Covid-19: Mầm bệnh trong cộng đồng, làm thế nào để phát hiện, khống chế?
VOV.VN - Ngoài 4 nguồn lây nhiễm Covid-19 đã thấy rõ ở trong nước (trong đó nguồn từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nghiêm trọng nhất), thì vẫn tiềm ẩn những nguồn lây khác do mầm bệnh đã có trong cộng đồng.
Một số ca bệnh Covid-19 không tìm được nguồn lây, có những ổ dịch không truy vết được F0, đó là những bằng chứng cho thấy, ngoài 4 nguồn lây nhiễm được xác định tại Đà Nẵng, Yên Bái, Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều ngày qua trong cộng đồng đã có mầm bệnh.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, nếu không được phát hiện kịp thời thì mầm bệnh sẽ là những “đốm lửa nhỏ” có thể gây “cháy rừng”: “Dịch xảy ra tại nhiều tỉnh thành, người trong vùng ổ dịch như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trước khi được phát hiện. Nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua mức độ đi lại nhiều. Trong bối cảnh dịch lan rộng như thế này, mỗi chúng ta đều có thể mắc, nhất là trong môi trường kín, đông người".
Để phát hiện những nguồn lây nhiễm Covid-19 đang âm thầm trong cộng đồng, Bộ Y tế lưu ý các địa phương giám sát các trường hợp bị ho, sốt, đau cơ, mất vị giác... Các cơ sở khám chữa bệnh công lập khi gặp bệnh nhân có những dấu hiệu này cần đưa đến phòng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Cơ sở y tế tư nhân và các hiệu thuốc khi thấy những người này đến khám, mua thuốc cần báo ngay cho Trạm y tế hoặc Trung tâm y tế. Tuy nhiên, trên thực tế có tới 60- 82% người mắc Covid-19 không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh. Do vậy, chỉ có thể xét nghiệm mới phát hiện sớm được ổ dịch.
Sau khi ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lây lan ra hơn 10 tỉnh thành phố với hàng trăm ca Covid-19, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối tăng cường xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt xét nghiệm định kỳ, ít nhất 7 ngày/1 lần tại những khu vực nguy cơ cao như khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, khoa thận nhân tạo, khoa hô hấp, truyền nhiễm...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để đảm bảo cho hoạt động này, mới đây kinh phí xét nghiệm được quyết định chi từ Quỹ bảo hiểm y tế và nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19, được cấp có thẩm quyền giao hoặc theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành: “Các cơ sở y tế đặc biệt lưu ý đến khu vực trọng yếu, và người có nguy cơ cao. Y, bác sĩ và người bệnh ở khu vực này cần được xét nghiệm định kỳ. Không thể để dịch lan rộng gây ảnh hưởng lớn mà không biết như vừa qua…”
Chỉ xét nghiệm sàng lọc mới có thể phát hiện được các “đốm lửa nhỏ” của dịch bệnh. Chủ động đối với Covid-19, tỉnh Hà Nam và một số địa phương khác đã mua máy xét nghiệm PCR gần 7 tỷ đồng hoặc thuê máy từ nguồn xã hội hóa góp phần sớm kiểm soát được dịch bệnh. Hiện cả nước vẫn còn 3 tỉnh là Bến Tre, Lai Châu, Tuyên Quang chưa triển khai được phương pháp xét nghiệm PCR. Bên cạnh đó, 11 tỉnh là Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long chưa đủ năng lực xét nghiệm khẳng định.
Tháo gỡ khó khăn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia đã gợi ý biện pháp linh hoạt trong bối cảnh có dịch: “Với những địa phương chưa đủ năng lực xét nghiệm là chưa thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Còn nếu không có máy hoặc thiếu máy xét nghiệm thì học hỏi, phối hợp với các tỉnh bạn để nâng cao năng lực. Vì sao nhiều tỉnh thực hiện được mà địa phương mình chưa thực hiện được? Hiện nay đã có nhiều loại sinh phẩm, nhiều kỹ thuật xét nghiệm mới ra đời phục vụ phòng chống dịch ở những cấp độ khác nhau… ”
Ban chỉ đạo quốc gia cũng yêu cầu Bộ Y tế áp dụng các biện pháp xét nghiệm mới, trong đó lần đầu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả nhanh hơn để sàng lọc trong điều kiện trường hợp nghi nhiễm gia tăng. Theo các chuyên gia y tế, dù tăng cường xét nghiệm thì cũng không thể cùng lúc thực hiện được hết cho toàn dân và cũng không đủ nguồn lực để xét nghiệm hàng ngày. Do vậy, biện pháp 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế được xem là hàng rào cuối cùng để cắt đứt nguồn lây nếu có mầm bệnh rơi rớt trong cộng đồng./.