Cơ hội việc làm mới cho nạn nhân chất độc da cam
VOV.VN - Chiều nay (2/8), tại TP.HCM diễn ra lễ tổng kết “Dự án phát triển mô hình đào tạo nghề cho người khuyết tật do chất độc da cam tại TP.HCM”, được thực hiện theo Biên bản hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Môi trường Quốc tế Nhật Bản, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Theo thỏa thuận ký kết tháng 11/2019, các chương trình hợp tác của Dự án bắt đầu từ tháng 4/2020. Do dịch bệnh COVID-19, các bài giảng được thực hiện trực tuyến, sau đó các khóa đào tạo được tổ chức từ tháng 12/2022 tại Nhật Bản. Đến nay, chương trình đã đào tạo được 4 kỹ sư nông nghiệp và 6 chuyên viên về y tế để hỗ trợ người lao động khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhật Bản Hỗ trợ Làng Cam đã kêu gọi quyên góp từ hơn 270 người dân Nhật Bản, đóng góp tài chính xây dựng các nhà màng trồng rau thủy canh và các trang trại trồng rau tại Làng Cam (TP.HCM).
Cho đến nay, mô hình trồng rau sạch không hóa chất đã mang lại giá trị gia tăng cao; ngoài ra còn trồng cây con, cung cấp hạt giống cho nhà vườn ở ngoại thành. Các đơn hàng được tiếp nhận thông qua Internet và bán trực tiếp cho những người ủng hộ nhằm tránh bán hàng qua đại lý, dẫn đến lợi nhuận trung gian và giảm lợi nhuận cho người khuyết tật.
Hiện đang có 3 thanh niên khuyết tật làm việc hai ngày một tuần tại trang trại trồng rau ở Làng Cam, khoảng hai giờ mỗi ngày, được các kỹ sư nông nghiệp đưa đón, đào tạo và hướng dẫn. Đến cuối tháng 9, dự án có kế hoạch tuyển 5 thanh niên khuyết tật và hướng tới việc sản xuất nước trái cây, mứt.
Phát biểu tại lễ tổng kết dự án, ông Karasawa Masayuki – Trưởng đại diện JICA tại TP.HCM nói: “Đây là một dự án vô cùng ý nghĩa, với mục tiêu giúp các kỹ sư nông nghiệp và các giáo viên dạy nghề của Hội nạn nhân chất độc da cam TP.HCM trang bị khá năng đào tạo nghề nhằm thúc đẩy sự tự lập và hòa nhập cộng đồng cho các thanh thiếu niên là nạn nhân chất độc da cam thông qua hoạt động nông nghiệp. Điều này mang lại cơ hội hòa nhập cộng đồng cho họ thông qua việc đào tạo kỹ thuật nông nghiệp”.