Covid-19 - chủng virus biết "chơi" trốn tìm, biết cách lẩn trốn lặng lẽ
VOV.VN - Một chùm ca Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 vừa được chẩn đoán vào ngày 4/5 với 22 ca nhiễm.
Covid-19 "lẻn" vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 không ai biết, nhưng chỉ 0,5% nhân viên y tế bị nhiễm, trong khi người bệnh và người nhà có tỉ lệ mắc cao hơn rất nhiều, đến 2,6%. Cỡ mẫu quá nhỏ nên chưa thể đưa ra lời khẳng định, nhưng rất có thể nhân viên y tế của bệnh viện đã tiêm chủng gần hết, vì thế mà tỉ lệ mắc thấp hơn.
Những ngày tới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 có thể sẽ còn những ca đang ủ bệnh dương tính, nhưng chùm ca bệnh ở đây đã bị khoá chặt bằng lệnh phong toả tuyệt đối 21 ngày, nên vấn đề còn lại là truy vết tiếp xúc ngoài cộng đồng.
Một diễn biến tương tự, chủng đột biến Ấn Độ B.1.6172 đã "lẻn" vào Bệnh viện Trần Đốc Sinh (Singapore); sau kì tích 9 tháng khống chế Covid-19 được cả thế giới khen ngợi, dịch đã bùng phát trở lại với hai con số nội địa mỗi ngày ở Singapore.
Tính đến hôm nay, chùm ca Covid-19 ở Bệnh viện Trần Đốc Sinh đã lên tới 40 trường hợp. Trần Đốc Sinh là bệnh viện đa khoa lớn thứ hai ở Singapore với quy mô 1200 giường, rất nổi tiếng, nơi đây được lựa chọn làm cơ sở chẩn đoán và điều trị dịch bệnh SARS năm 2003 với sức huỷ diệt ghê gớm.
Ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào ngày 27/4. Một nữ y tá người Philippines, 46 tuổi, cô bắt đầu bị ho và đau họng vào sáng ngày 27. Bệnh viện Trần Đốc Sinh ngay lập tức phong toả Khu 9D nơi có nữ y tá làm việc, đồng thời xét nghiệm tất cả 1100 bệnh nhân và 3500 nhân viên y tế, đến nay có tổng số 40 ca bệnh.
- 10 Nhân viên y tế.
- 23 bệnh nhân.
- 06 người đến thăm bệnh nhân.
- 01 người nhà chăm sóc bệnh nhân.
Như vậy, tỉ lệ nhân viên y tế mắc bệnh khoảng 0,3% là khá nhỏ, trong khi tỉ lệ bệnh nhân đang điều trị bị mắc Covid-19 khoảng 2,1% tương đối lớn.
Điều đáng nói, Bệnh viện Trần Đốc Sinh đã tiêm phòng vaccine COVID-19 cho toàn bộ nhân viên, tiêm đủ 2 mũi. Riêng nữ y tá người Philippines đã tiêm mũi thứ nhất vào ngày 26/1, mũi thứ hai vào ngày 18/2.
Vaccine đã giúp cho nhân viên y tế ít lây nhiễm!
Theo dõi 40 trường hợp, thấy những người đã tiêm chủng vaccine hầu hết không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng thì rất nhẹ; ngược lại nhóm không được tiêm chủng thì triệu chứng bệnh Covid-19 nghiêm trọng hơn nhiều, có những bệnh nhân đang phải thở oxy. Một cụ bà 88 tuổi đã chết.
Quan sát chùm ca Covid-19 ở Bệnh viện Trần Đốc Sinh, thấy rõ hai từ khoá đặc biệt rất đáng lưu tâm, đó là “lẩn trốn” và “lặng lẽ”.
👉 Lẩn trốn:
Trong số 40 ca bệnh, thì có tới 11 ca xét nghiệm đến lần thứ hai mới dương tính, 3 ca xét nghiệm đến lần thứ ba mới dương tính; nghĩa là virus đang ngày càng biến cách “lẩn trốn” xét nghiệm.
Ở Việt Nam có hai chùm ca bệnh, chùm thứ nhất liên quan đến bệnh nhân từ Nhật Bản về Hà Nam, chùm thứ hai liên quan đến bệnh nhân chuyên gia Trung Quốc, đều xét nghiệm đến lần thứ 4 sau khi ra khỏi khu cách li, lúc đó mới dương tính.
Đây là một đặc điểm rất đáng lưu ý!
👉 Lặng lẽ:
Trong số 40 ca Covid-19 tại Bệnh viện Trần Đốc Sinh, có tới 16 ca không triệu chứng, chiếm 40%, điều này rất tốt cho bệnh nhân, nhưng lại rất xấu cho những người tiếp xúc với họ.
Ở hai chùm ca bệnh tại Việt Nam cũng vậy, chưa có số liệu công bố cụ thể, nhưng qua báo chí, nhiều bệnh nhân không triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ. Riêng với Bệnh viện Nhiệt đới TƯ2, các bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm bác sĩ với kết quả xét nghiệm dương tính, sau đó tiến hành xét nghiệm đồng loạt phát hiện chùm ca bệnh.
Chùm ca Covid-19 tại Bệnh viện Trần Đốc Sinh có những đặc điểm rất giống với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ2. Đối phó với những chủng virus biến thể sẽ gặp phải khó khăn nhất định, như đặc tính lẩn trốn xét nghiệm, các triệu chứng âm thầm lặng lẽ nên dễ lây lan không biết. Có lẽ, cách đối phó hiệu quả nhất là nhanh chóng triển khai tiêm phòng, mặc dù vaccine không bảo vệ được 100% nhưng sẽ giảm rất nhiều nguy cơ nhiễm, chẳng may bị nhiễm thì cũng đa số không triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ. Vaccine hiện vẫn là lá chắn hiệu quả nhất./.