Đà Nẵng cưỡng chế 234 thuyền viên rời tàu lên bờ tránh bão

VOV.VN - Tại khu vực neo đậu tàu thuyền Đồng Nò, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng có 134 người không chịu lên bờ. Thành phố Đà Nẵng đã cho lập biên bản cưỡng chế lên bờ đối với những người này.

Tại Đà Nẵng, từ 20h đến lúc này trời tạnh mưa, dấu hiệu rất đáng sợ trước cơn bão lớn, nước trên sông Hàn đã mấp mé trên bờ. Tại điểm cầu Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì cuộc họp trực tuyến. Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương rà soát lại lần cuối từng điểm dân cư, từng tàu thuyền, không để ai ở lại vùng nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết đến thời điểm này, thành phố Đà Nẵng đã sơ tán hơn 65.000 nhân khẩu. Cơ bản người dân đồng thuận di dời, chỉ một số trường hợp phải cưỡng chế. Trên vịnh Đà Nẵng, hiện có 10 tàu hàng, đa số thuyền viên chấp hành việc rời tàu lên bờ tránh bão. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuyền viên không chịu lên bờ bởi phải ở lại thuyền chống đắm tàu. 

Tối nay, còn 100 ngư dân khu vực âu thuyền ở lại dưới tàu để chống đắm tàu. Còn tại khu vực neo đậu tàu thuyền Đồng Nò, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, có 134 người không chịu lên bờ. Thành phố Đà Nẵng đã cho lập biên bản cưỡng chế lên bờ đối với những người này. Thành phố đã bố trí chỗ ăn nghỉ cho số người này. Đối với 100 thuyền viên còn trên tàu ở khu vực âu thuyền Thọ Quang, hiện Bộ đôi Biên phòng thành phố đã cho xuống bơm nước chống đắm tàu, sau đó đưa họ lên bờ.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, việc vận động thuyền viên rời tàu lên bờ tránh bão là rất khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp đã vận động lên bờ rồi lại lẻn xuống tàu. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cam kết kiểm soát từng tàu, quyết tâm không để người nào ở dưới tàu: “Đồng ý cho họ bơm nước cạn tàu trước khi chúng ta cưỡng chế họ lên bờ. Bởi việc này chúng ta cũng phải chia sẻ bởi họ là người làm công ăn lương, nếu họ để đắm tàu họ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, chúng tôi thống nhất để cho một số thuyền viên xuống dưới tàu bơm nước xong, có sự giám sát của Biên phòng, sẽ cưỡng chế đưa họ lên bờ”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá các địa phương đã chủ động ứng phó với bão số 4. Cơn bão này đổ bộ lúc thủy triều dâng cao nên rủi ro rất cao. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương kích hoạt mọi lực lượng tham gia trực sẵn sàng ứng phó. Đối với người dân vùng xung yếu, còn trên tàu thuyền, địa phương cần chuyển từ trạng thái vận động người dân sang cưỡng chế.

Theo ông Lê Minh Hoan, các địa phương cũng cần đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu nạn cứu hộ: “Kiểm tra lần cuối những điều kiện cần thiết để phục vụ '4 tại chỗ' chỉ huy, hậu cần, nhân lực. Tôi đề nghị các địa phương tập trung hơn nữa vào những vùng xung yếu, các điểm đê kè, khu dân cư, khu nuôi trồng thủy sản, để đảm bảo không còn bất kỳ người nào chủ quan còn ở đó. Từ nay đến sáng mai, khi bão đi qua sẽ hiệu ứng đến các huyện miền núi nên không loại trừ các vấn đề phức tạp xảy ra”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên