiện hơn 12.000 người nghi ngờ (chiếm 0,98%). Bình Dương sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 để tách quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, “vùng xanh” và “vùng vàng” cơ bản đã hoàn thành xét nghiệm diện rộng. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, phong tỏa để chuyển vàng thành xanh và giữ chặt “vùng xanh” an toàn. 4 địa phương “vùng đỏ” tiếp tục thực hiện các bước nhằm quét sạch F0, hướng đến dập dịch.
“Tiếp tục thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về thứ tự các bước tiến hành xét nghiệm; đồng thời vaccine cũng được hướng theo ưu tiên trước đây. Ưu tiên người đủ từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên "vùng đỏ" trước. Hiện số ca nhiễm nhiều nên vừa sàng lọc, vừa tiêm vaccine là một chiến lược phù hợp trong thời gian hiện nay"- ông Võ Văn Minh cho biết.
Về công tác điều trị, Bình Dương đang thực hiện mô hình tháp 3 tầng (bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng). Riêng đối với trường hợp F0 không triệu chứng, địa phương đang thí điểm cách ly tại nhà và có nhân viên y tế theo dõi thường xuyên để giảm tải cho bệnh viện, cơ sở điều trị.
Với những nỗ lực của ngành y tế, đến nay Bình Dương có gần 2.000 bệnh nhân xuất viện. Số lượng bệnh nhân còn nhiều và khả năng tăng cao nhưng tỉnh chỉ có 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng, cùng 166 nhân viên y tế hỗ trợ cho nên công tác điều trị đang gặp nhiều khó khăn. Bình Dương liên tục kiến nghị với Bộ Y tế hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng để chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân; đồng thời vận động y bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến đề nghị của Bình Dương, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, mặc dù nhân viên y tế ít nhưng địa phương đã linh động trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân và đã có nhiều bệnh nhân xuất viện. Ngoài lực lượng đã hỗ trợ, Bộ Y tế đang huy động thêm để giúp Bình Dương dập dịch.
“Hiện tại, Bộ Y tế đã huy động 1.134 cán bộ, nhân viên và sinh viên các trường đại học y vào hỗ trợ Bình Dương và đang tiếp tục huy động dự kiến khoảng 600 cán bộ, nhân viên nữa để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của Bình Dương, trong đó có công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân COVID-19. Hy vọng, thời gian tới, dịch bệnh ở Bình Dương sẽ từng bước ổn định và tiến tới được đẩy lùi"- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Bình Dương vẫn là địa phương tiêm vaccine chậm so với các tỉnh, thành trong cả nước. Với hơn 300.000 liều vaccine nhưng chỉ mới tiêm được hơn 90.000 liều. Trong khi đó vaccine đóng vai trò quan trọng trong dập dịch và đang được người dân, công nhân lao động trông chờ. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, nguyên nhân do lực lượng y tế mỏng và đang tập trung vào truy vết, khoanh vùng, dập dịch nên chậm trong triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Hiện, Bình Dương đã lên kế hoạch tiêm ngừa cho người dân trên địa bàn với 175 điểm ở các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế cấp xã, phường và 100 điểm lưu động./.
Với mục tiêu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng việc sử dụng vaccine cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Trong đó, ưu tiên 100% đối tượng đã tiêm mũi 1 và 95% đối tượng nguy cơ từ mức cao nhất đến các mức kế tiếp được tiêm chủng mũi 1, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai lập danh sách, lên kế hoạch tiêm gần 36.000 liều vaccine COVID-19 cho người dân trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, công tác tiêm phòng vaccine đợt 5 dự kiến được tiến hành trong 2 đợt và hoàn thành trước tháng 8/2021. Để tiêm phòng diễn ra an toàn, trật tự và đảm bảo công tác phòng chống dịch, việc tiêm diễn ra tại các cơ sở thực hiện tiêm chủng đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng và trung tâm Y tế 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Ngoài đảm bảo chuẩn bị các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, ngành y tế còn đang duy trì hoạt động đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận, cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc cho người dân về mọi vấn đề liên quan tiêm phòng vaccine COVID-19.
Cùng theo ông Thuận, tính đến sáng 4/8, Lâm Đồng ghi nhận 54 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 11 bệnh nhân đã điều trị khỏi và xuất viện.