Cán bộ y tế bị kỷ luật, cũng có phần trách nhiệm của những người làm chính sách

VOV.VN - Là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cũng là người làm trong ngành y tế, bà Phong Lan (đoàn TP.HCM) nêu những trăn trở trước những sự việc đáng buồn vừa qua của ngành y.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) khẳng định, không chỉ riêng bản thân bà là người trong ngành y, mà bất cứ người dân nào cũng thấy buồn vì những sự việc vừa qua của ngành y tế.

Có tội thì phải xử, nhưng khi một cán bộ y tế với trình độ nhất định bị kỷ luật, bị tố tụng hình sự thì đó là thiệt hại cho xã hội.

"Chúng ta sẽ hụt đi nguồn cán bộ y tế để chăm lo sức khỏe cho người dân", ĐBQH đoàn TP.HCM nói.

Trách nhiệm cũng thuộc về những người làm ra chính sách

Theo ĐBQH đoàn TP.HCM, vị trí thầy giáo và thầy thuốc rất quan trọng. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, lĩnh vực y tế và giáo dục xảy ra quá nhiều chuyện buồn và xót xa, nhưng bênh vực cho những hành vi sai trái thì không thể: "Những sự việc này để lại cho tôi một suy nghĩ trăn trở rằng "Tại sao bây giờ lại bị nhiều vi phạm như vậy và làm như thế nào để chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới? Phải làm sao để người ta không thể sai, không dám sai như vậy? Chúng ta phải nhìn tận gốc của vấn đề".

Thẳng thắn nhìn nhận, bà Phong Lan cho rằng, để xảy ra những thiệt hại như vậy cho xã hội, cho uy tín của ngành y, thì trách nhiệm không phải chỉ riêng của những người đã vi phạm mà còn có trách nhiệm của những người làm ra chính sách. Theo đó, môi trường làm việc của ngành y liệu đã là môi trường yên tâm nhất để người làm nghề tuân thủ pháp luật. Với những sai phạm, quá trình điều tra sẽ xác định rõ ràng, song theo đại biểu Phong Lan, cũng có người vi phạm do cố tình tham lam và cũng có những người vi phạm do không còn lựa chọn nào hay khác do vô tình.

"Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua, là người trong ngành tôi thấy rằng, có những thời điểm anh em chỉ cầm trong tay Giấy thành lập Bệnh viện dã chiến, ngoài ra không có một tấc sắt, không có gì cả. Mọi thứ đều phải huy động nguồn "đi xin". Ngay cả câu chuyện chúng ta đang nói về kit xét nghiệm, về giá cả... Nhưng ở thời điểm đó, không có kit xét nghiệm mà mua và dù giá bán cao gấp đôi thì cũng phải chịu. Thời điểm đó có rất nhiều vấn đề là làm sao để kịp thời xét nghiệm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh... Tôi không loại trừ có những sai sót bắt nguồn từ đây", bà Phong Lan chia sẻ.

ĐBQH đoàn TP.HCM nhấn mạnh, vấn đề không chỉ là đạo đức, y đức của người bác sĩ. Đây còn là vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho y đức, đạo đức đó phát triển. "Ai cũng nói ngành y là một ngành cao quý. Chúng ta cũng đã có Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ, nâng coi như chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân từ năm 2017. Đây là chủ trương mới nhất của Đảng, nhưng liệu chúng ta đã thể chế hóa đó ra trên thực tế hay chưa? Ông bà ta đã dạy "có thực mới vực được đạo", vậy lương bổng ngành y có gì khác với những ngành khác?", bà Lan nêu vấn đề.

Thực tế, các bác sĩ giỏi sẽ được cả các cơ sở y tế tư nhân săn đón và có ý kiến cho rằng các y bác sĩ vẫn đảm bảo thu nhập và vẫn đóng góp cho xã hội. Nhưng điều này làm giảm bớt cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi của những người nghèo, của những người khám, chữa bệnh BHYT. Đại biểu Phong Lan nhìn nhận, xã hội không có bình đẳng hoàn toàn, nhưng ít nhất mỗi người dân phải được bình đẳng trước bệnh tật, để không chỉ có những người giàu mới có khả năng tiếp cận y tế và khám, chữa bệnh, trong khi người nghèo thì "chịu chết".

Để giảm phân biệt giàu nghèo và bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời. Nhưng tại một cơ sở khám, chữa bệnh công lập lại có hai mức giá khám dịch vụ và khám BHYT.

"Theo tôi, chính sách về BHYT còn rất nhiều bất cập. Chúng ta tạm hài lòng với việc, thứ nhất, là cứ tăng độ phủ BHYT nhiều và người nghèo, người thuộc diện chính sách được Nhà nước bao cấp và mua cho BHYT. Nhưng chúng ta quên mất rằng, giá BHYT tại Việt Nam đang rẻ nhất thế giới, kể cả bảo hiểm y tế tự nguyện. Mức bảo hiểm theo lương, theo % thì lại là vấn đề khác. Thứ hai là nợ bảo hiểm rất nhiều. Rất nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHYT cho người lao động và rất nhiều người dân chưa ý thức được quyền lợi của BHYT. Cho nên, đến lúc bệnh thập tử nhất sinh hoặc có bệnh nan y mới bắt đầu loay hoay mua bảo hiểm. Hay có người đã mua bảo hiểm nhưng dù khỏe mạnh cũng phải cố đi khám, chữa bệnh mà không nghĩ rằng đây là khoản đóng cho mai sau khi già yếu có bệnh. Bên cạnh đó, là việc quản lý chưa tốt dẫn đến những trường hợp lạm dụng BHYT, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn vỡ Quỹ BHYT, thậm chí liên quan đến Quỹ BHXH", bà Lan nhấn mạnh.

Giải pháp nào cho ngành y?

Hiện nay, một cơ sở khám, chữa bệnh uy tín và chất lượng không chỉ có tay nghề bác sĩ mà còn cần đến cơ sở máy móc kỹ thuật, trang thiết bị, các công nghệ xét nghiệm hiện đại. Đó là lý do tại sao cũng là bệnh viện, nhưng người ở các tỉnh lại đổ về Hà Nội và TP.HCM để khám chữa, bệnh. Ngay tại TP.HCM, người dân cũng sẽ đến một số bệnh viện để xét nghiệm, điều trị mà không đến những bệnh viện nhỏ ở quận, huyện.

Đại biểu Phong Lan nhấn mạnh yếu tố thứ ba là thuốc, danh mục thuốc thuốc: "Tôi đã phản ánh vấn đề này nhiều năm nay rồi khi chúng ta luôn luôn yêu cầu thuốc phải chất lượng nhưng kèm giá rẻ. Hay vấn đề về máy móc, luôn có yêu cầu giá đấu thầu năm sau phải rẻ hơn năm trước".

Rõ ràng rằng, các bác sĩ chỉ định thuốc cho bệnh nhân dựa trên việc thuốc đó có tốt nhất cho điều trị hay không. Bởi kê đơn thuốc liên quan đến uy tín khám, chữa bệnh chứ không phải bác sĩ nào cũng chạy theo "hoa hồng". Bà Lan cũng cho rằng, thuốc giá rẻ có thể tiết kiệm được "một đồng tiền thuốc" nhưng lại tăng số ngày khám, chữa bệnh. Do đó, không phải ngẫu nhiên thuốc này lại đắt hơn thuốc kia.

"Chúng ta phải thấy những bài học từ nước ngoài tại Malaysia hay Singapore, với những loại thuốc độc quyền giá đắt, Chính phủ sẽ phải đứng ra để thương lượng, để làm sao tạo điện kiện cho mọi người dân tiếp cận thuốc. Một thực trạng đáng buồn là nhiều doanh nghiệp dược sản xuất có uy tín của Việt Nam đã phải bán cho nước ngoài hoặc nước ngoài hoặc nắm cổ phần và họ sản xuất để xuất khẩu", bà Lan tiếp tục trăn trở.

Nếu ví von rằng, hệ thống y tế đang mắc phải căn bệnh thập tử nhất sinh thì bên cạnh các bộ phận hoại tử phải loại bỏ, cũng phải giữ cho thể trạng sống của cả hệ thống. Còn nếu để cả hệ thống "chết" thì ai là người trả giá đầu tiên, đó chính là người dân.

Dịch bệnh COVID-19 là một phép thử để thấy ngoài những ca tụng ngành y thì những vụ việc vừa qua là những điều đau xót. Liệu có chắc chắn dịch bệnh này sẽ là duy nhất và đã hoàn toàn được triệt tiêu? Do vậy, chính sách với ngành y là phải khẩn trương và quyết liệt, để giữ chân các nhân lực giỏi.

"Tại sao không để lương bác sĩ bằng lương chiến sĩ công an, bộ đội? Với cơ chế tự chủ bệnh viện, cần thực chất, cần tự chủ được từ tài chính đến nhân sự. Từ hoạt động căng-tin để trông giữ xe ở bệnh viện công, thu từng đồng mỗi ngày đều cũng phải nộp thuế doanh nghiệp. Trong khi với bệnh viện tư nhân, chỉ cần xây dựng được uy tín sẽ thu được và chi được. Các bệnh viện tư nhân có bao giờ than thở về đấu thầu thuốc hay đấu thầu trang thiết bị như thế nào đâu. Trong khi, các bệnh viện công luôn luôn đối phó với nguy cơ chữa bệnh nhân thì trước mắt thì như cứu hỏa, nhưng sau đó nếu có gì thì bảo hiểm xuất toán. Cần tự mở trói phần này nếu cho bệnh viện tự chủ. Thứ hai cơ chế tự chủ về con người và nhân lực để một bệnh viện được quyết định được ai làm Giám đốc...", bà Lan nêu quan điểm.

Theo ĐBQH đoàn TP.HCM, giải pháp khẩn trương là chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế một cách thỏa đáng. Thứ hai về chính sách, phải khẩn cấp xem lại những quy định về đấu thầu, về mua sắm trang thiết bị khi các bệnh viện đều gặp 3 vấn đề cung ứng, điều trị và dự phòng thiếu thốn./.

"Sau cả một chiến dịch chống dịch COVID-19 mà giờ đây bắt hết tỉnh này đến tỉnh khác, thì sức ép tâm lý là rất kinh khủng. Bản thân người bác sĩ có gia đình, có đồng nghiệp có danh dự và giờ mất hết. Chống dịch căng thẳng đến bây giờ, nhưng khi bị mất thì rất nhanh. TP.HCM có đề án hỗ trợ, nhưng thực chất triển khai tiến độ đề án rất chậm. Hệ số lương 1,2 có ý nghĩa gì không? và còn rất nhiều vấn đề khác".

- Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Từ vụ Việt Á, cán bộ phụ trách mua sắm trang thiết bị tại bệnh viện rất “sợ sai”
Từ vụ Việt Á, cán bộ phụ trách mua sắm trang thiết bị tại bệnh viện rất “sợ sai”

VOV.VN - Khi đối thoại với Sở Y tế TP.HCM, nhiều nhân viên chuyên trách công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế của các bệnh viện công lập trên địa bàn cho biết, họ rất “sợ sai” và mong muốn sớm có hướng dẫn rõ ràng công việc mua sắm này.

Từ vụ Việt Á, cán bộ phụ trách mua sắm trang thiết bị tại bệnh viện rất “sợ sai”

Từ vụ Việt Á, cán bộ phụ trách mua sắm trang thiết bị tại bệnh viện rất “sợ sai”

VOV.VN - Khi đối thoại với Sở Y tế TP.HCM, nhiều nhân viên chuyên trách công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế của các bệnh viện công lập trên địa bàn cho biết, họ rất “sợ sai” và mong muốn sớm có hướng dẫn rõ ràng công việc mua sắm này.

"Quả bom" Việt Á phát nổ: Việc chăm sóc cho bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng rất lớn
"Quả bom" Việt Á phát nổ: Việc chăm sóc cho bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng rất lớn

VOV.VN - ĐBQH cho rằng, "quả bom" Việt Á phát nổ khiến ngành y chao đảo. Công việc của đội ngũ y bác sĩ, người lao động bị ảnh hưởng, đồng nghĩa việc chăm sóc cho bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

"Quả bom" Việt Á phát nổ: Việc chăm sóc cho bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng rất lớn

"Quả bom" Việt Á phát nổ: Việc chăm sóc cho bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng rất lớn

VOV.VN - ĐBQH cho rằng, "quả bom" Việt Á phát nổ khiến ngành y chao đảo. Công việc của đội ngũ y bác sĩ, người lao động bị ảnh hưởng, đồng nghĩa việc chăm sóc cho bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Không thể vì “quả bom Việt Á” mà hệ thống y tế tê liệt, không dám mua sắm trang thiết bị
Không thể vì “quả bom Việt Á” mà hệ thống y tế tê liệt, không dám mua sắm trang thiết bị

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực.

Không thể vì “quả bom Việt Á” mà hệ thống y tế tê liệt, không dám mua sắm trang thiết bị

Không thể vì “quả bom Việt Á” mà hệ thống y tế tê liệt, không dám mua sắm trang thiết bị

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực.