Còn nhiều tranh cãi trong quy định hoạt động lấn biển
VOV.VN - Bộ TN&MT chỉ ra nhiều bất cập, còn có những vấn đề gây tranh cãi trong quy định về hoạt động lấn biển hiện nay.
Bộ TN&MT chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động lấn biển
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà vừa ban hành Kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đặt ra mục tiêu trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5/2022. Trong đó, Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị trực thuộc hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013; đề xuất sửa đổi các quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai và phân cấp quản lý Nhà nước về đất đai. Nghiên cứu, đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và sự không đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật khác có liên quan và đề xuất định hướng sửa đổi.
"Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng đất. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đo đạc, lập hồ sơ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ); bổ sung các quy định về phân loại đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai. Các quy định về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; giám sát quản lý và sử dụng đất cũng sẽ được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung...", Bộ TN&MT thông tin.
Dự kiến, Bộ TN&MT sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuối tháng 10/2021. Tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thực hiện xong trước ngày 22/12.
Sau đó sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; hoàn thiện hồ sơ và trình ra Chính phủ trong tháng 1/2022. Phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội để tiếp thu, giải trình hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến trước ngày 15/4/2022.
Trong hồ sơ xây dựng Nghị định quy định lấn biển vừa được Bộ TN&MT gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương phục vụ phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong hoạt động lấn biển hiện nay nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái, chỗ ở, sinh kế của người dân.
Hoạt động lấn biển tại Việt Nam đã và đang được thực hiện ở các quy mô khác nhau tại nhiều địa phương để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329 ha; Khu đô thị thương mại Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420 ha: Dự án Saigon Sunbay hơn 600 ha (Cần Giờ, TPHCM);…
Theo Bộ TN&MT, nếu không được quan tâm, giải quyết đúng mức, không được quản lý, kiểm soát sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái, chỗ ở, sinh kế của người dân ven biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thong. Ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của đất nước cả trước mắt và lâu dài.
“Hiện nay trong quy định của pháp luật đã có vấn đề lấn biển và quy định giao khu vực biển để thực hiện lấn biển. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về quản lý, kiểm soát hoạt động lấn biển, đặc biệt là chưa rõ chế độ quản lý, sử dụng đất lấn biển…”, Bộ TN&MT nêu.
Chính vì vậy, thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có phản ánh, kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc khi triển khai, thực hiện các dự án đầu tư lấn biển. Theo đó, Luật đất đai chưa có quy định cụ thể về việc xác định tiền sử dụng đất đối với trường hợp vừa nộp tiền giao khu vực biển đồng thời nộp tiền sử dụng đất sau khi đã đầu tư lấn biển, sẽ rất khó khăn trong quá trình xác định nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư.
Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác nhau dẫn đến chậm trễ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Còn nhiều vấn đề gây tranh cãi trong quy định lấn biển
Dự thảo nghị định của Bộ TN&MT khẳng định, việc lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan. Dự án lấn biển phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chỉ thực hiện lấn biển khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn.
Về thẩm quyền, dự thảo đề xuất Bộ trưởng Bộ TN&MT quyết định giao khu vực biển để lấn biển đối với dự án lấn biển thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
UBND cấp tỉnh quyết định giao khu vực biển để lấn biển không thuộc trường hợp trên. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giao khu vực biển để lấn biển thì có thẩm quyền cho phép gia hạn, điều chỉnh và thu hồi quyết định giao khu vực biển để lấn biển.
Sau khi hoàn thành lấn biển tạo mặt bằng quỹ đất, nhà đầu tư dự án lấn biển có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo Sở Xây dựng nơi có dự án đầu tư lấn biển để được kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình lấn biển của chủ đầu tư và nhà thầu. Trình tự, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình lấn biển theo quy định của pháp luật xây dựng.
Căn cứ thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình lấn biển của Sở Xây dựng, nhà đầu tư dự án lấn biển lập hồ sơ quyết toán chi phí đầu tư lấn biển gửi Sở Tài chính nơi có dự án lấn biển để được để quyết toán chi phí đầu tư lấn biển.
Trong dự thảo tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT cho biết có 2 vấn đề gây tranh cãi trong quy định lấn biển cần xin ý kiến. Thứ nhất là thời điểm giao đất, cho thuê đất đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Bộ TN&MT cho rằng việc giao đất, cho thuê đất sau khi giao khu vực biển và theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ tháo gỡ vướng mắc hiện nay, sớm đưa nguồn lực đất đai vào phát triển KT-XH, thu hút đầu tư thực hiện các dự án.
Trường hợp giao đất, cho thuê đất sau khi hoàn thành nghiệm thu lấn biển thì hiện nay đã có quy định tại Nghị định số 11/2021, điều này sẽ tiếp tục khó khăn, vướng mắc cho việc thực hiện các dự án lấn biển như các địa phương, doanh nghiệp phản ánh thời gian qua; kéo dài thời gian được giao đất, cho thuê đất, làm tăng chi phí tuân thủ. Đồng thời gây khó khăn và tạo gánh nặng cho nhà đầu tư khi phải bỏ ra một số vốn lớn để san lấp biển nhưng thời gian này nhà đầu tư chưa có quyền lợi gì; không thu hút được đầu tư các dự án lấn biển…
Tiếp đến là khấu trừ chi phí lấn biển, dự thảo nghị định đang theo hướng nhà đầu tư dự án lấn biển được khấu trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, không nên khấu trừ chi phí lấn biển, việc lấn biển là việc nhà đầu tư phải cân nhắc, tính toán khi quyết định đầu tư dự án lấn biển. Hơn nữa việc khấu trừ chi phí lấn biển thực chất đã được tính toán trong phương pháp thặng dư theo quy định của pháp luật đất đai.
Bộ TN&MT đề nghị, khấu trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tương tự như quy định không tính chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí san lấp biển trong giá đất hiện nay vào tổng chi phí phát triển giả định khi định giá đất.
Bộ TN&MT lý giải: "Trường hợp không khấu trừ chi phí lấn biển thì sẽ không thu hút đầu tư thực hiện các dự án đầu tư lấn biển do nhà đầu tư vừa phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vừa phải đầu tư chi phí san lấp biển để được sử dụng đất”./.