Đà Nẵng kiểm soát phương tiện như thế nào khi cảng cá Thọ Quang đóng cửa?
VOV.VN - Chính quyền TP. Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng hoạt động Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang 1 tuần sau khi phát hiện chùm ca bệnh liên quan đến khu vực này.
Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang ngày thường nhộn nhịp nay trở nên vắng lặng sau khi TP. Đà Nẵng tạm dừng hoạt động. Tất cả tiểu thương kinh doanh tại Chợ đầu mối thủy sản của cảng cá Thọ Quang đã chấp hành nghiêm lệnh tạm ngừng buôn bán.
Ngư dân Nguyễn Văn Ân, chủ tàu cá của tỉnh Quảng Bình thường xuyên vào bán cá tại đây cho biết, tàu ông vừa kết thúc chuyến biển trở về, bán cá xong, chưa kịp lấy nhiên liệu, thực phẩm để đi chuyến mới thì phải dừng lại: “Bình thường mình vào bán cá tại đây. Giờ tạm ngừng ở đây bị ảnh hưởng nhiều, dịch thì mình không về được, giá cả cũng giảm nhiều. Chợ đóng cửa thì mình chưa lấy được đá, chưa mua đồ thì chưa chạy được, chờ xem tình hình dịch ổn định thì chạy lại”.
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là khu neo đậu tàu thuyền và cảng cá lớn nhất miền Trung, nơi tiêu thụ và cung cấp hải sản không chỉ khu vực mà cả nước. Vậy việc kiểm soát phương tiện ra vào, kiểm soát chợ tự phát sau khi cảng cá đóng cửa và phương án lưu thông hàng thủy sản như thế nào để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thủy sản?
Thực hiện nghiêm lệnh tạm dừng hoạt động Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tăng cường lực lượng, dùng ca nô tuyên truyền để ngư dân nắm rõ chủ trương, chủ động thực hiện. Hai hôm nay, nhiều phương tiện tàu thuyền các tỉnh đánh bắt trên biển vào Cảng cá Thọ Quang bán cá đã buộc phải quay đầu, không cho vào cảng. Thượng úy Nguyễn Văn Khánh, Trạm Trưởng Trạm Biên phòng Mân Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị hạn chế tối đa phương tiện xuất bến, trường hợp xuất bến, các thuyền viên phải có kết quả test nhanh âm tính với SARS CoV-2.
“Thông qua mạng hệ thống thông tin liên lạc biển, chúng tôi phát thông báo để cho các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm được, người ta không về đây nữa mà đi tỉnh khác. Đơn vị kiên quyết không để cho phương tiện ngoại tỉnh nhập bến sau khi có lệnh cấm, không giải quyết cho vào. Hạn chế đến mức tối đa các phương tiện xuất bến. Tất cả phương tiện muốn xuất bến phải test nhanh SARS CoV-2 tất cả các thuyền viên trên tàu”, Thượng úy Nguyễn Văn Khánh nói.
Thực hiện quết định của UBND TP. Đà Nẵng, từ chiều 26/7, toàn bộ hàng hóa của tiểu thương tại cảng cá Thọ Quang đã được giải phóng, không còn hàng tồn kho. Ông Phạm Trung Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, để giải quyết cho phương tiện của TP. Đà Nẵng đi đánh bắt trở về có điều kiện bán cá, đơn vị bố trí 2 cầu cảng riêng biệt dành cho thuyền viên có kết quả xét nghiệm âm tính và cầu cảng dành cho người chưa xét nghiệm: “Yêu cầu chủ nậu vựa, thương nhân, doanh nghiệp thu mua hải sản của các tàu này phải đăng ký ngày giờ tàu vào, thực hiện test nhanh cho tất cả người lao động vào cảng bốc vác, vận chuyển hàng hóa và thời gian ở lại cảng không quá 2 giờ bốc hàng nhanh để đi”.
Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang thành phố Đà Nẵng là nơi neo đậu phương tiện và cung cấp hải sản lớn ở khu vực miền Trung. Bình quân mỗi ngày có cả trăm phương tiện vào bán cá, tiếp nhiên liệu lương thực. Tại chợ đầu mối thủy sản hiện có gần 400 tiểu thương chuyên cung cấp hải sản cho thành phố và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Việc tạm dừng hoạt động ít nhiều ảnh hưởng đến việc cung ứng hải sản cho người dân và nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp thủy sản.
UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương xây dựng phương án lưu trữ, lưu thông hàng hóa thủy sản trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; Xây dựng phương án cho cảng cá Thọ Quang hoạt động trở lại trong điều kiện phòng, chống dịch sau thời gian dừng hoạt động.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị các địa phương có giải pháp ngăn chặn, xử lý hiện tượng chợ cóc, chợ tự phát bán hải sản xảy ra sau khi cảng cá Thọ Quang đóng cửa: “Các quận huyện phải dứt khoát không để nảy sinh các chợ tạm, tăng cường kiểm ra, giám sát tại các chợ. Sau 7 ngày đánh giá nếu tình hình ổn thì cho phép cảng cá hoạt động trở lại. Trong 7 ngày này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải xây dựng phương án cho hoạt động trở lại. Phương án phân luồng, xử lý người, phương tiện ở ngoài tỉnh về như thế nào để đảm bảo các điều kiện chống dịch”./.