Đà Nẵng hỗ trợ 25.000 hộ gia đình khó khăn và lực lượng tuyến đầu chống dịch

VOV.VN - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng hỗ trợ 4,3 tỷ đồng, phát 200 tấn gạo đến 25.000 hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực cách ly y tế, khu vực phong toả và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

PV Tuyết Lê/VOV-Miền Trung cho biết, các cấp Mặt trận thành phố Đà Nẵng cũng chuyển hơn 700 tấn rau, củ, quả và lương thực thực phẩm do các doanh nghiệp tài trợ đến người dân. Các ban Mặt trận khu dân cư đã giúp người dân mua lương thực, thực phẩm, vận động các đơn vị trao hàng ngàn suất quà đến hộ nghèo.

Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết, tất cả hàng hoá tổ chức trao tận tay cho người dân. Các gia đình có điều kiện đã chung tay góp sức bằng những hành động thiết thực nhất của họ, đó là hỗ trợ bằng gạo, mì tôm, nước mắm cho các hộ gia đình gặp khó khăn.

“Đánh giá rất cao vai trò của Ban công tác mặt trận ở khu dân cư đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Tiếp tục thành phố Đà Nẵng chuẩn bị dự trữ nguồn hàng thiết yếu trong thời gian nhân dân thực hiện cách ly xã hội, cách ly y tế”, ông Liễu nói.

Theo PV Phương Cúc/VOV-Miền Trung, thời gian gần đây, TP. Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Trong đó, người lao động ngành du lịch cũng nhận được sự hỗ trợ kịp thời, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Bảo Duyên, hướng dẫn viên tiếng Hàn sống rất vất vả. Chị phải xoay xở đủ nghề để có tiền trang trải cho cuộc sống. Khi biết thông tin về chính sách hỗ trợ lao động tự do, trong đó có lực lượng hướng dẫn viên du lịch, chị Duyên đã làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Chị Duyên cho biết, thủ tục nhận tiền rất nhanh chóng và chị đã nhận được tiền hỗ trợ trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội 7 ngày “ai ở đâu thì ở đó”.

“Hiện nay bản thân tôi phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền ăn uống sinh hoạt hàng ngày mà giờ lại không có thu nhập nên có đủ khả năng chi trả. Cho nên nhận được số tiền hơn 3,7 triệu đồng này cũng dùng để mua thực phẩm dự trữ trong gia đình. Đại khái nhờ số tiền này cũng đỡ được một phần nào đó, cũng mừng”, chị Duyên nói.

Hiện, các khoản hỗ trợ của thành phố đã đến với 1300 lao động là hướng dẫn viên du lịch. Đến nay, khoảng 90% lao động thuộc ngành lưu trú, lữ hành, vận chuyển không có giao kết hợp đồng cũng đã được tiếp cận gói hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/người.

Ông Hồ Thanh Tú, Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở Du lịch thành phố đã triển khai hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc do dịch Covid-19 làm ở các cơ sở lưu trú từ 20 phòng trở lên, đơn vị lữ hành, khu điểm du lịch thuộc quản lý của Sở Du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

“Bây giờ, chúng tôi đã tiếp tục xử lý thủ tục hỗ trợ người lao động có giao kết hợp đồng nhưng tạm ngưng hợp đồng vì dịch và việc này đã được triển khai cách đây 10 ngày. Các đơn vị doanh nghiệp cũng đã gửi xác nhận đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, sẽ triển khai chi trả ngay”, ông Tú cho hay.

Mới đây, HĐND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Tờ trình của UBND thành phố Đà Nẵng về chính sách hỗ trợ đối tượng người lao động du lịch tại thành phố có nhu cầu vay vốn để duy trì và chuyển đổi việc làm. Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng, thời gian vay tối đa là 10 năm, không cần thế chấp. Nguồn kinh phí gần 100 tỷ đồng này được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh thành phố để giải ngân.

Tính đến cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng đã giải ngân hơn 5 tỷ đồng cho người lao động du lịch thành phố vay vốn giải quyết việc làm.

“Thành phố có bỏ ra một khoản 100 tỷ, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội giải quyết cho người lao động mất việc làm vay, trong đó số người lao động được hưởng gói vay hỗ trợ này phần lớn là những người làm trong ngành du lịch. Vì phần lớn, những người này đáp ứng được điều kiện mà gói hỗ trợ này yêu cầu”, ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà nẵng cho biết.

Ngày 19/8, PV Thanh Hà/VOV-Miền Trung cho biết, từ 13h hôm qua đến 13h hôm nay, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 169 ca cương tính với SARS-CoV- 2. Trong số 169 ca mắc Covid-19 mới, có 15 ca là F1 chuyển thành F0 tại bệnh viện Dã chiến. Chuỗi ca bệnh liên quan đến chợ Đầu mối Hòa Cường ghi nhận 45 ca mắc mới. Như vậy, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận 2297 ca mắc Covid-19.

Trong ngày 19/8, ngành y tế thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 125 ngàn lượt người.  Qua 3 ngày tạm dừng mọi hoạt động, lấy mẫu xét nghiệm toàn dân, thành phố Đà Nẵng đã xét nghiệm hơn 356.000 lượt người, phát hiện 128 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ 0,036%. Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng nhận định, các đơn vị địa phương thực hiện tốt kế hoạch lấy mẫu toàn dân, đảm bảo đúng đối tượng. Từ đó, phát hiện và bóc tách nhiều F0 ra khỏi cộng đồng.

Tuy nhiên, công tác lấy mẫu xét nghiệm còn một số hạn chế như: Một số địa phương có lúc bố trí lấy mẫu còn đông người, chưa đảm bảo giãn cách. Một số địa điểm bố trí chưa thuận lợi, nắng nóng ảnh hưởng đến người dân đi lấy mẫu. Một số nhân viên chưa tuân thủ quy trình y tế chống nhiễm khuẩn như sát khuẩn tay, thay gang tay làm ảnh hưởng tâm lý người dân. Một số địa phương chưa lập danh sách người lấy mẫu khoa học dẫn đến chậm tiến độ. Một số người dân còn ngại lấy mẫu.

Thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đúng các biện pháp phòng chống dịch, bóc tách nhiều ca F0 ra khỏi cộng đồng. Dự báo, những ngày tới sẽ có nhiều ca mắc mới trong cộng đồng qua công tác rà soát, xét nghiệm. Ngành Y tế đề xuất tiếp tục thực hiện Quyết định 2788 của UBND thành phố về các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách, tình hình dịch sẽ được khống chế; Tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện quy tắc “5K”.

Căn cứ vào số ca mắc trong những ngày qua, thành phố Đà Nẵng đã hình thành bản đồ dịch tễ, phân loại từng xã phường theo các mức nguy cơ khác nhau. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố nhận định, một số phường thay đổi mức xếp hạng. Có một số phường ổn định nhưng lại ổn định “mức nguy cơ” tương đối nhiều. Đặc biệt, CDC Đà Nẵng cũng đã đánh giá cụ thể các đối tượng nguy cơ từ chợ Đầu mối Hòa Cường.

“Tôi nghĩ số liệu này nên chuyển ngay về các phường, xã quận huyện để người ta căn cứ vào số liệu đó, người ta đánh giá khách quan tình hình địa phương mình”, ông Chinh nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thời gian, địa điểm của đợt tiêm vaccine cho gần 41.000 người dân Đà Nẵng
Thời gian, địa điểm của đợt tiêm vaccine cho gần 41.000 người dân Đà Nẵng

VOV.VN - Từ hôm nay (19/8) đến ngày 26/8, thành phố Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho gần 41.000 người.

Thời gian, địa điểm của đợt tiêm vaccine cho gần 41.000 người dân Đà Nẵng

Thời gian, địa điểm của đợt tiêm vaccine cho gần 41.000 người dân Đà Nẵng

VOV.VN - Từ hôm nay (19/8) đến ngày 26/8, thành phố Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho gần 41.000 người.

Điều chỉnh số F0 tại Đà Nẵng, số ca mắc ngày 18/8 giảm đi 144 người
Điều chỉnh số F0 tại Đà Nẵng, số ca mắc ngày 18/8 giảm đi 144 người

VOV.VN - Đà Nẵng điều chỉnh giảm số ca mắc COVID-19 mới trong ngày sau khi phát hiện nhập sai dữ liệu.

Điều chỉnh số F0 tại Đà Nẵng, số ca mắc ngày 18/8 giảm đi 144 người

Điều chỉnh số F0 tại Đà Nẵng, số ca mắc ngày 18/8 giảm đi 144 người

VOV.VN - Đà Nẵng điều chỉnh giảm số ca mắc COVID-19 mới trong ngày sau khi phát hiện nhập sai dữ liệu.

Bí thư Đà Nẵng: Công tác phòng chống dịch thành hay bại chính là ở cán bộ cơ sở
Bí thư Đà Nẵng: Công tác phòng chống dịch thành hay bại chính là ở cán bộ cơ sở

VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định công tác phòng chống dịch thành hay bại chính là từ cán bộ cơ sở.

Bí thư Đà Nẵng: Công tác phòng chống dịch thành hay bại chính là ở cán bộ cơ sở

Bí thư Đà Nẵng: Công tác phòng chống dịch thành hay bại chính là ở cán bộ cơ sở

VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định công tác phòng chống dịch thành hay bại chính là từ cán bộ cơ sở.