Có hay không tình trạng “chảy máu chất xám” ở Bệnh viện Bạch Mai?
VOV.VN - Trước thông tin hơn 200 cán bộ, nhân viên BV Bạch Mai nghỉ việc trong năm 2020, đã có không ít dư luận đặt ra câu hỏi về nguyên nhân hay liệu có khuất tất dẫn đến “chảy máu chất xám” hay không?
Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ 1/2/2020 đến nay, số lượng người lao động và chuyển công tác tới cơ quan khác tại Bệnh viện Bạch Mai là 221 người. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai xác nhận việc nhiều nhân lực của bệnh viện thời gian qua nghỉ việc và chuyển công tác tại nơi khác. Trong số những người nghỉ, có người mang hàm Phó Giáo sư, Tiến sĩ nhưng nghỉ là để chuyển sang nơi khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, nhân lực nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế và vị trí việc làm do bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn.
Báo cáo của bệnh viện cũng cho biết, trong thời gian này, bệnh viện đã tuyển dụng và ký hợp đồng đối với 506 người bao gồm: 199 người là cán bộ, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn; 232 điều dưỡng, kỹ thuật y đã hoàn thành khoá đào tạo nâng cao tay nghề do bệnh viện tổ chức năm 2019 và 75 vị trí làm việc tiếp đón, hướng dẫn, vận chuyển người bệnh…
Vậy có hay không tình trạng “chảy máu chất xám” tại Bệnh viện Bạch Mai như dư luận đặt ra? Trao đổi với phóng viên, một số bác sĩ, nhân viên chia sẻ về nguyên nhân họ nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ nỗi buồn và sự trăn trở khi đã gắn bó với bệnh viện nhiều năm.
Làm việc tại khoa Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai kể từ những ngày mới tốt nghiệp đại học cho đến nay sắp đến tuổi nghỉ hưu, bác sĩ L.V.T là 1 trong số 222 cán bộ, nhân viên vừa xin nghỉ việc. Không nêu rõ lý do xin nghỉ, song bác sĩ T khẳng định không chỉ riêng ông mà nhiều bác sĩ, nhân viên khi nghỉ việc đều có cảm xúc “buồn và trăn trở”.
“Bao năm cống hiến cho bệnh viện nay dù sắp đến tuổi nghỉ chế độ, hưu trí mà phải chuyển đi tôi rất buồn", ông T nói.
Nhiều nhân viên khác xin nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai cũng bày tỏ sự tiếc nuối. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyên nhân khiến họ đi đến quyết định nghỉ việc ở một bệnh viện lớn như Bạch Mai nhiều người cho biết đó là lý do cá nhân. Thậm chí, một số còn từ chối trả lời do bản thân đã nghỉ việc, không còn là người của bệnh viện này.
Nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 3/2021, anh N.N.K, nhân viên khoa Dược chia sẻ, anh gửi đơn xin nghỉ tới lãnh đạo ngay sau Tết vì nhiều lý do, trong đó, nguyên nhân chính là do cơ chế của bệnh viện có thay đổi: “Sự thay đổi này khiến các nhân viên y tế như chúng tôi phải làm việc nhiều hơn, áp lực hơn nhưng tổng thu nhập không những không tăng mà còn giảm hơn trước”.
Trả lời phóng viên VOV.VN, BS Đỗ Văn Thành, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, chuyện nhân viên nghỉ việc là hoạt động bình thường, diễn ra ở mọi năm. Tuy nhiên, năm vừa qua ở bệnh viện Bạch Mai rõ ràng số lượng nhiều hơn.
Ông Thành cũng cho biết, song song với 221 cán bộ chuyển công tác và thôi việc, từ 1/2/2020 đến nay, Bệnh viện đã tuyển dụng, ký hợp đồng mới là 506 người. Trong đó tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn là 199 người (trong đó trình độ chuyên môn cao học hàm GS, PGS là 5 người; Tiến sĩ 4 người; ThS. BS nội trú, BSCKI là 98 người, Cử nhân Điều dưỡng hệ tiên tiến, sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi: 24 người... ). Đồng thời, thực hiện ký hợp đồng lao động đối với 232 điều dưỡng, kỹ thuật y đã hoàn thành khóa đào tạo lớp nâng cao tay nghề do Bệnh viện tổ chức năm 2019. Triển khai ký hợp đồng lao động với các vị trí việc làm tiếp đón, hướng dẫn, vận chuyển người bệnh... nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, người nhà người bệnh là 75 người.
“Tôi khẳng định đây không phải chuyện chảy máu chất xám như mọi người nghĩ. Hơn nữa số lượng nghỉ là trải dài cả năm và ở mấy chục đơn vị chứ không phải ồ ạt. Việc tuyển mới cũng vậy. Quan điểm của giám đốc bệnh viện là làm sao phải thu hút được nhân sự có trình độ cao, nên ưu tiên số một là tuyển bác sĩ nội trú, sau đó là cử nhân tiên tiến, người có trình độ tiếng Anh...”- BS Thành cho biết.
Cũng trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tổng doanh thu của bệnh viện năm 2020 giảm gần 2.000 tỷ so với năm 2019 (giảm 26%). Mặc dù bệnh viện đã áp dụng chính sách hỗ trợ cán bộ viên chức bình ổn thu nhập (mỗi người 2 tháng lương đợt bệnh viện bị phong tỏa vì dịch COVID-19 và hỗ trợ bình ổn thu nhập tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2020 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng) nhưng thu nhập của cán bộ, viên chức vẫn giảm nhiều so với năm 2019.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, thực hiện đề án thí điểm tự chủ Bệnh viện giai đoạn 2020- 2021, thời gian đầu bệnh viện gặp nhiều khó khăn về bộ máy, quy chế hoạt động, tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là khó khăn về nguồn tài chính.
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để hoạt động được phù hợp với cơ chế tự chủ trong tình hình mới, bệnh viện triển khai tổ chức lại bộ máy, tinh giản những lao động không cần thiết, bố trí lại lao động phù hợp với trình độ, năng lực và vị trí việc làm. Đặc biệt, bệnh viện giải thể những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp với sự phát triển của bệnh viện trong giai đoạn hiện nay như: giải thể đơn vị dịch vụ cung cấp miễn phí cho người bệnh, sáp nhập hệ thống nhà thuốc vào khoa Dược theo đúng quy định và thực hiện y tế tư nhân vừa và nhỏ phát triển nhanh…
Bác sĩ Đỗ Văn Thành cho biết thêm, thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19 nên lượng bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai giảm nhiều. Trước đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6.000 đến 7.000 bệnh nhân và điều trị cho khoảng hơn 5.000 người bệnh nội trú. Nay do dịch, có thời điểm bệnh viện chỉ còn hơn 1.000 bệnh nhân nội trú./.