Các tỉnh miền Trung yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, nghỉ việc để tránh bão
VOV.VN - TP Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ ngày 27/10 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để phòng tránh bão số 9.
Sáng 27/10, tại TP Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trời nắng to, người dân địa phương cho rằng, thời tiết như thế này, bão sẽ mạnh thêm. Vì vậy, chính quyền và người dân các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên càng khẩn trương triển khai lực lượng làm nhiệm vụ trong vùng có nguy cơ sạt lở, chủ động di dời người dân đến nơi an toàn tránh bão số 9.
TP Đà Nẵng tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án đối phó với bão số 9; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18 giờ chiều nay (27/10).
Thành phố yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ai không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế. Dự kiến số lượng sơ tán dân đối với kịch bản bão có gió cấp 8-11 là 72 ngàn người, gió bão cấp 12-13 là 140 ngàn người. Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm.
Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ 00 phút ngày 27/10/2020 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28/10/2020, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.
“Tôi đề nghị cả hệ thống chính trị phải tham gia vào việc vận động người dân tham gia phòng chống, nhất là thời điểm trước khi bão đổ bộ vào. Tôi đề nghị cấp ủy các cấp, các tổ chức đoàn thể phải tham gia chứ không thể giao khoán trắng cho lực lượng công an, biên phòng, các lực lượng chuyên trách đâu. Phải huy động các lực lượng của các đoàn thể chính trị xã hội tham gia vào vận động người dân”, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết.
Trong ngày hôm nay (27/10), các địa phương ven biển Quảng Nam phải hoàn thành việc di dân trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Thành phố Tam Kỳ chuẩn bị mọi điều kiện sơ tán người dân. Đối với những khu khu dân các xã ven biển từ đường Võ Chí Công (đường 129) trở về phía biển sẽ di dời tập trung về các điểm đã bố trí theo phương án trước đây. Riêng xã Tam Thanh sẽ di dời 100% dân số đến nơi an toàn.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, thành phố sẽ di dời tập trung 1.600 hộ, gần 7.500 nhân khẩu các xã Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú đến các nơi an toàn. Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, thành phố Tam Kỳ còn có hàng ngàn người được sơ tán xen ghép đến những nhà kiên cố, an toàn.
“Chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân khi đi phải có mùng mền, chăn chiếu và có dự trữ lương thực. Đó là phương án như vậy nhưng địa phương cũng đã chuẩn bị lương thực, mì tôm, nước uống, bánh chưng và lương khô để cung cấp cho người dân. Không để người dân bị đói”, ông Ảnh nói.
Sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra công tác đối phó với bão số 9 tại cảng cá Sa Huỳnh huyện Đức Phổ và tiếp tục có văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện phương tán sơ tán dân các vùng xung yếu, hoàn thành trước 17 giờ chiều nay. UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tất cả người dân nếu không có việc khẩn cấp thì không được ra khỏi nhà, kể từ 22 giờ đêm nay.
Ngư dân Võ Văn Bình, chủ tàu cá QNg 97213 TS ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi vừa đưa tàu cập bến neo đậu tránh bão số 9, cho biết: “Tui đi làm nghề khơi giờ bão gió nên bây giờ vô cảng Tịnh Hòa neo đậu, đậu đây gió bão vô nó cũng an toàn chứ không cơn gì hết, nằm trong cảng nó an toàn chứ sợ ngoài cửa nó trôi ra biển, tàu nào cũng có bít xi hết vô đậu phải phải bỏ bít xi hai bên để hạn chế va đập”.
Sáng nay, tỉnh Bình Định triển khai các phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, triều cường, vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, chủ động ứng phó với bão lụt.
Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cho biết, các đơn vị đã điều động 4.000 quân và một số phương tiện, thiết bị ứng cứu khi bão đến: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy biên phòng, phối hợp với Công an tỉnh, xây dựng lực lượng cơ động của Bộ Chỉ huy với phương tiện phòng chống lụt bão đi về các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước để cắm chốt kể cả chỉ huy, lực lượng phương tiện. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp ứng cứu ở các địa bàn trọng điểm.
Vùng ven biển tỉnh Phú Yên hiện hiện có 75.000 lồng nuôi thủy sản, chủ yếu ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Cùng với việc chằng chống, bảo vệ lồng bè nuôi hải sản, các địa phương vùng đầm vịnh cũng vận động các hộ nuôi tôm hùm ở gần cửa biển di chuyển lồng về tránh trú tại Vũng Chào, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu.
“Bão số 9 tới lồng em giờ còn khoảng ít ngàn con cá thôi. Mình thay lưới, ràng lưới trên mặt khi sóng lớn nó phả qua thì con cá khỏi trào ra”, ông Bùi Xuân Hảo, Xã Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên nói.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đang trực tiếp chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai khẩn cấp công tác di dời những người đang ở trên lồng bè, cần thiết phải cưỡng chế, không để người dân còn ở lại trên biển khi bão vào:
“Hiện nay, cơ bản lồng bè, tàu cá của tỉnh đã vào nơi trú tránh an toàn. Với người dân thì đã thông tin cho người dân cột chặt lồng bè và đi vào những khu vực an toàn. Nếu người dân ở lại trên bè thì phái cưỡng chế, tuyệt đối không để người dân ở lại trên bè gây nguy hiểm, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 9”, ông Phạm Đại Dương cho biết./.