Cúm mùa trong tình hình COVID-19, có lo ngại “dịch chồng dịch”?
VOV.VN - Theo các chuyên gia dịch tễ, cúm mùa gây ra nhiều hậu quả cho người bệnh, đặc biệt ở trẻ em, như viêm phổi, viêm tai giữa, làm trầm trọng hơn các bệnh lý đang có và viêm cơ tim.
Trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, các bệnh truyền nhiễm khác cần phải được quan tâm, chú trọng hơn, trong đó có cúm mùa với những di chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Đó là nội dung được chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh tại tọa đàm “Cúm mùa và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong bối cảnh COVID-19” do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức sáng nay (17/2) tại TP.HCM.
Theo các chuyên gia dịch tễ, cúm mùa gây ra nhiều hậu quả cho người bệnh, đặc biệt ở trẻ em, như viêm phổi, viêm tai giữa, làm trầm trọng hơn các bệnh lý đang có và viêm cơ tim. Kể cả người lớn có sức khỏe bình thường, cúm mùa có thể làm gia tăng gấp 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng gấp 8 lần nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, cúm làm tăng gấp 6 lần nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong do các biến chứng của cúm trên bệnh nhân có bệnh tiểu đường.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, trước và trong dịch COVID-19 năm 2020-2021, có 3 nguyên nhân khiến số ca mắc cúm giảm. Đó là nhờ tuân thủ 5K; do nguồn lực y tế tập trung chống dịch COVID-19 làm giảm hoạt động giám sát cúm và do thuyết ẩn/trội, tức là khi một tác nhân virus nổi trội, các tác nhân khác sẽ bị bỏ quên.
Cũng theo Tiến sĩ Cao Hữu Nghĩa, COVID-19 và cúm đều là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do virus gây ra và có vài triệu chứng giống nhau như suy hô hấp, có biến chứng nguy hiểm, nhưng 2 bệnh này lại có nguồn gốc gây bệnh khác nhau. Điều cần thiết là phải dự phòng tốt, trong đó hữu hiệu nhất là tiêm vaccine. Hiện nay, khi dịch COVID-19 đã giảm, các bệnh truyền nhiễm khác cần được quan tâm trở lại nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
"Bệnh cúm tuy số ca giảm chứ thực sự nó vẫn tồn tại đâu đó trong cộng đồng. Nó luôn tiềm ẩn và dịch chồng dịch là điều có thể xảy ra một khi chúng ta lơi lỏng để tập trung phòng bệnh dịch nào đó. Cúm vẫn phải là một vấn đề toàn cầu, việc phòng ngừa cúm phải được thực hiện như từ xưa tới giờ, không được gián đoạn tiêm chủng", TS Cao Hữu Nghĩa nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc bệnh cúm mùa hàng năm ước tính là 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Còn tại Việt Nam, trong năm 2019 ghi nhận 408.907 trường hợp nhiễm cúm./.