Đà Nẵng trước giờ áp dụng “biện pháp mạnh” giãn cách
VOV.VN - Từ 12h trưa 22/7, TP. Đà Nẵng thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp mạnh hơn trong phòng, chống dịch nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng. Chính quyền thành phố yêu cầu người dân ở trong nhà, chỉ được ra ngoài khi cần thiết.
Sáng sớm 22/7, tại các khu vực công cộng, công viên, bờ sông người dân đã hạn chế ra đường đi bộ tập thể dục, đạp xe… Nhiều tuyến phố ở TP. Đà Nẵng xe cộ vẫn lưu thông nhưng hoạt động giao hàng, grapbike, shiper có giảm hơn so với những ngày trước.
Anh Trần Văn Đức, phường Phước Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Thành phố đang có dịch COVID-19 và cấm shiper nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là công việc chính của chúng tôi nên giờ ở nhà là khó khăn. Mình cũng phải cố gắng thôi, tất cả vì sức khỏe cộng đồng. Không vì người khác thì cũng vì bản thân. Bây giờ ra đường lỡ làm lây lan dịch ra cộng đồng thì cũng nguy hiểm. Tốt nhất bây giờ thành phố cấm thì ở nhà, nghỉ xả hơi, đỡ dịch thì đi làm lại”.
Sáng 22/7, tại các siêu thị, lượng người mua giảm nhiều so với tối 21/7. Tại các chợ truyền thống, những hộ kinh doanh buôn bán nhỏ cũng giảm đáng kể. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, nhắc nhở người dân và tiểu thương tuân thủ nghiêm các khuyến cáo phòng chống dịch. Chị Lê Thị Minh Trang, ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cho rằng, người dân TP. Đà Nẵng chủ động hơn trong việc mua lương thực, thực phẩm khi thực hiện giãn cách xã hội.
“Tôi cũng mua hàng hóa bình thường thôi vì sống cũng quen với dịch rồi nên không hoang mang như mấy lần trước. Mọi người bây giờ cũng biết cách phòng tránh nhiều hơn, cũng yên tâm hơn. Tốt nhất mỗi người nên tự bảo vệ sức khỏe, thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế”, chị Trang chia sẻ.
Hiện nay, Sở Công Thương Đà Nẵng đã yêu cầu các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hệ thống các siêu thị, nhà phân phối cam kết sẵn sàng cung ứng lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 3-5 lần từ hệ thống chuỗi siêu thị và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc, đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn thành phố trong vòng 2-3 tháng.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc sở Công Thương Đà Nẵng khuyến cáo: người dân không nên hoang mang, lo lắng mua hàng tích trữ. Việc tụ tập đông người dễ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của thành phố: “Qua khảo sát các đầu nậu cung ứng gạo, các điểm buôn bán lẻ, các siêu thị, lượng hàng hóa, lượng gạo đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Giá cả ổn định, không khan hiếm, không có hiện tượng đầu cơ, tích trữ”./.