Đà Nẵng khắc phục tình trạng lúng túng khi xảy ra dịch tại khu công nghiệp

VOV.VN - Thiếu kịch bản xử lý tình huống cụ thể dịch bệnh Covid-19, nhiều công nhân gần như bị quản thúc, phơi nắng suốt ngày để lấy mẫu, chủ doanh nghiệp phản ứng tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, TP.Đà Nẵng.

Ngày 14/7, thành phố Đà Nẵng ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch lần này tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu.

Đây là doanh nghiệp có hơn 4.000 lao động làm việc trong môi trường điều hòa mở liên tục, nguy cơ lây nhiễm cao, công nhân lại ở rải rác nhiều nơi. Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng không có kịch bản cụ thể về việc tạm dừng hoạt động, lấy mẫu xét nghiệm điều phối công nhân dẫn đến lúng túng khi xử lý tình huống cụ thể.

Nhiều công nhân gần như bị quản thúc, phơi nắng suốt ngày để lấy mẫu, chủ doanh nghiệp phản ứng. Chiều 17/7, Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng đã họp với các sở ngành liên quan bàn phương án khắc phục tình trạng này nếu dịch bùng phát tại Khu công nghiệp.

Ngày 14/7, nữ công nhân N.T.H, trú tại thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa, Khu Công nghiệp Hòa Khánh đóng trên địa bàn quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng được xác định mắc Covid-19.

Ngay sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 mới tại đây, Lãnh đạo quận Liên Chiểu đã yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động, không giao bàn giao ca mới. Trong đêm đó đến rạng sáng hôm sau, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức xét nghiệm tại chỗ cho gần 1.500 công nhân đang làm việc trong Công ty. Tuy nhiên, khi lấy mẫu xét nghiệm xong thì không có phương án đưa F1 đi cách ly và những người diện F liên quan cũng chưa có cách xử lý phù hợp.

Doanh nghiệp này có hơn 4000 lao động, trong đó 2500 công nhân không làm việc ca ngày 14/7 đến Trung tâm Văn hóa Thể thao Công nhân - đường số 2 – Khu Công nghiệp Hòa Khánh vào sáng 15/7 để lấy mẫu xét nghiệm. Khi có thông tin về ca mắc Covid-19 trong đơn vị mình, công nhân nào cũng tranh thủ đến sớm để được lấy mẫu tầm soát dịch bệnh.

Hàng ngàn công nhân kéo đến cùng lúc mà Công ty không có phương án cụ thể, dẫn đến ùn ứ, chen lấn giữa trời nắng, không đảm bảo giãn cách. Trong khi đó, việc lấy mẫu nhập liệu cho hàng ngàn lao động được giao cho cán bộ y tế quận đảm nhận mà Sở Y tế không có động thái điều phối lực lượng hỗ trợ. Từ đó, việc chuyển mẫu lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chậm trễ dẫn đến kết quả xét nghiệm cũng chậm, rất khó xử lý các bước tiếp theo.

“Lần nào ngành y tế kiểm tra cũng đề nghị phải có kế hoạch chủ động phòng chống dịch của công ty cụ thể nhưng công ty không triển khai, không làm chứ không phải là không có chỉ đạo, không có hướng dẫn. Thậm chí sau này Sở Y tế cũng liên hệ nhưng không thấy triển khai”, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng giải thích.

Trong khi Sở Y tế nói doanh nghiệp chưa có kịch bản ứng phó thì Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, doanh nghiệp này thực hiện các phương án phòng dịch rất tốt.

Cụ thể, doanh nghiệp đã tổ chức cho công nhân làm việc tại nhiều khu nhà xưởng khác nhau và nhiều hệ thống điều hòa độc lập, thực hiện nghiêm “5K”. Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp có phương án phòng dịch tốt nhưng khi xảy ra dịch thì chính cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền lại không đưa ra được kịch bản xử lý tình huống cụ thể.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, hiện nay thành phố mới dừng lại kế hoạch phòng, chống dịch mà chưa có kịch bản cụ thể ứng phó khi xảy ra ca mắc Covid-19 tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Bộ Y tế đã Quyết định 2787 về việc Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi xảy ra trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Theo đó, khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 tại 1 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch. Cơ quan có thẩm quyền quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp hoặc từng phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế.

Bộ Y tế nêu rõ: Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ tại sở sản xuất kinh doanh, Khu công nghiệp và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng chưa có kịch bản cụ thể nên khi xảy ra trường hợp mắc bệnh thì lúng túng, bởi chính quyền quận, huyện không có đủ thẩm quyền phong tỏa khu công nghiệp.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Tại thời điểm xảy ra dịch, nếu ra quyết định tạm thời phong tỏa khu công nghiệp, vậy thì ai là người ra quyết định. Ý tôi phải có kịch bản, nếu ra quyết định thì giám đốc nhà máy hay ban chỉ đạo phòng chống dịch nhà máy hay ban chỉ đạo phòng chống dịch khu công nghiệp. Người nào ra quyết định đấy, ai là người chịu trách nhiệm, trách nhiệm từng người như thế nào. Trường hợp có xảy ra dịch thì phải báo cáo cơ quan y tế nhưng cơ quan y tế là ai, CDC, Sở Y tế hay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố. Hiện nay đang lúng túng chỗ này”.

Theo Văn bản số 3029 ngày 24/5/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp, khu kinh tế thì khi xảy ra dịch, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế chịu trách nhiệm triển khai các bước phòng chống dịch một cách cụ thể. Ngày 4/6/2021, UBND thành phố Đà Nẵng cũng có văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở lao động.

Theo đó, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết phòng, chống dịch tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Ban này phải chịu trách nhiệm yêu cầu các cơ sở lao động cung cấp thông tin người lao động cho cơ quan Công an, Y tế để thực hiện truy vết và thông báo cho các địa phương nơi cư trú của người lao động kịp thời quản lý giám sát. Tuy vậy, khi xảy ra ca mắc Covid-19 tại Công ty Việt Hoa, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu Công nghiệp Đà Nẵng không có được danh sách công nhân để thông báo cho các ngành, địa phương.

Trước những lúng túng khi xảy ra ca mắc Covid-19 vừa xảy ra tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, UBND TP. Đà Nẵng giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu Công nghiệp Đà Nẵng chủ trì phối hợp với Sở Y tế, các quận, huyện xây dựng phương án cụ thể khi xảy ra dịch tại Khu Công nghiệp thì kích hoạt phương án này một cách hữu hiệu.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố khẩn trương xây dựng quy trình ứng phó khi xảy ra dịch tại khu công nghiệp.

“Xây dựng sớm quy trình xử lý khi phát hiện ra ca mắc mới trong khu công nghiệp và ngược lại đối với các khu dân cư có khu công nghiệp, công nhân cư trú. Tôi đề nghị là phải làm 2 chiều và có thông báo sớm để thực hiện. Bộ Y tế đã có văn bản rồi, bây giờ chúng ta chỉ cụ thể hóa ra trên cơ sở thực tế của chúng ta”, ông Quảng nêu rõ.

“Tôi đề nghị ngành y tế tham khảo kinh nghiệm của Bắc Giang. Chúng ta chưa có kinh nghiệm về xử lý tại khu công nghiệp mà người ta đã làm rồi thì chúng ta phải tham khảo để có hướng dẫn”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Y tế sẵn sàng chống dịch với kịch bản căng thẳng nhất
Bộ Y tế sẵn sàng chống dịch với kịch bản căng thẳng nhất

VOV.VN - Sáng 18/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng chống dịch khi có hàng nghìn ca mắc mỗi ngày.

Bộ Y tế sẵn sàng chống dịch với kịch bản căng thẳng nhất

Bộ Y tế sẵn sàng chống dịch với kịch bản căng thẳng nhất

VOV.VN - Sáng 18/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng chống dịch khi có hàng nghìn ca mắc mỗi ngày.

Ca mắc Covid-19 thứ 18 ở Lâm Đồng là tài xế xe tải có lịch trình dày đặc
Ca mắc Covid-19 thứ 18 ở Lâm Đồng là tài xế xe tải có lịch trình dày đặc

VOV.VN - Sáng 18/7, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới là tài xế đến từ TP.HCM. Nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn lên 18 người, trong đó có 5 lái, phụ xe.

Ca mắc Covid-19 thứ 18 ở Lâm Đồng là tài xế xe tải có lịch trình dày đặc

Ca mắc Covid-19 thứ 18 ở Lâm Đồng là tài xế xe tải có lịch trình dày đặc

VOV.VN - Sáng 18/7, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới là tài xế đến từ TP.HCM. Nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn lên 18 người, trong đó có 5 lái, phụ xe.

Các tỉnh ĐBSCL quyết đẩy lùi dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Các tỉnh ĐBSCL quyết đẩy lùi dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

VOV.VN - Tình hình dịch Covid-19 trong khu vực ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh trong khu vực đã ghi nhận thêm các trường hợp tử vong.

Các tỉnh ĐBSCL quyết đẩy lùi dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

Các tỉnh ĐBSCL quyết đẩy lùi dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

VOV.VN - Tình hình dịch Covid-19 trong khu vực ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh trong khu vực đã ghi nhận thêm các trường hợp tử vong.