Bình Dương tiếp tục phát huy vai trò trạm y tế lưu động trong điều trị F0 tại nhà
VOV.VN - Chuyển từ “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn”, Bình Dương xác định phải phát huy hơn nữa vai trò trạm y tế lưu động để đưa y tế đến gần người dân, công nhân nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế.
Từ tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Bình Dương diễn biến phức tạp, có ngày hàng ngàn ca mắc nên các cơ sở thu dung quá tải. Lúc này, được Bộ Y tế đồng ý, Bình Dương đã xây dựng mô hình “Trạm y tế lưu động tại các khu dân cư” để điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Từ một, hai trạm hoạt động hiệu quả đã tăng lên 158 trạm y tế trong các khu dân cư.
Đến nay, sau gần 3 tháng đưa vào hoạt động, trạm y tế lưu động trong khu dân cư đã chứng tỏ hiệu quả trong việc phát hiện sớm, tham gia điều trị gần 16.500 bệnh nhân, thông qua việc hướng dẫn, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc, sơ cứu chuyển viện các trường hợp nặng... Nhờ sự chăm sóc kịp thời của các nhân viên y tế trạm y tế lưu động, gần 14.500 F0 điều trị tại nhà khỏi bệnh, hòa nhập cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Dương, người dân ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An chia sẻ, hai vợ chồng bà đều mắc COVID-19 và được cho cách ly, điều trị tại nhà trọ. Ban đầu, bà rất lo vì sợ lỡ không may trở nặng sẽ không biết gọi ai. Nhưng sau đó, vợ chồng bà được nhân viên y tế Trạm Y tế lưu động khu phố Bình Thuận hỏi thăm thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ nên không còn lo lắng nữa: “Được nhân viên y tế giúp đỡ tận tình và cho cách ly tại nhà nên rất cảm ơn. Giờ mình ở trong nhà chứ không mở cửa ra ngoài, cố uống thuốc đều đặn để mau hết bệnh”.
Thời gian qua, trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp đã tham gia hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm cho công nhân. Với những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, thay vì để trong doanh nghiệp gây hoang mang cho công nhân thì đã được đưa về trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp chăm sóc, điều trị. Song song đó, nhân viên y tế còn hướng dẫn doanh nghiệp cách ly các trường hợp F1 tại nhà máy, khử khuẩn để tiếp tục "sáng đèn".
Hiện nay, Bình Dương chuyển từ “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn”, do đó vai trò của trạm y tế lưu động tiếp tục phát huy. Thế nhưng, khó khăn nhất hiện nay là thiếu nhân lực y tế bởi các đơn vị chi viện đã rút về, cộng với cơ sở vật chất tạm bợ trong khi “cuộc chiến” COVID-19 còn kéo dài.
Ông Nguyễn Thanh Tâm- Chủ tịch UBND thành phố Thuận An kiến nghị: “Chúng ta nên cố gắng sớm tăng cường lực lượng và tập huấn lực lượng để kiện toàn lại trạm y tế lưu động hoạt động cho tốt, nhất là khi lực lượng Quân y 103 chi viện rút về vào ngày 31/11. Mong lãnh đạo sớm có chính sách cho anh em làm y tế lưu động để động viên làm cho tốt”.
Trước những khó khăn trên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ các địa phương kiện toàn trạm y tế lưu động theo mật độ dân cư và khu cụm công nghiệp; huy động thêm các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tình nguyện; hợp đồng với các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường phục vụ cho trạm y tế lưu động. Song song đó, tỉnh cũng tổ chức đào tạo, tập huấn bổ sung nhân lực cho trạm y tế lưu động.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, dịch bệnh có thể kéo dài nên phải phải kiện toàn, củng cố, nâng cao vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong doanh nghiệp vì đây là “cánh tay nối dài” của trạm y tế lưu động. Các địa phương phải trưng dụng cơ sở vật chất để mở rộng trạm y tế lưu động, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Các trạm xá lưu động, các nơi đông dân nên sử dụng nhà văn hóa của khu phố để làm trạm xá chứ suốt ngày đi loanh quanh trên xe là không đúng mục đích. Đến năm 2022 dịch vẫn còn tiếp tục và sẽ kéo dài, chúng ta có kinh nghiệm rồi thì phong tỏa hẹp và cắm tổ điều trị tại nơi có nhiều F0".
Có thể nói, mô hình trạm y tế lưu động trong khu dân cư, khu cụm công nghiệp là cách làm sáng tạo không chỉ giúp người dân, công nhân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất mà còn giúp Bình Dương kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh “sống chung với dịch”./.